MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài sản Nga lại bị phương Tây nhắm đến: Số tiền lãi khổng lồ từ hơn 300 tỷ USD sẽ đổ vào Ukraine?

27-04-2024 - 13:48 PM | Tài chính quốc tế

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ và phương Tây nhắm đến số tiền khổng lồ này.

Phương Tây muốn đóng băng tài sản Nga "ở mức tối đa"

Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua gói viện trợ dành cho Ukraine và một số đồng minh khác, cùng các điểm nóng toàn cầu. Động thái này đã mở đường cho chính quyền Mỹ tiến tới tịch thu tài sản Nga ở Mỹ và sử dụng chúng để phục vụ lợi ích cho Kiev.

Trước đó, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về kinh tế quốc tế Daleep Sing cho biết, Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các thành viên G7 khác để tìm cách đảm bảo rằng tài sản của Nga sẽ bị đóng băng ở mức tối đa.

Các tài sản được sử dụng vì lợi ích của Ukraine bao gồm cả khả năng chuyển nhượng ngay bây giờ và tạo ra lãi suất khổng lồ trong vòng 10 đến 30 năm tới.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine và Financial Times (FT), ông Singh đã đưa ra tuyên bố trên trong bài phát biểu hôm 10/4 tại Trường Kinh tế Kiev.

Trong bài phát biểu của mình, ông Singh liệt kê chi tiết viện trợ của Mỹ và phương Tây cho Ukraine: Trước thời điểm ông Biden ký thông qua gói viện trợ mới, Mỹ đã viện trợ gần 23 tỷ USD, Liên minh châu Âu đã phân bổ 50 tỷ euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế phân bổ 5,4 tỷ USD.

Tài sản Nga lại bị phương Tây nhắm đến: Số tiền lãi khổng lồ từ hơn 300 tỷ USD sẽ đổ vào Ukraine?- Ảnh 1.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Daleep Singh phát biểu tại Ukraine ngày 10/4. Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Ukraine

Ông Singh đưa ra một số đề xuất với Ukraine về cách thu hút đầu tư và đạt được khả năng tự chủ về kinh tế:

Thứ nhất, tận dụng tối đa giá trị tài sản bị phong tỏa của Nga để mang lại lợi ích cho Ukraine.

Thứ hai, Ukraine nên hợp tác với các chủ nợ công và tư nhân để đạt được thỏa thuận đã đạt được về cơ cấu lại nợ.

Thứ ba, Ukraine cần tiếp tục thúc đẩy cải cách.

Ông Singh cho biết: “Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác G7 để khám phá cách tối đa hóa lợi ích từ các khoản thu này cho Ukraine”. Ông cũng nêu rõ, các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý rằng “tài sản của Nga” trong “phạm vi quản lý của Mỹ và châu Âu” sẽ tiếp tục bị đóng băng cho đến khi Nga nhượng bộ.

Ông Singh cho biết, châu Âu bày tỏ sẵn sàng chuyển lãi suất dự trữ đối với tài sản của Nga sang Ukraine hai năm một lần và hiện Mỹ đang đề xuất phát hành trái phiếu để tài trợ cho Kiev bằng cách sử dụng tài sản của Nga làm thế chấp.

“Về mặt lý thuyết, ngoài việc chuyển lãi hàng năm, phương thức này còn cho phép chuyển lãi (đối với tài sản của Nga) trong 10 hoặc 30 năm tới. Tổng giá trị hiện tại của những khoản lãi này là rất lớn”, ông nói.

Ông cho biết Mỹ đã đặt mục tiêu đưa ra quyết định về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6 năm nay.

Lợi nhuận từ tài sản phong tỏa của Nga: 3,85 tỷ euro

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và châu Âu đã đóng băng khoảng một nửa trong số 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga, tương đương với hơn 300 tỷ USD.

Trong đó, FT cho biết, tài sản của Nga bị phương Tây phong tỏa có tổng trị giá khoảng 260 tỷ euro (khoảng 277 tỷ USD).

Tài sản Nga lại bị phương Tây nhắm đến: Số tiền lãi khổng lồ từ hơn 300 tỷ USD sẽ đổ vào Ukraine?- Ảnh 2.

EU thừa nhận rằng số tài sản và dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga trị giá hơn 200 tỷ euro đã bị EU phong tỏa. Ảnh: EU

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ và phương Tây nhắm đến số tiền khổng lồ này. Vào tháng 12/2023, các kế hoạch viện trợ mới nhất của Mỹ và châu Âu cho Ukraine đang bị tạm dừng và một số quan chức bắt đầu yêu cầu tịch thu tài sản của Nga, FT cho hay.

Theo FT, một tài liệu nội bộ của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy chính phủ Mỹ coi việc tịch thu tài sản của Nga là “một biện pháp đối phó phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối của một số nước châu Âu nên các biện pháp trên đã không thể thực hiện được.

FT dẫn số liệu cho biết kể từ xung đột Nga-Ukraine, tài sản bị phong tỏa của Nga đã tạo ra lợi nhuận khoảng 3,85 tỷ euro.

Một quan chức châu Âu ước tính rằng tài sản này sẽ tạo ra lợi nhuận từ 30 tỷ đến 40 tỷ euro trong 10 năm tới và trong khoảng thời gian 15 đến 20 năm tới, sẽ mang lại lợi nhuận từ 50 đến 60 tỷ euro.

Tuy nhiên, báo cáo nói thêm rằng hiện tại, các nước phương Tây vẫn còn chia rẽ về cách sử dụng những tài sản này.

Phước Hải

Theo Phước Hải

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên