MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài sản thừa kế có bị đem ra xử lý cho khoản vay của người đã mất?

18-08-2022 - 09:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Tài sản thừa kế có bị đem ra xử lý cho khoản vay của người đã mất?

Bên cạnh các tài sản để lại, đôi khi người đã khuất vẫn còn các khoản vay chưa thanh toán. Liệu người được nhận tài sản thừa kế có phải giải quyết các nghĩa vụ nợ này?

Anh Trần Anh Tú, ngụ tại Hà Nội chia sẻ, "Bố tôi có di chúc để lại cho tôi một mảnh đất trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Trước đó, ông có khoản nợ 600 triệu tại ngân hàng. Nay bố tôi qua đời, mảnh đất có bị đem ra xử lý cho khoản nợ này không?"

Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Công ty Luật Phúc Khánh Hưng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội trả lời:  Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 về "Thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại" có quy định:

"1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;….

3. Trường hợp di sản đã được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại".

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, trước khi nhận được di sản của người bố để lại là mảnh đất có giá trị 1 tỷ đồng thì cũng đồng thời phát sinh nghĩa vụ kế thừa khoản vay 600 triệu tại ngân hàng. Do đó, cần phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng trước khi nhận được di sản thừa kế của bố. Sau khi trừ đi nghĩa vụ trả nợ cho bố, anh Trần Anh Tú vẫn còn di sản khoảng 400.000.000 đồng.

Một trường hợp khác là anh Lê Hoàng Khương ngụ tại TP.HCM cũng có thắc mắc tương tự. "Trước khi mất, mẹ tôi có di chúc để lại một bất động sản trị giá 5 tỷ đồng cho 3 anh em. Trong đó, tôi được 1,5 phần thừa kế, em trai út được 2 phần và anh trai tôi được phần còn lại. Tuy nhiên, ngôi nhà này lại đang được thế chấp cho khoản vay 3 tỷ đồng tại ngân hàng. Nếu chúng tôi tiếp tục trả khoản nợ này thì nghĩa vụ trả nợ sẽ được phân chia thế nào, hoặc trong trường hợp phải bán để thanh lý khoản nợ, tài sản sẽ được xử lý ra sao và phần thừa kế của chúng tôi sẽ như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Hưng trả lời: Theo quy định tại khoản 3 điều 615 Bộ luật dân sự 2015, "Trường hợp di sản đã được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại".

Vì thế, nếu mẹ anh Khương đã có di chúc về việc để lại bất động sản giá trị 5 tỷ đồng cho 3 anh em. Trong đó, anh được 1,5 phần thừa kế, em trai út được 2 phần và anh trai được phần còn lại. Nghĩa vụ trả nợ khoản vay 3 tỷ đồng tại ngân hàng cũng tương ứng với phần tài sản mà mỗi người được hưởng.

Trường hợp nếu 3 anh em nhất trí bán tài sản này để trả nợ cho ngân hàng thì cần phải tìm người mua và thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế để sau đó có thể chuyển nhượng tài sản đó cho người mua. Sau khi trả nợ ngân hàng, số tiền còn lại sẽ được chia cho 3 anh em theo tỷ lệ mà mẹ anh đã để lại theo di chúc.

Tài sản thừa kế có bị đem ra xử lý cho khoản vay của người đã mất? - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Công ty Luật Phúc Khánh Hưng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

Hòa An

Nhịp Sống Kinh Tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên