MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản: Giá trị đồng yên chia rẽ các thế hệ

03-08-2012 - 20:14 PM | Tài chính quốc tế

Một đồng yen cao giá có lợi cho dân số đang nhanh chóng già đi của Nhật Bản, cho dù làm tổn hại những thành phần khác trong nước.

Khi Nhật Bản nhường quyền thống trị các ngành công nghiệp từng đưa kinh tế nước này lên hàng đầu, có nhiều lý do giải thích. Một thảm họa hạt nhân làm chi phí năng lượng tăng vọt, một sự thiếu hụt doanh nhân, lực lượng lao động tương đối rẻ của Trung Quốc.

Giờ đây, các doanh nhân Nhật Bản ngày càng chỉ ra một lý do ít ra phần nào cũng thuộc khả năng kiểm soát của chính phủ: giá đồng yen cao làm cho sản phẩm Nhật Bản ở nước ngoài, từ ti vi đến con chip bộ nhớ, quá đắt đỏ. Chính phủ Nhật đang đối mặt với làn sóng chỉ trích là gần như không làm được gì để kiềm chế đồng yen, cho dù có cảnh báo là đồng tiền giá cao kỷ lục đang giáng mạnh vào cỗ máy xuất khẩu từng hết sức quan trọng với Nhật Bản.

Theo các nhà phân tích và một số chính khách, một lý do lớn tuy rất đơn giản và thường không được đề cập: một đồng yen cao giá có lợi cho dân số đang nhanh chóng già đi của Nhật Bản, cho dù làm tổn hại những thành phần khác trong nước.

Bằng cách tăng tốc dòng sản phẩm nhập khẩu giá rẻ đổ vào Nhật Bản, đồng yen mạnh góp phần làm giảm phát, giá hàng hóa và dịch vụ giảm nhiều hơn giúp người hưu trí tăng giá trị trợ cấp và tiết kiệm của người hưu trí. Việc chính phủ không phản ứng đối với đồng yen mạnh phản ánh một thực tế chính trị mới: những nhà lãnh đạo thiếu quyết đoán không muốn làm bực dọc lực lượng hưu trí chiếm hơn 1/4 dân số và thường bỏ phiếu số lượng lớn.

Theo Yukata Harada, giáo sư khoa học chính trị và kinh tế tại đại học Waseda, Tokyo: “Chấp nhận đồng yen mạnh và giảm phát bắt nguồn từ một sự xung đột các thế hệ. Và bây giờ, những người lớn tuổi hơn đang thắng”. Nhưng chiến thắng này đến với một giá đắt, đẩy nhanh sự thiếu hụt cơ sở công nghiệp của Nhật Bản khi các công ty tiếp tục chuyển ra nước ngoài, kinh tế thêm trì trệ suốt hai thập kỷ.

Hôm thứ hai 30.7, chính phủ Nhật Bản công bố dự thảo một chiến lược kinh tế mới, được cho là sẽ góp phần phá vỡ vòng luẩn quẩn của đồng yen mạnh và giảm phát. Nhưng cho dù kế hoạch đã xác định trọng tâm vấn đề là dân số đang già đi và năng lực xuất khẩu của Nhật Bản giảm sút, chính phủ cũng không giải quyết những nhóm lợi ích có từ lâu, kể cả người già.

Nhật Bản có thể truy nguyên thời điểm tăng giá gần nhất của đồng yen phù hợp với khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu ở Mỹ và lan sang châu Âu. Ngay trước những cơn chấn động đầu tiên của khủng hoảng nhà đất của Mỹ vào năm 2007, tỉ lệ ngoại hối ở mức 123 yen/đô la, trong khi Ngân hàng Nhật kiềm giữ lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng, và tiền tệ chảy ra khỏi nước Nhật Bản để tìm lợi nhuận cao hơn.

Sau khi khủng hoảng bắt đầu, người ta ngày càng nghi ngờ về sự lành mạnh của các ngân hàng Mỹ và châu Âu và khả năng chính phủ đứng đằng sau, dòng tiền cũng đổi chiều. Đồng yen đạt giá cao thời hậu chiến là khoảng 76 yen/đô la hồi tháng 2 và hiện nay vẫn giữ không quá xa mức đó, được giao dịch hôm thứ tư 1.8 là khoảng 78 yen/đô la. 

Sẽ không dễ dàng đảo ngược giá trị đồng tiền của Nhật Bản khi xu hướng kinh tế vĩ mô toàn cầu hiện khuyến khích đồng yen mạnh. Phần lớn các chuyên gia cũng không cho rằng lợi ích người già là nguyên nhân duy nhất để chính trị bất động, không hồi phục kinh tế.

Nhưng giá đồng yen cao cũng làm giá hàng hóa và dịch vụ giảm nhiều hơn, giúp người hưu trí tăng giá trị trợ cấp và tiết kiệm của người hưu trí. 

Nhưng phá vỡ thế bế tắc này còn khó khăn hơn do vị thế chính trị của người già tăng lên. Thậm chí một số người hưu trí thích thú hưởng lợi từ sự thiếu hoạt động của chính phủ cũng nhìn thấy tình trạng bế tắc lâu dài.

 Shigeru Ono, một cựu giám đốc công ty dầu khí sống nhờ khoản tiền tiết kiệm ít ỏi và 130.000 yen trợ cấp hàng tháng, ghi nhận những lợi thế của đồng yen mạnh và khó khăn cho thế hệ con trai ông, kể cả mức giá thấp hơn của áo sơ mi làm ở Việt Nam và ti vi màn hình phẳng của Trung Quốc.

Văn phòng Thủ tướng Yoshihiko Noda bảo vệ cách xử lý đồng yen của chính phủ, bằng cách giới thiệu kế hoạch mới và chứng tỏ là các công ty đã được trợ cấp 6 tỉ USD để chuyển sang những sản phẩm cao cấp hơn, ít bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác ở châu Á.

Cho dù bộ Tài chính Nhật Bản thực hiện một số biện pháp nhỏ như mua tổng cộng 200 tỉ USD trong hai năm qua để kéo giá đồng yen xuống, nhưng những nỗ lực này chỉ giúp những kẻ đầu cơ tăng tiền mặt.

Theo các nhà kinh tế, một bước hiệu quả hơn là Ngân hàng Nhật Bản khởi động máy in tiền, khuyến khích giảm giá đồng yen. Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ từng làm như vậy để đối phó với khủng hoảng kinh tế và tình trạng kinh tế yếu kém ở Mỹ, giữ giá đô la thấp và thúc đẩy xuất khẩu Mỹ tăng mạnh. 

Các nhà chỉ trích nói tính quan liêu bảo thủ làm cho ngân hàng trung ương lo sợ sẽ kích thích lạm phát giá bất động sản và các tài sản khác trong giai đoạn bong bóng kinh tế thập niên 80. Trong khi đó, ngân hàng cho rằng can thiệp mà không sắp xếp kinh tế dài hạn sẽ không có nghĩa gì, giống như bãi bỏ qui định bảo vệ công nghiệp nội địa để thúc đẩy cạnh tranh.

Giữa những tranh cãi, đồng yen siêu đắt thúc đẩy người Nhật mua hàng hóa nước ngoài và du lịch nước ngoài, nhưng tiếp tục làm hao mòn nền tảng kinh tế, gây thiệt hại cho những công ty từ lớn như Toyota đến nhỏ như nhà sản xuất thiết bị tự động hóa Kyouwa ở vùng quê Seki.

Sau khi mất một khách hàng Nhật Bản quan trọng hồi năm rồi về tay một công ty Hàn Quốc, Ryuji Usuda, chủ nhân Kyouwa, quyết định chuyển bộ phận sản xuất sang một xưởng mới ở Việt Nam, tuy số lượng sản phẩm sẽ ít hơn ở Nhật từ 30% đến 40%. Nhiều nhà máy nhận hàng của Kyouwa cũng dời sang các nước Đông Nam Á. Ryuji than phiền: “Chẳng bao lâu nữa, không còn thứ gì được làm ở Nhật Bản”.

Năm rồi, dòng sản phẩm nước ngoài làm Nhật thâm hụt thương mại hàng năm lần đầu tiên trong vòng 31 năm. Một số thành viên Quốc hội cảm thấy lo lắng và bắt đầu tổ chức một kiểu “nổi dậy” chính trị, đề nghị biện pháp chống đồng yen mạnh. Nhưng họ không có đường hướng rõ ràng để thay đổi những phép tính cơ bản của chính trị. 

Theo Keiichiro Asao của đảng đối lập Your Party: “Đồng yen mạnh cướp đoạt từ giới trẻ, nhưng ở đây người ta chưa nhận thức nhiều về tình trạng mất bình đẳng giữa các thế hệ.”

Theo Võ Phương

SGTT

huongnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên