Xuất khẩu Châu Á bước vào vùng nguy hiểm
Mặc dù tình hình kinh tế tại Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã cải thiện, xuất khẩu từ Châu Á đến các thị trường này chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục rõ ràng, trong khi các nhà hoạch định chính sách không còn nhiều giải pháp kích thích kinh tế có thể lựa chọn.
- 22-06-2015Xuất khẩu của châu Á không còn hưởng lợi từ kinh tế Mỹ?
- 09-04-2015Triển vọng sáng sủa về xuất khẩu nông thủy sản sang Châu Phi, Tây Á, Nam Á
- 10-01-2015Đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang châu Phi, Tây Á, Nam Á
- 31-03-2014Gia tăng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo châu Á
Giao dịch thương mại yếu đã khiến tăng trưởng GDP quý II/2015 của Nhật Bản không được khả quan, trong khi xuất khẩu của Hàn Quốc đã suy giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Xuất nhập khẩu từ các nước Thái Lan, Đài Loan, Philippin và Malaysia đều ở mức đáng thất vọng từ đầu năm đến nay.
Theo Standard & Poor, việc Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ không phải là yếu tố chính khiến xuất khẩu giảm ở Châu Á-Thái Bình Dương mà là do nhu cầu tại các thị trường phát triển đi xuống.
Tuy nhiên, nhập khẩu vào Trung Quốc suy giảm do nhu cầu tiêu thụ nội địa của nước này yếu đi cũng góp phần làm tổn thương ngành xuất khẩu của các nước khác. Tăng trưởng doanh số xe hơi tại Trung Quốc đã giảm mạnh từ đầu năm đến nay, gây tổn thương đến ngành sản xuất ô tô toàn cầu.
Tình trạng giảm tốc kinh tế của Trung Quốc khiến giá hàng hóa giảm, ảnh hưởng đến các nước mới nổi giàu tài nguyên xuất khẩu sang nước này, như Nga và Brazil.
Nghiêm trọng hơn, giá hàng hóa giảm đã bắt đầu ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp kỹ thuật cao tại Châu Á. Việc cắt giảm đầu tư vào ngành khai khoáng và năng lượng tại Hàn Quốc và Nhật Bản đã gây tổn thương đến các tập đoàn sản xuất giàn khoan hay ụ chứa khí đốt cho nhà máy lọc dầu.
Theo ngân hàng HSBC, ngành xuất khẩu Châu Á không còn quá phụ thuộc vào nhu cầu tại thị trường Mỹ và đây là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ không hỗ trợ nhiều cho khu vực này.
Ngành xuất khẩu điện tử gia dụng tại Châu Á cũng không khả quan. Lĩnh vực sản xuất máy tính cá nhân suy giảm liên tục trong thời gian gần đây là một tin xấu đối với Đông Nam Á khi đây là khu vực chủ yếu sản xuất các linh kiện. Thị trường máy tính bảng và điện thoại thông minh cũng không có nhiều thông tin tốt bởi thiếu vắng những sản phẩm thật sự độc đáo, mới mẻ với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của các nhà sản xuất nội địa Trung Quốc khiến doanh thu của các nước khác gặp khó khăn.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách cũng không có nhiều giải pháp kích thích kinh tế mạnh thực sự có thể lựa chọn. Lãi suất của các ngân hàng trung ương đã ở mức khá thấp, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng nâng lãi suất năm nay, qua đó thúc đẩy tình trạng rút vốn khỏi các thị trường.
Dù tình hình vẫn chưa rõ ràng trong năm 2015, nhưng một số chuyên gia kinh tế kỳ vọng tăng trưởng kinh tế tại Phương Tây sẽ tiếp tục giúp kích cầu và hỗ trợ ngành xuất khẩu trên thế giới.
Người đồng hành