MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yêu nước như ... người Hy Lạp

16-07-2015 - 20:12 PM | Tài chính quốc tế

​Tại mảnh đất trù phú với những ngọn đồi chập trùng được bao phủ bởi những lùm cây ô liu và đồn điền cam, niềm tự hào dân tộc của người Hy Lạp đang dâng cao.

Andreas Mallios, một người nông dân trồng cam 50 tuổi, kéo hơi thuốc trong quán café bên đường và nói: “Nhân phẩm của tôi với tư cách là một con người và một công dân của quốc gia này đã bị châu Âu trà đạp dã man. Tôi là một người châu Âu, dùng đồng tiền euro, nhưng tôi cũng là người Hy Lạp và là một người đàn ông, tôi bỏ phiếu chống lại sự hăm dọa này”. Mallios đang nói về cuộc trưng cầu dân ý mà hơn 60% người dân Hy Lạp đã bỏ phiếu chống lại châu Âu.

Cả thế giới đã chứng kiến sự xung đột của Hy Lạp với các chủ nợ (là các nước eurozone khác và quỹ Tiền tệ quốc tế) như lời đáp lại các vấn đề nợ, thắt lưng buộc bụng và tái cơ cấu. Nhưng với rất nhiều người dân Hy Lạp, đặc biệt những người ngoài Athens, cảm giác về nỗi nhục quốc gia và sự phụ thuộc đang xâm chiếm họ nặng nề hơn.

Người dân Hy Lạp đã nói không với các yêu cầu của chủ nợ, khiến đất nước họ đứng trước nguy cơ phá sản và ra khỏi khối châu Âu, niềm tự hào dân tộc của những thị trấn nhỏ và nông thôn Hy Lạp đã đóng vai trò quyết định như thế.

Ông Mallios thường bán buôn trái cây với giá 28 euro cent cho một kg (khoảng 15 cent một pound). Nhưng bây giờ giá chỉ còn khoảng 8 cent một kg, bởi sự sụp đổ kinh tế của Hy Lạp. Tuy nhiên, sự thiệt hại tài chính của ông không hề hấn gì so với cảm giác ngày càng tăng rằng đất nước của ông đang bị tấn công bởi các thế lực ngoại bang.

Ông nói: “Phẩm chất dân tộc trong gia đình châu Âu có nghĩa sẽ có một cuộc đối thoại dân chủ, không có chuyện có ngón tay ve vẩy vào bạn và bảo phải bỏ phiếu như thế nào. Tôi không còn muốn là một phần của châu Âu này nữa.”

Ngôn ngữ yêu nước và nỗi sợ của kẻ thù ngoại bang, dù thật hay giả, từ lâu đã là đặc trưng chính trị của Hy Lạp, cho dù thuộc ý thức hệ trái, phải hay trung tâm, nhà lịch sử học Thanos Veremis, tác giả của bộ sách có căn cứ được tham khảo rộng rãi của lịch sự Hy Lạp hiện đại nhận định.

“Ngay đến bây giờ, vẫn có một trò chơi dân túy diễn ra xung quanh việc đảng chính trị nào yêu nước hơn.” Ông Veremis nói. Khoảng 15% cử tri Hy Lạp đã bỏ phiếu cho đảng dân tộc chủ nghĩa hoàn toàn như Independent Greeks và Golden Dawn trong cuộc bầu cử hồi tháng Giêng. Suy thoái kinh tế khiến các thông điệp đó càng phổ biến hơn, đặc biệt là giữa những người nghèo.

Syriza, đảng cầm quyền chính, đi theo chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa Mác, kêu gọi các cử tri từ chối các điều kiện của chủ nợ trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua. “Chúng tôi nói “không” cho một Hy Lạp sẽ chống lại. Chúng tôi nói “không” cho dân chủ và nhân phẩm,” đó là một giọng phụ nữ nhẹ nhàng phát thanh trên đài do Syriza tài trợ.

Tránh xa khỏi chốn đô thị Athens để trở về với một phần ba của đất nước Hy Lạp 11 triệu dân, thông điệp cảm xúc dường như mạnh mẽ hơn. Nikos Ntakraris, 53 tuổi, sở hữu những chiếc xe tải vận chuyển nông sản từ Argolis tới khắp cả nước, cho hay: “Ngay bây giờ, tôi không thể trả tiền xăng cho 11 chiếc xe tải của mình, bởi ngân hàng đóng cửa. Nếu tán thành thỏa thuận này với các chủ nợ sẽ tốt cho tôi hơn. Nhưng họ đã tước đi niềm tự hào dân tộc và biến chúng tôi thành những kẻ ăn mày. Nên tôi nói không. Điều đó có ý nghĩa với tôi hơn tất thảy.”

Veremis tính toán họ đã tạo ra một mối quan hệ tiềm năng có thể chi phối thành công cảm xúc của nhiều người dân Hy Lạp. Ông nói: “Ở Hy Lạp tồn tại tinh thần yêu nước của những người bị áp bức bị ảnh hưởng nặng nề bởi âm mưu của các đối thủ nặng kí, và do đó, cách duy nhất họ có thể trả thù là tự thổi mình lên cao ngang với các tòa thành,” ám chỉ đến những người yêu nước đã chọn cái chết hơn là đầu hàng trong cuộc chiến giành độc lập chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Dimistris Panagopoulos, người nông dân 50 tuổi, cho rằng các chủ nợ của Hy Lạp đang trừng phạt người dân Hy Lạp bởi đã chọn một chính quyền châu Âu mà các nhà lãnh đạo không ưa. Ông chia sẻ: “Có nhiều điều đáng sống hơn chỉ có tiền. Tôi đã chọn phiếu chống vào ngày chủ nhật đó. Tôi thà chọn được ngẩng cao đầu.”

Sự giận dữ bao trùm Hy Lạp đặc biệt nhắm vào Đức, quốc gia khiến Hy Lạp phải chống lại trong cả 2 trận thế chiến, và khiến nhiều người ở đây cảm thấy họ như là ông chủ của mình. “Đức muốn biến Hy Lạp thành nô lệ,” Petros Vlassis, cán bộ hưu 60 tuổi nói.

Điều này cũng không quá khó hiểu khi với tư cách là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức đã trở thành động lực đằng sau chính sách thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt và cải cách kinh tế mà các chủ nợ đã áp đặt như cái giá của các khoản vay cứu trợ Hy Lạp năm 2010. Trong số các hình vẽ trên tường tràn ngập các con phố của Hy Lạp, có hình bộ mặt nghiêm nghị của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble với khẩu hiệu: “Ông ta đã hút máu bạn 5 năm rồi, hãy nói KHÔNG với ông ta.”

Ông Vlassis nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn những đồng minh thực sự của mình ở châu Âu và trên thế giới nhớ rằng chúng tôi đã chiến đấu bên cạnh họ để chống lại một quốc gia 2 lần cố thôn tính châu Âu. Chúng tôi chiến đấu vì điều gì? Chắc chắn không phải vì những gì đang diễn ra”.

Phương Anh

Wall Street Journal

Trở lên trên