Tiền tài trợ tranh cử tổng thống Mỹ tăng vọt
Tận dụng quy định lỏng lẻo hơn, các chính đảng Mỹ đang kêu gọi những nhà tài trợ giàu có tăng gấp 10 lượng tiền tài trợ cho chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016.
- 15-09-2015Bầu cử Mỹ 2016: Tỷ phú Donald Trump và bà Clinton tiếp tục dẫn đầu
- 19-08-2015Bầu cử Mỹ 2016 sẽ lập kỷ lục mới trong lịch sử về chi phí
- 11-08-2015Hiệp định TPP: Khó thông qua trước bầu cử Tổng thống Mỹ 2016?
- 05-11-2014Hậu trường chuyện tiền nong trong bầu cử giữa kỳ tại Mỹ
- 05-11-2014Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ
Theo những quy định mới chưa được công bố rộng rãi, mức tài trợ cho chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa tăng vọt lên 1,34 triệu USD cho mỗi cặp ứng viên. Con số dành cho đảng Dân chủ là khoảng 1,6 triệu USD. Đổi lại, các nhà tài trợ lớn nhận được những đối xử đặc biệt như đi nghỉ riêng với các lãnh đạo cấp cao nhất, được đối xử như VIP tại các sự kiện bổ nhiệm và dự các bữa tối đặc biệt tại gala của ủy ban tài chính của đảng.
Theo báo Mỹ Washington Post, gói tài trợ mới đánh dấu sự xói mòn mới trong quy định về giới hạn tài chính cho tranh cử và khiến nhiều người nhớ lại thời kỳ những năm 1990, khi các đảng nhận được những khoản tiền “mềm” khổng lồ từ những người ủng hộ giàu có và tập đoàn lớn.
Quy định mới cũng nâng cao vị trí cho giới siêu giàu vào thời điểm các siêu ủy ban hành động chính trị (PAC) đang thống trị chiến dịch chạy đua tổng thống 2016. “Điều này đánh dấu việc các đảng mắc nợ một số ít nhà tài trợ những khoản tiền lớn hơn mức có thể tưởng tượng được của hầu hết người dân Mỹ”, Washington Post dẫn lời luật sư Trevor Potter - người ủng hộ việc thắt chặt quy định về tài chính tranh cử.
Tuần trước, các quan chức Mỹ đã lặng lẽ thông báo về những thay đổi trong quy định tài trợ tranh cử. Họ thông báo trước những nhà tài trợ lớn nhất tại các buổi họp của đảng Dân chủ ở bang Minnesota và của đảng Cộng hòa ở bang Michigan, Washington Post đưa tin.
Cách đây 4 năm, mức tối đa mà một nhà tài trợ có thể rót cho mỗi chính đảng quy mô toàn quốc ở Mỹ là 30.800 USD. “Tôi nghĩ điều đó thật khủng khiếp”, Washington Post dẫn lời ông Alan Patricof - người từng là nhà gây quỹ trong một thời gian dài cho đảng Dân chủ và là người hỗ trợ chính của bà Hillary Clinton. “Sẽ có rất ít người có thể cung cấp con số như vậy”, ông Patricof nói.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, thay đổi này có thể giúp các đảng lấy lại tính ưu việt khi quản lý tốt hơn lượng tiền tài trợ cho các ứng viên tổng thống để sử dụng trực tiếp nhằm tiếp cận cử tri hay hoạt động tại hiện trường. “Điều này sẽ giúp ngăn chặn dòng tiền không minh bạch và không được kiểm soát, và sẽ giúp tái thiết các đảng chính trị”, Washington Post dẫn lời ông Richard Hohlt - một nhà gây quỹ lâu năm của đảng Cộng hòa và là nhà vận động hành lang ở Washington.
Việc cho phép tăng vọt tiền tài trợ này xuất phát từ quyết định của Ủy ban Bầu cử Liên bang và của Tòa án Tối cao năm 2014 về việc xóa bỏ mức trần mà mỗi nhà tài trợ chính trị được cung cấp trong mỗi chiến dịch bầu cử.
Nhiều quy định khác liên quan đến tài trợ bầu cử vẫn được giữ nguyên, như cấm nhận tiền từ doanh nghiệp. Nhưng luật sư chuyên về luật bầu cử Robert Kelner nói rằng các đảng đang “tận dụng tối đa” lợi thế mới của họ. Một số chuyên gia gây quỹ tin rằng, các nhà tài trợ sẽ đòi hỏi nhận lại nhiều quyền lợi hơn, như tiếp cận dễ hơn với các ứng viên và các cuộc họp hành chính.
Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang tận dụng quy định mới. Điều đó nghĩa là bên cạnh hơn 33.000 USD mỗi nhà tài trợ có thể rót cho một đảng, người đó sẽ được tài trợ thêm hơn 300.000 USD cho các tài khoản khác - cao gấp 10 lần so với mức cũ. Và mỗi nhà tài trợ có thể rót số tiền tương tự như vậy trong năm sau, tương đương mỗi người được tài trợ tổng số 1,34 triệu cho chiến dịch tranh cử năm 2016. Nhóm vận động của bà Clinton đang kêu gọi các nhà tài trợ cung cấp hơn 366.000 USD trong năm nay cho Quỹ Chiến thắng Hillary.
Tiền phong