Quan chức Nga: Hy Lạp có thể dễ dàng vay vốn từ BRICS
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Sergey Storchak phát biểu, Hy Lạp có thể dễ dàng vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Mới do các nước trong khối BRICS thành lập.
- 08-07-2015Không phải Hy Lạp, Trung Quốc là nỗi lo lớn nhất của châu Á
- 08-07-2015Eurozone đặt điều kiện thảo luận gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp
- 07-07-2015Khủng hoảng ở Hy Lạp: Khi các ngân hàng "chết"
Theo ông Storchak, Hy Lạp có thể mua cổ phiếu Ngân hàng Phát triển Mới của khối kinh tế BRICS (gồm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), qua đó sẽ nhận được vốn của riêng mình. Tuy nhiên, ông cho biết động thái này sẽ cần một quyết định chính thức từ nội bộ của ngân hàng.
“Nếu họ quyết định mua một vài cổ phiếu và trở thành cổ động của ngân hàng, họ sẽ có thể có vốn từ tổ chức. Chúng tôi không cho vay một đất nước dựa trên những đóng góp của nước đó”, ông Storchak nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga cũng khẳng định rằng việc kết nạp thêm thành viên vào ngân hàng mới sẽ phụ thuộc vào quyết định chính thức.
“Hy Lạp là bên đã bày tỏ sự quan tâm đối với ngân hàng của BRICS. Ngay khi ngân hàng đi vào hoạt động, ban giám đốc ngân hàng sẽ chuẩn bị thông tin cần thiết và hội đồng thống đốc các nước sẽ xem xét và chấp thuận các thủ tục để kết nạp thành viên mới”, ông Storchak nhấn mạnh.
Storchak khẳng định: “Tôi không thấy có bất kỳ vấn đề lớn nào nếu chính phủ 5 nước lên tiếng chấp thuận đề nghị tham gia của Hy Lạp”.
Các nước trong khối BRICS đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới theo một hiệp ước ký kết vào ngày 15/7/2014 tại Brazil. Tổ chức này được thành lập nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như phát triển ổn định nền kinh tế của khối BRICS cũng như các nước đang phát triển khác.
Dự kiến ngân hàng sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 4/2016. Vốn ban đầu của ngân hàng sẽ là 50 tỉ USD, sau đó sẽ tăng dần lên thành 100 tỉ USD.
Trụ sở chính của ngân hàng này sẽ được đặt tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Trước mắt, đơn vị tiền tệ chính sẽ là USD nhưng trong tương lai, tổ chức này sẽ sử dụng nhiều loại tiền tệ khác nhau.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga được tái thiết từ hãng tin Itar-TASS cũ. Đây là một trong những hãng thông tấn lớn nhất của Nga, có bề dày 100 năm lịch sử. Hãng này liên kết với hơn 80 hãng thông tấn nước ngoài khác và là một trong những hãng thông tấn uy tín trên thế giới.
Infonet