MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường kỳ hạn - Chiến trường mới của chứng khoán Trung Quốc

19-07-2015 - 11:01 AM | Tài chính quốc tế

Một số người cho rằng Bắc Kinh có thể đang hi sinh thị trường kỳ hạn để cứu toàn bộ thị trường chứng khoán.

* Thị trường kỳ hạn Trung Quốc đánh cược chống lại sự tăng giá

* Hợp đồng kỳ hạn trên chỉ số CSI300 đáo hạn ngày 17/7 được xem là chiến trường chính yếu

* Cơ quan quản lý xử lý thẳng tay giao dịch kỳ hạn, bán khống

* Người giao dịch nghi ngờ cơ quan quản lý có thể bắt đầu mua hợp đồng kỳ hạn trên cổ phiếu

Những người giao dịch hợp đồng kỳ hạn trên chỉ số Trung Quốc vẫn đặt cược rằng thị trường đang trong trạng thái hốt hoảng sẽ còn tiếp tục giảm ngay cả khi Bắc Kinh cố gắng ra tay nâng đỡ. Điều này khiến thị trường kỳ hạn (futures markets) trở thành chiến trường trọng điểm trong chiến dịch của Bắc Kinh nhằm khôi phục niềm tin thị trường.

Hợp đồng kỳ hạn trên chỉ số (index futures), được tạo ra ở Trung Quốc năm 2010, cung cấp cho nhà đầu tư cách thức phòng ngừa rủi ro (hedge), cũng như cung cấp cho những người bán khống (short selling) cách thức đạt lợi nhuận trong một thị trường đang có xu hướng giảm. Chúng được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ như một chỉ số đo lường độ nhạy cảm của thị trường, và do đó, đã trở thành vấn đề lớn đối với Bắc Kinh trong tuần này.

Những người giao dịch lưu ý rằng các hợp đồng kỳ hạn lớn của Trung Quốc, đặc biệt là hợp đồng kỳ hạn trên chỉ số CSI300 (đây là chỉ số chứng khoán tính theo giá trị vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến) đáo hạn vào chiều thứ Sáu, được định giá với một mức giảm so với mức thị trường hiện tại, hàm ý rằng các nhà đầu tư sẽ cần phải kéo chỉ số xuống thêm nữa hoặc phải đối diện với thua lỗ.

Và không có hợp đồng kỳ hạn nào đang định giá chỉ số CSI300 gần với giá trị mà nó sẽ đạt nếu chỉ số Shanghai Composite (chia sẻ nhiều cổ phiếu thành phần với chỉ số CSI300), phục hồi lên mức 4.500 điểm - đây được xem như là mức mục tiêu khi can thiệp của chính phủ chấm dứt.

Điều đó có nghĩa là thị trường đang đặt cược với chính phủ khi mà chính phủ đang cố gắng đẩy các chỉ số tăng lên sau đợt giảm gần 30%. Trung Quốc cũng đã bắt đầu xử lý thẳng tay thị trường kỳ hạn và người giao dịch kỳ hạn, cáo buộc một số người đang “cố tình bóp méo thị trường bằng cách bán ra”.

“Nếu nhìn vào kết quả của hôm nay, những người đánh cược thị trường sẽ đi xuống đã không thừa nhận thất bại,” một quan chức tại CITIC Futures nhận định. “Nếu họ có thể ảnh hưởng đến các nhà đầu tư cá nhân và kích hoạt một đợt bán tháo, hạ gục chỉ số dưới mức hỗ trợ quan trọng, thì vẫn còn cơ hội cho sự trở lại”.

“Rốt cuộc, vấn đề là bên nào có nhiều tiền hơn”.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không đơn thuần chỉ dựa vào tiền mà đang ưu tiên ngăn chặn giao dịch kỳ hạn thông qua các biện pháp quản lý. Điều này đã gây khó khăn hơn khi đi vay để giao dịch kỳ hạn, hạn chế giao dịch một số hợp đồng. Cảnh sát cũng bắt đầu điều tra những cá nhân và tổ chức bị cáo buộc về hành vi giao dịch trái phép. Đây được xem là cách thức đe dọa người bán khống.

“Thời điểm quan trọng”

Cuộc chiến này nhấn mạnh sự khó khăn của Bắc Kinh trong việc thuyết phục các nhà đầu tư quay trở lại thị trường chứng khoán đang trong tình trạng xấu.

Một nỗ lực đa hướng – nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng tính thanh khoản, đóng băng các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), và “van nài” các nhà đầu tư thông qua những chiến dịch truyền thông nhà nước để “bảo vệ thị trường chứng khoán” chống lại những người bán khống – cuối cùng đã có thể ngắt đà giảm và giúp thị trường hồi phục chút ít.

Điều đó đặt sự tín nhiệm của Bắc Kinh cùng với các khoản tiết kiệm của những người đã tập hợp lại theo tiếng gọi của lòng yêu nước vào tình thế nguy hiểm.

Nhưng các thị trường chủ chốt vẫn đóng cửa phiên 14 và 15/7 với đà giảm điểm.

Wang Feng, Giám đốc điều hành và người sáng lập của quỹ đầu cơ Alpha Squared Capital, cho rằng định giá hợp đồng kỳ hạn đã phản ánh xu hướng cổ phiếu giảm lâu dài.

“Hợp đồng kỳ hạn trên chỉ số hiện nay đang được dùng chủ yếu như công cụ phòng ngừa rủi ro. Những người có cổ phiếu trong tay đang bán (short) hợp đồng kỳ hạn trên chỉ số để phòng ngừa rủi ro của họ. Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi sự phục hồi để bán cổ phiếu của mình. Vì vậy, vẫn có rất nhiều áp lực bán ra”.

Giao dịch mua (long) được sự hậu thuẫn của nhà nước?

Điều trớ trêu là thị trường kỳ hạn, và các sản phẩm phái sinh khác, được cho là đóng vai trò quan trọng trong cải cách thị trường, đã làm giảm biến động trên TTCK Trung Quốc trong sáu tháng qua.

Bằng cách cho phép nhà đầu tư bảo vệ bản thân trước những đợt giảm giá mạnh, thị trường kỳ hạn khuyến khích họ giữ nhiều vị thế mua (long position) hơn, và trên thực tế thị trường kỳ hạn chỉ số CSI hoạt động rất sôi nổi, với hợp đồng kỳ hạn trên chỉ số CSI300 có khối lượng lớn hơn thị trường hợp đồng kỳ hạn trên chỉ số S&P500 của Mỹ trong tháng Năm.

Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể “hy sinh” thị trường kỳ hạn để cứu thị trường rộng lớn hơn. Một số người giao dịch nghĩ rằng bước tiếp theo có thể là cơ quan quản lý mua và bán hợp đồng kỳ hạn nhằm tác động đến giá trực tiếp hơn. Cái giá phải trả là thất bại trên phương tiện quản lý hành chính.

Điều đó sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi can thiệp thị trường của Trung Quốc, bắt đầu với mục tiêu là cổ phiếu blue-chip, sau đó lan sang mua cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ.

Một số người nghĩ là điều đó đã bắt đầu xảy ra.

Tuần trước, đã có những lệnh đặt lớn – hơn 30.000 hợp đồng ở vị thế mua (long) được mở – tại CITIC Futures, chống lại những đặt cược thị trường giảm trị giá hơn 40 tỷ nhân dân tệ (6.440 tỷ đô la), một nhân viên môi giới giấu tên cho biết, bơm thêm tiền dường như là đến từ những nhà đầu tư được sự hậu thuẫn của nhà nước.

Chưa có bình luận nào từ cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc.

Nguyễn Hoàng Mỹ Phương

Reuters

Trở lên trên