MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài sản ngân hàng phình to

22-03-2018 - 18:21 PM | Tài chính - ngân hàng

Hố ngăn cách quy mô tài sản giữa các khu vực thị trường tài chính: ngân hàng, thị trường vốn, bảo hiểm ngày càng sâu thêm...

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối 2017, tổng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng đạt trên 10 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đến tháng 11/2017 cũng đạt kỷ lục trên 6,3 triệu tỷ đồng.

Thống kê đến 31/12/2017, tổng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 17,62% so với cuối 2016. Trong khi, dư nợ tín dụng đạt 6.370.509 tỷ đồng (tính đến tháng 11/2017), tăng 15,71% so với cuối năm 2016.

Trăm dâu đổ một đầu tằm

Trong đó, nhóm Ngân hàng Thương mại nhà nước chi phối (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và 3 ngân hàng không đồng (tỷ trọng thấp) có tổng tài sản đạt 4,57 triệu tỷ đồng, tăng trưởng tới 18,34% và chiếm non nửa của cả hệ thống.

Ở góc độ so sánh về quy mô tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng với các khu vực tài chính khác như thị trường vốn, bảo hiểm, báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố cuối năm ngoái cho thấy có những lệch pha lớn.

Cụ thể, về mặt tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế (xem biểu đồ), năm 2017, trong khi khu vực hệ thống tổ chức tín dụng chiếm 64,6% thì khu vực thị trường vốn chỉ chiếm 35,4%. Con số này ước tính trong 2018 lần lượt là 63,6% và 36,4%.

Nhìn tổng quan, "miếng bánh" trên đang nhỏ dần về phía khu vực tổ chức tín dụng và khu vực thị trường vốn có to thêm nhưng có vẻ như sự chuyển dịch này mới chỉ là tín hiệu và nó chưa thể làm thay đổi bản chất lệch pha tồn tại cả chục năm nay.

Báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết,  cuối năm 2017, cung ứng vốn cho nền kinh tế từ hệ thống tài chính ước khoảng 198% GDP, tăng 28,6% so với cuối năm 2016.

Trong đó, vốn từ hệ thống tổ chức tài chính tăng 18,1%, vốn từ thị trường vốn tăng 66,4% so với cuối năm 2016.

Những vấn đề đang bỏ ngỏ

Trở lại với vấn đề thống kê của Ngân hàng Nhà nước. Thứ nhất, trong khi, tổng tài sản của cả hệ thống đạt trên 10 triệu tỷ đồng và một yêu cầu bắt buộc đi kèm là phải tăng vốn, thì đây lại là vấn đề đau đầu của cả hệ thống, nhất là khu vực nhà nước.

Nếu như khối cổ phần, từ đầu năm đến nay, SHB, Techcombank VPBank... nở rộ thông tin tăng vốn do đạt được sự thoả hiệp nhanh từ các cổ đông thì ở khối nhà nước, sự việc lại rất căng thẳng.

Cả 4 ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đều kêu ca ở tất cả các hội nghị toàn ngành từ vài năm trở lại đây.

Lý do là để đạt được mức vốn pháp định theo yêu cầu Basel II và chuẩn hệ số CAR theo quy định Ngân hàng Nhà nước thì cổ đông nhà nước phải chi ngân sách.

Tuy nhiên, đây là điều rất khó khi mà thâm dụng bội chi ngân sách vẫn chưa giải quyết được.

Thậm chí, các ngân hàng này còn phản ánh khá căng ở các hội nghị rằng, nếu không tăng được vốn, sẽ không mở rộng được tín dụng theo chỉ tiêu và sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, tuy nhiên, câu chuyện chỉ dừng ở đấy.

Một số ngân hàng đã có những cách đi mới sau khi đề xuất để lại cổ tức phần vốn Nhà nước để tăng vốn không thành, đó là: phát hành thêm (kể cả trái phiếu) và giá trị thặng dư khi bán thêm vốn nhưng các nhà đầu tư khi nhìn vào thực tế giữa các chỉ số tổng tài sản/vốn đã không mặn mà.

Vấn đề thứ hai, trong khi câu chuyện tăng vốn để bảo đảm rằng khu vực hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục khẳng định chân trụ cho nền kinh tế chưa được giải quyết thì ở phía đối diện, các công cụ nợ (trái phiếu) của các doanh nghiệp lại phát triển èo uột.

Thống kê của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, năm 2017, Kho bạc Nhà nước phát hành được 162 nghìn tỷ thì khu vực trái phiếu doanh nghiệp chỉ phát hành được vỏn vẹn 100 nghìn tỷ đồng. Điều đáng nói, lẽ ra, Chính phủ có thể phát hành hơn thế (162 nghìn tỷ đồng) nhưng vì tiêu thụ chậm nên tránh lỗ do phải trả lãi nên dừng lại ở con số trên.

Theo phân tích của các chuyên gia, khi tập trung một khối lượng lớn đầu tư vào một khu vực thì rủi ro sẽ rất lớn do không được phân tán.

Điều này là dễ thấy, khi mà con số nợ xấu được xác định tại thời điểm 2012 lên tới xấp xỉ 500 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 17%/tổng dư nợ và phải mất tới 5 năm sau, tỷ lệ này mới rút xuống 9,5% (vào cuối 2017).

Cách đây khoảng 4 năm, giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã có những đột phá về phối hợp giữa tài chính tiền tệ và từ đó đến nay, vấn đề này vẫn theo chiều hướng tốt, nhưng chỉ là dừng ở chỗ "bên này đưa ra, bên kia hút vào" và ngược lại, để giữ lạm phát, hỗ trợ đầu tư khu vực công.

Đáng chú ý, những nét vẽ trong bức tranh thị trường tài chính về vấn đề cấu trúc lại giữa các khu vực ngân hàng, thị trường vốn, bảo hiểm thì vẫn chưa có hình hài sắc nét.

Vì vậy, áp lực vẫn tiếp tục dồn nặng lên hệ thống ngân hàng cả về cung ứng vốn cũng như xử lý nợ xấu.

Theo Nguyễn Hoài

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên