Quyền đàm phán nhanh vượt qua trở ngại đầu tiên tại Hạ viện Mỹ
Với 217 phiếu thuận và 212 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã nhất trí đưa dự luật về quyền đàm phán nhanh ra bỏ phiếu trong ngày 12/6.
- 05-06-2015"Cân đo đong đếm" hiệp định TPP
- 30-05-2015"TPP là bông hồng có gai"
- 20-05-2015Hỏi đáp từ A đến Z về TPP
Nỗ lực theo đuổi dự luật về “Quyền thúc đẩy thương mại” (TPA), còn gọi là quyền đàm phán nhanh, của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 11/6 đã vượt qua trở ngại đầu tiên tại Hạ viện Mỹ để chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu cuối cùng.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, với 217 phiếu thuận và 212 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã nhất trí đưa dự luật về quyền đàm phán nhanh ra bỏ phiếu trong ngày 12/6.
Bên cạnh đó, với 397 phiếu thuận và 32 phiếu chống, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua biện pháp cho phép cấp ngân sách để hỗ trợ những người lao động bị mất việc làm vì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà không phải cắt giảm ngân sách dành cho chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare.
Nếu được Hạ viện phê chuẩn, Tổng thống Obama dự kiến sẽ lập tức ký ban hành do văn kiện này đã được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng trước.
Đây sẽ là một thắng lợi đối với chính quyền của Tổng thống Obama, người từng coi việc kết thúc đàm phán ký TPP với 11 đối tác châu Á-Thái Bình Dương khác là một ưu tiên đối ngoại trong nhiệm kỳ hai.
Dự luật này trao cho Nhà Trắng toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của TPP; sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản đã nhất trí.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ khả năng Hạ viện Mỹ thông qua dự luật này do phần lớn các nghị sỹ Dân chủ và một số nghị sỹ Cộng hòa vẫn lên tiếng phản đối gay gắt.
Một lý do khiến các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ không ủng hộ TPP là do áp lực lá phiếu của các cử tri thuộc các nghiệp đoàn, những người lo ngại công ăn việc làm có thể sẽ bị mất do TPP.
Giới phân tích đánh giá việc giành TPA là một "cuộc chiến" cam go của Nhà Trắng, đồng thời cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Dân chủ đang nắm quyền hành pháp./.