Tài khoản tiết kiệm hơn 11 tỷ đồng của người đàn ông bỗng đột ngột về 0 sau 1 năm: Cảnh sát phát hiện 6 ngân hàng liên quan, 7 người bị bắt giữ
Mất sạch tiền tiết kiệm tại ngân hàng, người đàn ông Trung Quốc tá hỏa khi biết mình là “con mồi” của một đường dây tội phạm.
- 26-11-2023Cảnh sát khám xét nhà của bà cụ nghèo 60 tuổi, phát hiện gác xép vương vãi tiền: Thành công triệt phá đường dây tội phạm xuyên biên giới
- 25-11-2023Giáo sư đại học bỏ gần 300 triệu mua nhà, sau 11 năm bỗng bị tòa án gửi giấy triệu tập, cay đắng chấp nhận bàn giao lại nhà cho chủ cũ
- 23-11-2023Đi xe xăng, người đàn ông bỗng bị tòa án gửi giấy triệu tập vì lái xe điện gây tai nạn: Kháng cáo thành công, 1 người bị bắt giữ
Vào tháng 3 năm 2014, một người đàn ông Trung Quốc hớt hải chạy đến trụ sở làm việc của sở cảnh sát huyện Thiên Thai, thành phố Thái Châu, tỉnh Chiết Giang, để trình báo một vụ việc nghiêm trọng. Anh ta cho biết tài khoản tiết kiệm 3,3 triệu NDT ( hơn 11,3 tỷ đồng) của mình khi gửi tiền ở ngân hàng đã biến mất sau 1 năm. Nhận được tin, công an lập tức đi theo người đàn ông này đến ngân hàng liên quan để điều tra sự việc.
Người phụ nữ bí ẩn
Theo Sohu, người đàn ông này tên là Phương Khôn, làm nghề kinh doanh bất động sản. Vào năm 2013, sau nhiều năm chăm chỉ làm việc và tích góp, anh Phương tiết kiệm được 3,3 triệu NDT và gửi tiết kiệm ở ngân hàng địa phương. Hết kỳ hạn một năm, anh đến ngân hàng rút tiền thì được nhân viên thông báo tài khoản tiết kiệm của mình không còn đồng nào.
Kết quả kiểm tra dữ liệu trên hệ thống của ngân hàng cho thấy, anh Phương quả thực đã từng gửi tiết kiệm 3,3 triệu NDT. Tuy nhiên, số tiền này cũng nhanh chóng được chuyển đi ngay trong ngày hôm đó. Để chứng minh, nhân viên giao dịch của ngân hàng đã tìm và cho anh Phương xem biên lai giao dịch lúc đó.
Theo thông tin trên tờ biên lai, anh Phương phát hiện 3,3 triệu NDT của mình đã được chuyển đến tài khoản của một người phụ nữ tên Khưu Lệ, bên dưới còn có chữ ký xác nhận giao dịch với tên của mình. Lúc này, anh Phương càng thêm hoang mang khi anh không hề quen biết người phụ nữ họ Khưu này. Chưa hết, chữ ký xác nhận kia cũng không phải của anh ấy.
Khi phía cảnh sát tiếp nhận điều tra vụ án này, họ vô cùng bất ngờ khi trước đó cũng có một vụ án tương tự xảy ra ở Hàng Châu. Cụ thể, dì Dương (60 tuổi) đến ngân hàng rút tiền thì phát hiện 13 triệu NDT (hơn 44 tỷ đồng) tích góp nửa đời người của mình đã không cánh mà bay.
Vì số tiền liên quan đến 2 vụ việc quá lớn nên cảnh sát lập tức thành lập đội đặc nhiệm để điều tra và phát hiện có tổng cộng 500 triệu NDT (hơn 1.715 tỷ đồng) gửi tại 6 ngân hàng ở tỉnh Chiết Giang và Giang Tô gặp cùng tình trạng trên. Đặc biệt, hầu hết số tài sản này đều chảy vào tài khoản của người phụ nữ họ Khưu bí ẩn.
Mọi manh mối của vụ án đều đổ dồn về phía Khưu Lệ khiến người ta đặt ra câu hỏi người phụ nữ này thực sự là ai ? Làm sao cô ta có thể chuyển số tiền lớn như vậy sang tên mình mà ngân hàng không hề hay biết?
Vén màn sự thật
Khi số tiền “bị biến mất” của các nạn nhân ngày càng nhiều, phía cảnh sát buộc phải đẩy nhanh quá trình điều tra. 6 ngân hàng liên quan sau đó cũng cùng lên tiếng xác nhận quy trình chuyển tiền trong các giao dịch này đều đúng quy định và hợp pháp. Bên cạnh đó, vì những khoản tiền này đã chuyển đến tài khoản Khưu Lệ nên phía ngân hàng không có cách nào để hoàn trả cho nạn nhân.
Để tìm ra chân tướng thực sự của vụ việc, cảnh sát đã bắt đầu với vụ việc mất 3,3 triệu NDT của anh Phương Khôn. Khi so sánh biên lai gửi và chuyển tiền của người đàn ông này, họ phát hiện ngoại trừ chữ ký không giống nhau, tất cả giấy tờ và quy trình đều đúng theo quy định của phía ngân hàng. Vì vậy, cảnh sát suy đoán trong ngân hàng có thể có “kẻ gian” nên đã yêu cầu kiểm tra video giám sát.
Cũng từ đây, họ tiếp tục phát hiện có rất nhiều vụ “mất tiền” đã xảy ra tại ngân hàng này. Đồng thời, các giao dịch chuyển tiền trên đều do nhân viên có tên là Chúc Dũng tiếp nhận xử lý.
Khi khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm, người này lợi dụng quyền hạn của mình để ăn cắp thông tin sổ tiết kiệm của khách hàng. Người gửi tiền không nắm rõ những nội dung cần thiết khi gửi tiền sẽ vô tình “bán” thông tin của mình cho họ mà chẳng hề hay biết. Cũng bằng cách này, ngay khi khách hàng vừa rời đi, nhân viên Chúc Dũng đã có thể dễ dàng chuyển số tiền của người gửi vào tài khoản của Khưu Lệ.
Tuy nhiên, để chuyển số tiền lớn như vậy một cách trót lọt, nhân viên này cần “người gửi” điền và ký vào biên lai chuyển tiền. Qua giám sát, cảnh sát một lần nữa phát hiện ra rằng khi Phương Khôn đến gửi tiền, anh ta đã bị một người phụ nữ ăn mặc kín mít đi theo. Sau khi anh ta rời khỏi ngân hàng, người này lập tức có mặt tại quầy giao dịch và điền nốt thông tin cần thiết để phi vụ chuyển tiền thành công.
Sau khi thu thập được các bằng chứng, cảnh sát lập tức triệu tập nhân viên Chúc Dũng và người phụ nữ bí ẩn Khưu Lệ. Qua thẩm tra, cảnh sát biết được rằng để thâu tóm được số tiền khổng lồ trên, 2 người này đã hợp tác thực hiện hành vi gian lận trong suốt thời gian dài. Trong đó, chủ mưu chính đứng sau tất cả mọi việc chính là Khưu Lệ.
Hóa ra, người phụ nữ này vốn là một doanh nhân và từng mở một công ty hóa chất. Tuy nhiên do quản lý yếu kém nên chuỗi vốn của công ty gặp vấn đề nghiêm trọng. Trong lúc tuyệt vọng, cô đã lên kế hoạch thực hiện âm mưu ăn cắp tiền gửi của một số khách hàng tại ngân hàng và chiếm đoạt chúng.
Theo đó, Khưu Lệ từng làm việc trong ngân hàng nên cô biết rõ quy trình gửi tiền tiết kiệm. Để âm mưu được thực hiện một cách suôn sẻ, người phụ nữ này đã hối lộ nhân viên trong ngân hàng với khoản tiền hoa hồng hậu hĩnh từ các vụ “ăn cắp trót lọt”. Bằng chiêu trò của mình, Khưu Lên đã mua chuộc được tổng cộng 6 nhân viên trong 6 ngân hàng mà cô nhắm đến.
Sau đó, người phụ nữ gian xảo này tìm một vài “người trung gian” đáng tin cậy và yêu cầu họ tìm những “con mồi” là khách hàng có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm tại quầy và hướng dẫn họ gửi vào các ngân hàng được chỉ định. Với mỗi phi vụ thành công, những người trung gian này sẽ được chia 10% lợi nhuận.
Để dụ dỗ được người gửi tiền, những người trung gian này đã đưa ra những lời mời chào hấp dẫn với những gói tiết kiệm có lãi suất cao từ 12%-15%. Trước những lời tư vấn như rót mật vào tai và khoản lợi nhuận hấp dẫn, nhiều khách hàng đã đồng ý gửi tiết kiệm bất chấp những điều kiện vô lý như không rút tiền khi chưa hết thời hạn, không kiểm tra tiền gửi và không kích hoạt dịch vụ SMS.
Cuối cùng những vụ mất tiền tiết kiệm tại ngân hàng cũng được làm sáng tỏ. Cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ Khưu Lệ và 6 “nội gián” ẩn nấp trong 6 ngân hàng liên quan để trừng phạt theo quy định của pháp luật nước này.
Có thể thấy một số vụ án liên quan đến việc mất tiền trong tài khoản hay sổ tiết kiệm đều có liên quan đến việc sơ suất, lơ là trong ký giấy tờ, giao dịch riêng. Việc này vô cùng nguy hiểm vì trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng không nộp tiền vào tài khoản hoặc sau ký xong giấy tờ giao dịch thì nhân viên ngân hàng vẫn có thể đánh tráo hồ sơ…
Do đó, để tránh rủi ro xảy ra, khách hàng khi gửi tiền tiết kiệm nên đọc kỹ những giấy tờ liên quan trước khi ký. Đồng thời, khách hàng gửi tiết kiệm nên thực hiện giao dịch tại quầy của các ngân hàng, nhất là với số tiền lớn. Bởi khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra sau này.
(Theo Sohu)
Nhịp sống thị trường