MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Nội soi' Posco - Ông lớn nổi tiếng & tai tiếng

18-09-2015 - 16:00 PM | Tài chính quốc tế

Hiện nay tại Việt Nam, Posco đang hoạt động trong các lĩnh vực bao gồm sản xuất thép, thương mại, xây dựng, IT… thông qua 11 doanh nghiệp lớn nhỏ.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu series bài viết về "Các doanh nghiệp châu Á nổi bật". Series sẽ đăng tải thường kỳ vào thứ Sáu hàng tuần. Kỳ này chúng tôi xin giới thiệu về Posco, một tập đoàn kinh tế lớn tại Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam từ khá sớm.

Tượng đài thép của Hàn Quốc

Posco (tên gọi trước đây là Pohang Iron and Steel Company có nghĩa là Công ty Sắt và thép Pohang) là một công ty đa quốc gia chuyên sản xuất thép có trụ sở chính tại Pohang, Hàn Quốc, thành lập vào năm 1968.

Tháng 7/1994, Posco thành lập hai công ty con, Poscosteel và Postrade.

Poscosteel là công ty bán hàng trong nước và cánh tay dịch vụ của Posco, trong khi Postrade xuất khẩu thương mại quốc tế các sản phẩm của Posco. Cả hai công ty con đi vào hoạt động từ tháng 9/1994, với tất cả các chi nhánh của Posco tại nước ngoài chuyển giao cho Postrade vào cuối năm đó. Tháp Posteel trên đường phố Teheranno ở quận Gangnam (Seoul) được hoàn thành vào năm 2003.

Posco hiện đang hoạt động tích hợp hai nhà máy thép tại Hàn Quốc, tại thành phố Pohang và Gwangyang. Ngoài ra, Posco còn có hoạt động liên doanh với tập đoàn thép U.S. Steel, và có tàu sân bay USS-POSCO nằm ở Pittsburg, California, Hoa Kỳ. Ngoài sản xuất sắt thép, Posco cũng có mặt trong lĩnh vực thiết kế xây dựng và xây dựng.

Bên cạnh đó, Posco cũng mở rộng hoạt động kinh doanh tại các quốc gia khác bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và Úc.

Năm 2010, Posco từng là công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới theo giá trị thị trường.

Năm 2012, công ty này trở thành tập đoàn lớn thứ 146 trên thế giới do tạp chí Fortune xếp hạng 500 tập đoàn, công ty lớn nhất thế giới. Hiện tại, Posco vẫn vững vàng ở vị trí thứ 2 trong danh sách những công ty sắt, thép lớn nhất thế giới với doanh thu năm 2014 đạt 56,5 tỷ USD.

Posco đang làm gì ở Việt Nam?

Tiến quân vào Việt Nam kể từ năm 2006. Hiện nay, Posco đang hoạt động trong các lĩnh vực bao gồm sản xuất thép, thương mại, xây dựng, IT… thông qua 11 doanh nghiệp lớn nhỏ.

Sản xuất thép

Tại Việt Nam, nhà máy thép cán nguội Posco- Việt Nam được xây dựng trên diện tích 158 ha tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ 2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng số vốn đầu tư là 528 triệu USD vào năm 2009. Công suất của nhà máy đạt 1,2 triệu tấn thép/năm. Trong đó: 700.000 tấn thép cán nguội sử dụng sản xuất xe ô tô, xe máy và 500.000 tấn thép lá cán nguội phục vụ cho ngành công nghiệp xây dựng.

Hoạt động của Posco tại Việt Nam:

Đến ngày 7/3/2012, tập đoàn này tiếp tục khánh thành mở rộng nhà máy sản xuất thép không gỉ cán nguội mới với công suất 150.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, tỉnh Đồng Nai sau hơn một năm xây dựng với tổng chi phí đầu tư 130 triệu USD. Nhà máy này sẽ hoạt động dưới sự điều hành của Công ty TNHH Posco VST, và việc mở rộng này sẽ nâng năng lực sản xuất thép không gỉ từ của công ty từ 85.000 tấn lên 235.000 tấn/năm.

Ngoài ra mới đây ngày 29/6/2015, Posco đã tổ chức khánh thành nhà máy sản xuất thép thanh và thép hình cỡ lớn được triển khai từ năm 2012 với số vốn đầu tư hơn 600 triệu USD. Đây là dự án do Posco SS Vina triển khai và thậm chí doanh nghiệp này còn đầu tư cảng chuyên dụng để xử lý nguyên liệu và thành phẩm, nhà máy thép hình, thép thanh và luyện phôi bằng điện với công suất 1,2 triệu tấn/năm.

Lĩnh vực xây dựng

Bên cạnh sản xuất thép, Công ty xây dựng Posco E&C - đơn vị xây dựng của Tập đoàn Posco tại Việt Nam cũng được biết đến với nhiều dự án “khủng”.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Tuyến đường có tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD, dài 245km đi qua năm tỉnh thành là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Với chiều dài kỷ lục, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai có 120 cây cầu lớn nhỏ, một hầm chui, đào đắp hơn 100 triệu m3 đất đá và hoàn thành sau 5 năm triển khai.

Cao tốc Long Thành - Dầu Giây: Dự án đi qua địa phận TPHCM và tỉnh Đồng Nai, có tổng chiều dài toàn tuyến là 55km, được chia làm 2 dự án thành phần với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng từ vốn vay thương mại của ADB (276,8 triệu USD), vốn vay ODA của JICA (640,3 triệu USD) và vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án do nhà thầu POSCO E&C đảm nhiệm.

Tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội: Dự án với tổng chiều dài tuyến chính 12,5km. Toàn bộ dự án tổng vốn đầu tư 783 triệu euro.

Đường Mê Linh: Con đường có tổng chiều dài gần 15km. Được xây dựng trong vòng 31 tháng, từ tháng 9/2011 đến tháng 4/2014.

Tháp văn phòng Vicem: Tháp văn phòng Vicem có tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Dự án được xây dựng thành trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại. Công trình có 31 tầng nổi và 4 tầng hầm; trong đó, diện tích đất được xây dựng là 8.476m2, diện tích sàn xây dựng khoảng 80.000m2.

Cty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh, dự án Bắc An Khánh: Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh do Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (Liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C Hàn Quốc, theo tỷ lệ góp vốn pháp định là 50/50) làm chủ đầu tư.

Dự án có diện tích là 264,13 ha tại các xã: An Khánh, Lại Yên, Song Phương và Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Theo quy hoạch tổng thể khu đô thị Bắc An Khánh, đây là khu đô thị được quy hoạch và xây dựng mới đồng bộ thành tổ hợp hoàn chỉnh.

Dimond Plaza: Dự án Diamond Plaza, liên doanh giữa Tổng Công ty Xây dựng số 1 và Posco Engineering & Construction Co. thuộc Tập đoàn Posco, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2000. Tuy nhiên, đến tháng 3/2015, Lotte Mart (Hàn Quốc) đã mua lại 70% vốn của người đồng hương Posco tại tổ hợp này.

Dù đang thực hiện rất nhiều dự án lớn tại Việt Nam nhưng mới đây tập đoàn Posco đã vướng phải khủng hoảng lớn chưa từng có.

Tháng 3/2015, Posco E&C bắt đầu bị điều tra sau một cuộc kiểm toán nội bộ cho thấy có tồn tại một quỹ đen trị giá khoảng 10 tỷ won (tương đương 9,2 triệu USD) ở chi nhánh Việt Nam.

Ông Choi bị nghi ngờ có vai trò tạo ra khoảng 3 tỷ won trong quỹ đen này thông qua nhà thầu phụ Heungwoo Industrial trong thời gian từ tháng 5/2010 đến 2013. Các chi nhánh nước ngoài của Heungwoo Industrial cung cấp nguyên vật liệu cho một dự án đường cao tốc ở Việt Nam và đang bị nghi ngờ đã đóng góp cho quỹ đen của Posco E&C.

Trước biến cố như vậy, tháng 5/2015, Posco đã phải thành lập “Ủy ban cải cách quản lý khẩn cấp” do Chủ tịch tập đoàn Kwon Oh-joon đứng đầu, bao gồm các thành viên hội đồng quản trị và người đứng đầu 5 công ty con. Nhiệm vụ là đưa ra các giải pháp nhằm tái cơ cấu tập đoàn, minh bạch quản lý, thúc đẩy giao dịch công bằng và đạo đức làm việc.

Rõ ràng, bê bối này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của cả tập đoàn nói chung và chi nhánh tại Việt Nam nói riêng. Hiện rất nhiều khó khăn đang chờ đợi Posco ở phía trước.

Theo Vân Đàm

Trí Thức Trẻ/Cafebiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên