Tài khoản bốc hơi gần 2 tỉ đồng sau khi tải app "Bộ Công an", chiêu thức lừa đảo không mới nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy
Gần đây, Công an quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 2 tỷ đồng.
- 21-08-2022Tiềm năng Blockchain và ứng dụng vào Smart City
- 21-08-2022Vì sao người dân chưa mặn mà sử dụng dịch vụ công trực tuyến?
- 21-08-2022Chuyển đổi số cần công dân số
Thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, Internet, mạng xã hội vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên toàn quốc với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nhưng điều đáng nói, dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng vẫn có nhiều trường hợp người dân sập bẫy và bị lừa đảo hàng chục thậm chí lên đến hàng tỷ đồng.
Chiêu thức lừa đảo "cũ" nhưng vẫn sập bẫy
Gần đây, Công an quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là gần 2 tỷ đồng.
Theo đó, vào ngày ngày 12/8/2022, Công an quận Cầu Giấy tiếp nhận đơn trình báo của chị P (SN 1980; trú tại: Cầu Giấy, Hà Nội) về việc nhận được một cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng thông báo chị P có liên quan đến một vụ án điều tra và yêu cầu chị tải ứng dụng giả mạo “Bộ Công an” để phục vụ điều tra. Sau khi đăng nhập tài khoản chị P phát hiện tài khoản bị mất gần 2 tỷ đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Người phụ nữ tá hoả khi tài khoản bốc hơi gần 2 tỉ đồng sau khi tải app "Bộ Công an" giả
Trước đó, ngày 6/8, Công an phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết vừa tiếp nhận trình báo của bà N.T.H.T (SN 1983, trú phường Thanh Khê Tây) về việc bị lừa đảo qua mạng, mất hơn 1 tỉ đồng cũng với thủ đoạn mạo danh cán bộ công an để lừa đảo.
Sau khi nhận được cuộc gọi thông báo bà có liên quan đến vụ tai nạn giao thông, dù trả lời không biết gì đến vụ việc trên nhưng các đối tượng tiếp tục mạo danh và chuyển máy đến "Công an TP Đà Nẵng" để dọa bà T.. Sau khi nghe máy từ một người tự xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng gọi thông báo bà T. có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và hướng dẫn bà tải phần mềm "ứng dụng bảo mật" về để khai báo, bà T hoảng sợ và làm theo yêu cầu của các đối tượng.
Sau đó, chỉ trong vòng từ 17 giờ 17 đến 20 giờ 20 cùng ngày, tài khoản ngân hàng của bà T. bị trừ 7 lần với số tiền tổng cộng hơn 1 tỉ đồng.
Điều đáng nói, các nạn nhân của những thủ đoạn lừa đảo này trải dài khắp cả nước.
Ngày 9/7 vùa qua, Công an quận 12, TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận trình báo của ông M.X. Đ (ngụ quận Gò Vấp, làm việc tại quận 12) bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo qua internet mất hơn 1,8 tỷ đồng cũng với thủ đoạn tương tự.
Ông Đ. đến Công an quận 12 trình báo về việc bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo hơn 1,8 tỷ đồng
Theo đó trưa 9/7, Đ. nhận được cuộc gọi lạ. Đầu dây bên kia xưng là tổng đài báo số điện thoại của ông sẽ bị khóa 2 chiều trong 2 giờ nữa. Ông Đ. lo lắng nên làm theo hướng dẫn thì được một người xưng là tổng đài viên nói số điện thoại của ông Đ bị một đối tượng lấy đăng ký để đi lừa đảo. Người này nói nếu ông Đ. muốn tìm hiểu thì để tổng đài nối máy cho phía Công an. Ông Đ đồng ý.
Một người xưng là điều tra viên - Công an TP Đà Nẵng cho ông Đ hay ông Đ liên quan đên chuyên rửa tiền và buôn bán ma túy. “Điều tra viên” này còn cho biết, ông Đ có mở một tài khoản ngân hàng ở Đà Nẵng, yêu cầu ông Đ đem CCCD lên Công an TP Đà Nẵng làm việc.
Ông Đ lúc này hoang mang cho biết không thể đi được, “điều tra viên” này nói sẽ tạo điều kiện để ông Đ làm việc qua điện thoại. “Điều tra viên” yêu cầu ông Đ chụp hình CCCD, cung cấp số tài khoản, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng… gửi qua Zalo để “Công an kiểm tra, xác minh”.
Sau khi gửi hình CCCD, ông Đ nhận được 1 đường link, họ yêu cầu ông Đ. bấm vào đường link rồi làm theo hướng dẫn. Vì không rành công nghệ ông Đ. đã làm theo. Trong lúc làm theo hướng dẫn ông Đ. nghe thấy đầu dây bên kia nhiều người trao đổi về trường hợp của ông nên ông Đ càng tin mình bị lấy cắp thông tin CCCD để lập tài khoản dính dáng đến đường dây rửa tiền.
“Điều tra viên” hướng dẫn ông Đ cài internet banking rồi hướng dẫn ông các thao tác truy cập vào tài khoản này. “Điều tra viên” còn đe dọa ông Đ không được nói với gia đình hay bất kỳ ai về việc bị “Công an xác minh” bởi… vụ án đang trong quá trình điều tra. “Điều tra viên” yêu cầu ông Đ. đi thuê khách sạn ở một mình để làm việc qua điện thoại được thuận tiện.
Giấy tờ giả mạo được đối tượng gửi cho các bị hại khi thực hiện hành vi lừa đảo
Tiếp theo đó, “Điều tra viên” yêu cầu ông Đ chuyển tiền vào chính tài khoản mang tên ông mà “Điều tra viên” vừa hướng dẫn cài đặt để kiểm chứng. Họ nói nếu như ông không liên quan đến vụ án sẽ hoàn lại tiền. Thấy tiền của mình chuyển vào tài khoản “của mình” nên ông Đ. cũng có phần yên tâm nên chuyển tiền tiết kiệm và tiền trong tài khoản vào tài khoản “của mình” để “Cơ quan điều tra” kiểm tra.
Mặc dù đã chuyển tiền nhiều lần nhưng “Cơ quan điều tra” vẫn liên tục dọa là ông Đ. đã bán tài khoản cho một tổ chức rửa tiền với giá 500 triệu, các đối tượng yêu cầu ông Đ. chuyển tiếp 500 triệu vào để các đối tượng này kiểm tra, chứng minh trong sạch.
Lúc này ông Đ. mới nghi ngờ mình bị lừa đảo nên ngày 3/8, ông Đ. ra Công an quận 12 trình báo. Tuy nhiên lúc này ông Đ. đã tổng cộng chuyển cho các đối tượng lừa đảo hơn 1,8 tỷ đồng.
Điều đáng nói, chỉ trong thời gian ngắn nhưng đã có rất nhiều nạn nhân đến từ nhiều tỉnh thành sập bẫy với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Vạch trần các thủ đoạn lừa đảo
Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng và "nở rộ" gần đây là giả danh cán bộ Công an, Tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý.
Lợi dụng tâm lý sợ hãi của người dân, các đối tượng yêu cầu nạn nhân không được để lộ thông tin với bất kỳ ai, kể cả người nhà, rồi yêu cầu chuyển tiền để chúng quản lý trong quá trình điều tra, tránh việc tẩu tán. Các đối tượng cam kết rằng sau khi điều tra, nếu nạn nhân không có dấu hiệu tội phạm thì sẽ chuyển trả lại tiền.
Lo lắng và sợ bị bắt, các nạn nhân đã thực hiện theo những yêu cầu của các đối tượng lừa đảo. Và sau khi nhận được tiền thì các đối tượng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác và chiếm đoạt.
Ngoài ra, các đối tượng thường nhắm đến những người già, không thông thạo công nghệ để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo.
Công an thành phố Hà Nội và các địa phương một lần nữa khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Vì thế khi nhận các cuộc gọi lừa đảo như trên, người dân nên bình tĩnh, kiểm chứng thông qua các kênh truyền thông, báo chí, thông báo cuộc gọi với người nhà để cùng nhau xử lý và báo ngay với Công an để có hướng dẫn để ngăn chặn kịp thời, tránh chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo bằng hình thức công nghệ cao.
Ngoài nâng cao cảnh giác, người dân nên tự trang bị cho mình chút kiến thức về internet, cách giao dịch trên mạng... để tránh tiền mất tật mạng.
Trí thức trẻ