Vì sao Jack Ma không lo lắng khi Trung Quốc đình trệ?
Jack Ma tỏ ra bình thản với tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay vì ông cho rằng Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là điều tất yếu thậm chí còn là điều tốt với những người nhìn nhận nền kinh tế Trung Quốc đã đến lúc chú trọng hơn vào chất lượng của tăng trưởng.
- 23-09-2015Jack Ma "hối hận” khi đưa Alibaba thành công ty đại chúng
- 17-09-2015Jack Ma: Kiếm tiền thì dễ, tiêu mới khó
- 16-09-2015Jack Ma tìm lời giải tăng trưởng cho Alibaba
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại Đại học Stanford với đồng sáng lập Yahoo Jerry Yang, Jack Ma đã nêu quan điểm của ông về tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay.
Chất lượng quan trọng hơn
“Đầu tiên, tôi nghĩ rằng mọi người ở Mỹ và phương Tây đều đang lo lắng về Trung Quốc. Tôi nghĩ đó là một điều tốt, bởi vì mỗi khi phương Tây lo ngại về Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ đi lên, và khi người phương Tây nghĩ Trung Quốc đang tốt đẹp thì sau đó Trung Quốc lại đi xuống. Phương Tây luôn nghi ngờ về sự tăng trưởng của Trung Quốc trong 30 năm qua, đây là điều tốt. Sẽ cần thời gian để cả hai bên hiểu nhau.
Nhưng Trung Quốc đã liên tục tăng trưởng 10, 11 hoặc 12% trong nhiều năm, tôi không nghĩ tốc độ này có thể duy trì mãi. Điều đó là không thể. Cũng như cơ thể con người vậy, khi bạn đã cao đến 1,8m bạn không thể cứ tiếp tục cao lên mãi được. Bạn phải phát triển chất lượng bên trong, như não bộ, chứ không phải kích thước cơ thể.
Đặc biệt là thời điềm này, đầu tiên tôi nghĩ không thể cứ tăng trưởng 10-15% được. Thứ hai là Trung Quốc cần chậm lại và học cách chậm lại. Khi bạn nhìn vào lượng nước, không khí và tất cả tài nguyên mà chúng tôi sử dụng, bạn sẽ thấy thật khó tin. Chúng tôi không muốn kiếm quá nhiều tiền để rồi phải sử dụng tiền đó uống thuốc và nằm viện (vì có nhiều người bệnh do ô nhiễm). Điều này hoàn toàn không ổn.
Ngược lại, những người như tôi nghĩ rằng ngay cả khi Trung Quốc chỉ tăng trưởng ở mức 7% cũng là điều tốt. Vấn đề là, ngay cả với tốc độ 7%, chúng tôi vẫn là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới (điều này không hẳn đúng - PV). 7% GDP cũng đã là một số tiền khổng lồ. Chúng tôi nên sử dụng tiền tốt hơn. Chúng tôi cần chất lượng chứ không phải số lượng. Cách đây 30 năm, chúng tôi rất cần số lượng, nhưng bây giờ là lúc cần chất lượng.
Tôi nghĩ Phương Tây luôn kỳ vọng Trung Quốc sẽ chú trọng nhiều hơn cho chất lượng như nên kiểm soát không khí, kiểm soát ô nhiễm... Khi chúng tôi bắt đầu thực hiện, họ lại bắt đầu lo lắng. Hơn nữa tôi nghĩ rằng kinh tế Trung Quốc không tệ đến thế. Có ba yếu tố thúc đẩy chính là đầu tư cơ sở hạ tầng, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Đây là ba yếu tố mà Trung Quốc luôn tự hào và là động lực cho phát triển.
Nhưng đầu tư cơ sở hạ tầng và xuất khẩu đang chậm lại. Đây là hai vấn đề mà Chính phủ thường giải quyết rất tốt và họ rất thích can thiệp vào hai lĩnh vực này. Nhưng tiêu dùng nội địa thì chính phủ không thể tác động được, vì tiêu dùng không thể được quyết định bởi chính phủ, nó được quyết định bởi các doanh nghiệp và kinh tế thị trường.
Trung Quốc là một kho dự trữ tiền khổng lồ
Môt điểm cần lưu ý nữa là có rất nhiều hiểu lầm và khác biệt văn hóa giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi người Mỹ nghĩ về một nền kinh tế đang chậm lại, có nghĩa là họ nghĩ người dân không có tiền để chi tiêu. Nhưng người Trung Quốc chúng tôi nghĩ khác.
Các bạn (người Mỹ) biết cách tiêu tiền của ngày mai, của tương lai, hoặc tiền của người khác.
Nhưng người Trung Quốc chúng tôi có thói quen tiết kiệm. Chúng tôi luôn giữ tiền trong ngân hàng. Trung Quốc đã trải qua nhiều năm nghèo khó, vì vậy chúng tôi luôn lo lắng về cái nghèo. Khi chúng tôi có tiền, chúng tôi gửi vào ngân hàng để dự phòng cho rủi ro trong tương lai. Vì vậy Trung Quốc có lượng tiền gửi ngân hàng lớn nhất thế giới. Chúng tôi cũng gửi rất nhiều tiền ở Mỹ. Chúng tôi biết rằng khi những ngày khó khăn đến, chúng tôi sẽ bắt đầu phải trả tiền và mua sắm.
Thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc đang thay đổi
Số liệu cho thấy - chúng tôi (Alibaba) đang là nhà bán lẻ lớn nhất, với 12% thị phần bán lẻ của Trung Quốc – sức tiêu thụ vẫn đang tăng lên đều đặn và dữ dội. Đặc biệt là khi các nền kinh tế đang gặp khó khăn, mọi người sẽ mua online vì giá rẻ hơn.
Một điều khác biệt khác: Bà ngoại tôi chỉ có một chiếc áo trong tủ quần áo của bà. Mẹ tôi thì có ba chiếc. Nhưng đến thế hệ của con gái tôi sẽ là năm mươi chiếc. Và 48% trong số đó không bao giờ mặc đến! Đây gọi là tiêu dùng trong nước, và chúng tôi phải xây dựng hành vi để mọi người bắt đầu tiêu tiền. Đây là điều mà chính phủ làm không tốt, trong khi chúng tôi biết cách làm điều này.
Vì vậy, nói chung, tôi nhận định tình hình đang rất tích cực. Có lẽ trong hai hoặc ba năm tới sẽ có vấn đề, chẳng hạn như về chống tham nhũng... Nhưng hãy thử nghĩ xem: Chống tham nhũng và nhà nước pháp quyền chính là nền tảng tuyệt vời cho các nền kinh tế thị trường. Bạn sẽ không muốn kinh doanh bằng cách hối lộ. Bạn không muốn có một môi trường bất công. Với pháp quyền, một nền kinh tế thị trường sẽ rõ ràng, minh bạch và công bằng.
Và tôi nghĩ rằng, trong năm nay hoặc năm nào đó? Tình hình sẽ tồi tệ. Nhưng đây là lý do chúng ta cần đến tinh thần doanh nhân. Và là lý do tại sao chúng ta cần doanh nghiệp lèo lái nền kinh tế. Vì vậy, tôi cảm thấy tích cực. Khi mọi người lo lắng, tôi thấy vui. Khi mọi người đang quá vui, tôi bắt đầu lo lắng. Nhưng tôi không lo về những điều mà Chủ tịch nước đang lo. Tôi lo về những điều không ai nghĩ đến.
Tôi tích cực, nhưng tôi không ngu ngốc. Tôi biết chúng tôi có vấn đề. Chúng tôi phải giải quyết từng vấn đề một, và ... chỉ thế thôi!”
Trí Thức Trẻ/CafeBiz