Tái khởi động kinh tế với tâm thế mới
Khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt hơn dù chưa biết khi nào mới chấm dứt hoàn toàn, tái khởi động nền kinh tế là điều cần thiết. Vì vậy, từ sáng ngày 23/4, các hoạt động kinh tế-xã hội đã từng bước phục hồi trên cả nước, trên cơ sở bảo đảm những yêu cầu về phòng chống dịch.
- 24-04-2020Gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19
- 24-04-2020Truyền thông Hoa Kỳ: Tại sao thành công của Việt Nam trong việc chống Covid-19 khó có thể lặp lại ở các quốc gia khác?
- 24-04-2020Đứng dậy sau đại dịch: Cơn bão mang tên COVID-19
Dịch bệnh chưa phải kết thúc và những hệ lụy của đại dịch COVID-19 là to lớn, toàn diện; đặc biệt, làm giảm cả tổng cung và tổng cầu cả ở cấp vĩ mô và vi mô, quốc gia và quốc tế… Vì vậy, các nhiệm vụ và giải pháp kinh tế cần có cho cả nước và mỗi địa phương, lĩnh vực trong thời gian tới cần được thực hiện đồng bộ và đáp ứng cả 2 mục tiêu: Tiếp tục kiểm soát an toàn dịch bệnh; đồng thời, điều tiết để "lò xo kinh tế" bị nén trong thời gian qua bung ra đúng lúc, đúng hướng và hiệu quả cao.
Theo đó, cần ưu tiên nhận diện và kịp thời có những thay đổi cả trong tư duy, cũng như phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, theo tâm thế mới "sống chung với dịch bệnh", thực hiện "kinh doanh an toàn". Trước mắt, đề cao sự linh hoạt thích ứng với thị trường và bối cảnh mới, với yêu cầu tăng cường tiêu chuẩn bảo đảm vệ sinh và phòng dịch; mở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết yếu.
Các địa phương và các doanh nghiệp cần tập trung vào phát triển nông nghiệp, tái đàn; chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thực hiện tốt và giảm thiểu các tranh chấp xảy ra đối với các hợp đồng kinh tế đã ký kết; cải thiện các liên kết, sắp xếp lại và khắc phục các đứt gãy chuỗi cung ứng kinh tế vĩ mô và vi mô, làm tăng đồng thời cả tổng cung và tổng cầu xã hội, hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước và đẩy mạnh sản xuất thay thế nhập khẩu, với phương châm vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và "Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam"...
Đồng thời, tăng cường nắm bắt và khai thác, ứng dụng các xu hướng và thành tựu công nghệ 4.0, gia tăng các hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống; đẩy mạnh xử lý trực tuyến dịch vụ công; phát triển các ứng dụng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và làm việc từ xa… giúp giảm thiểu sự gián đoạn khi buộc phải thực hiện cách ly và giãn cách xã hội.
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục gương mẫu, đi đầu và cùng với cả nước đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và kiểm soát tình trạng độc quyền, lợi ích nhóm và thổi bùng khát vọng quốc gia, quyết liệt phòng chống tiêu cực, tham nhũng; tăng cường trách nhiệm, kỷ cương công vụ, trọng dụng nhân tài, cán bộ dám nghĩ dám làm và khai thác tốt các cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do mới; tăng cường xúc tiến thương mại; nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường, thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối, ngân hàng với doanh nghiệp, đồng hành cùng cả nước tiếp tục chiến thắng cả virus Corona và "virus trì trệ".
Chinhphu.vn