MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thụy Sĩ sẽ ngưng nhận tiền “bẩn”

08-05-2015 - 14:21 PM | Tài chính quốc tế

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội ngân hàng (NH) Thụy Sĩ, trong năm 2014, các NH ở Thụy Sĩ đã phát hiện 1.753 trường hợp giao dịch bị nghi ngờ rửa tiền, với số tiền cao mức kỷ lục là 3,5 tỷ USD. Giao dịch có giá trị lớn nhất là 213,4 triệu USD, ngoài ra có 6 giao dịch khác cũng có giá trị cao là 80 triệu USD.

Theo đại diện của Hiệp hội này, số tiền được “rửa” chủ yếu là tiền trốn thuế. Ngoài ra, tiền liên quan đến hành vi tham nhũng, biển thủ, nhận hối lộ cũng không hề ít. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 10% trường hợp giao dịch rửa tiền bị phát hiện có liên quan đến cá nhân, tổ chức từng ít nhất 1 lần bị kết án vì những sai phạm liên quan đến tài chính. 40% trường hợp liên quan đến cá nhân, tổ chức đang bị điều tra, truy xét về những hành vi liên quan như tham nhũng, hối lộ, biển thủ.

Thực tế, tại thời điểm Thụy Sĩ công bố số tiền “bẩn” trên, cũng là thời điểm hàng loạt vụ bê bối liên quan đến rửa tiền tại các quốc gia được cảnh sát phanh phui.

Ví dụ, ngày 4/5/2015, các công tố viên Hàn Quốc thông báo đã bắt giữ thêm một quan chức của Tập đoàn POSCO E&C với cáo buộc tham gia lập quỹ đen. Vụ mới nhất này nâng tổng số quan chức của tập đoàn bị bắt giữ phục vụ điều tra lên con số 6 người.

Vị giám đốc điều hành trên bị cáo buộc đã nhận hàng trăm triệu won (hàng trăm nghìn USD) tiền “lại quả” từ một công ty trong giai đoạn 2012-2013 để đổi lấy việc được chọn làm nhà thầu phụ của nhiều dự án. Các công tố viên còn cáo buộc ông này đã giấu hơn 1 tỷ won trong một quỹ đen cá nhân bằng cách ép các nhà thầu phụ của POSCO E&C đưa lại một phần số tiền đã trả cho họ trong thời gian trên.

Cùng ngày, Cảnh sát Mỹ cho biết, lãnh đạo đầy quyền lực của phe đa số trong Thượng viện bang New York - Dean Skelos và con trai đã bị bắt giữ sau khi Cục Điều tra Liên bang (FBI) mở rộng một cuộc điều tra tham nhũng. Nguồn tin trên cho biết, ông Dean Skelos, 67 tuổi và con trai Adam Skelos, 32 tuổi, đã ra đầu thú tại một văn phòng của FBI ở khu vực Hạ Manhattan, sau khi bị cáo buộc phạm một loạt tội như đút lót và nhận hối lộ.

Các quan chức FBI cho biết, cuộc điều tra ông Dean Skelos và người con trai đã được tiến hành từ năm 2010, khi hai người này bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để moi tiền của các DN. Đây là trường hợp mới nhất trong hàng loạt vụ bê bối và tham nhũng khiến nhiều quan chức cấp cao tại New York mất ghế.

Không chỉ có Dean Skelos, hồi đầu năm, Chủ tịch Hạ viện bang New York - Sheldon Silver cũng đã buộc phải từ chức sau khi bị cáo buộc phạm tội tham nhũng…

Hay cách đây một tháng, hàng trăm ngàn người Brazil xuống đường biểu tình về vụ bê bối tham nhũng quy mô lớn ở tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Được biết, vụ bê bối tại Petrobras bị phanh phui từ tháng 3/2014 đã phủ "đám mây đen" lên nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển về lâu dài của Brazil…

“Hàng loạt vụ tham nhũng được đưa ra ánh sáng lý giải vì sao, năm 2014, số tiền “rửa” thông qua các NH ở Thụy Sĩ lại cao kỷ lục đến như vậy”, đại diện Hiệp hội NH Thụy Sĩ cho biết thêm.

Dẫn lời một tờ báo, hoạt động rửa tiền chủ yếu liên quan đến những hành vi như ủy thác tài chính, tư vấn tài chính hoặc liên quan đến những khoản tiền “kếch xù” giao dịch thông qua các NH ở Thụy Sĩ. Và không chỉ ở những nước đang phát triển, nạn tham nhũng đang “ăn mòn” cả những cường quốc lớn.

Qua những cuộc phỏng vấn, nhiều người dân Mỹ vẫn tin rằng, chắc chắn tình trạng hối lộ ở Mỹ ít xảy ra hơn là ở Nigeria hay Bolivia. Nhưng trên thực tế, dù khác biệt về hình thức tham nhũng song theo Chỉ số nhận thức về tham những cho thấy, hiện nay, ngay cả các nước phát triển cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự các nước nghèo trong nỗ lực chống tham nhũng. Thậm chí có nhiều cơ sở để khẳng định sự khác biệt tham nhũng tại Mỹ và các nước đang phát triển không phải là lớn.

Cụ thể, tại bảng Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), đứng đầu luôn là các nước giàu: Thụy Điển, Anh, Mỹ và dưới cùng là các nước nghèo như Bờ biển ngà, Việt Nam và Tanzania. Đây là một sự thật không thể tranh cãi rằng tham nhũng đầy rẫy trong thế giới đang phát triển và đó là lý do chính tại sao các nước nghèo vẫn mãi nghèo.

Cũng theo khảo sát của TI, nếu tính đến các định chế quan trọng trong đời sống quốc gia thì đảng phái chính trị là nơi tham nhũng bậc nhất. Sau đó là cảnh sát, công chức, nghị viện, tòa án. Nhóm kế tiếp là dịch vụ y tế, hệ thống giáo dục, truyền thông, quân sự và các tổ chức phi chính phủ (NGO)...

Trở lại với quy định mới của Chính phủ Thụy Sĩ, các NH nước này đang chuẩn bị cho bước ngoặt quan trọng trong việc tổ chức và quản lý các quỹ tài chính. Đến một thời điểm nhất định, các NH sẽ chỉ được tiếp nhận những "đồng tiền sạch", tức đã được thẩm định rằng không có chuyện rửa tiền, trốn thuế đằng sau các khoản ký gửi khổng lồ. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới sức hút và lợi nhuận của NH Thụy Sĩ.

Hy vọng rằng, sự thay đổi này sẽ đánh dấu chấm hết cho truyền thống tự do nhận các khoản tiền gửi mà không cần phải khai báo cho chính quyền kéo dài hàng trăm năm nay của các NH Thụy Sĩ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều món tài sản kếch xù của các tỷ phú trên khắp thế giới có nguy cơ bị điều tra và đem ra ánh sáng.

>>> Lịch sử bộ luật bí mật của ngân hàng Thụy Sĩ

Theo Lâm Anh

PV

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên