Tại sao cùng bỏ một lượng công sức như nhau, người thì lắm tiền nhiều của, kẻ lại móc túi mãi không ra một đồng?
Bất kể bạn làm gì trong thời gian rảnh rỗi đều góp phần quyết định bạn sẽ trở thành người thế nào, và xa hơn, quyết định xem bạn đứng ở đâu trong xã hội.
01
Chúng ta đang sống trong một xã hội than thở. Bất kể đi đâu, làm gì, chỉ cần lỡ mở miệng hỏi thăm về cuộc sống của một người, chúng ta sẽ được nghe những bản trường ca bất tận về việc cuộc sống của họ đen đủi, kém may mắn ra sao.
Tôi xin phép được lấy ví dụ về một người bạn của tôi – Ngọc Lân, để minh hoạ cho điều này.
Ngọc Lân, cũng như nhiều người khác, xuất hiện ở công ty, và đứng chôn chân một chỗ, nhìn những người đồng nghiệp, thậm chí cả những lính mới đi lên từng ngày. Công việc của anh, giải thích ra sẽ làm người nghe cảm thấy chóng mặt, và khi nghe mức lương thấp lè tè của anh, có thể họ sẽ phải ngã ngửa.
Ngọc Lân than vãn: "Cầm trên tay tấm bằng xuất sắc, mà tôi lại để thua những người có thành tích bết bát khi ở trên ghế nhà trường kia. Tại sao may mắn lại gọi tên những người đó mà không phải tôi chứ?". Không chỉ Lân, chắc hẳn nhiều người đang đọc bài viết này, cũng từng rất băn khoăn không hiểu tại sao có những người học rất giỏi, nhưng khi ra đời lại chịu nhiều thua thiệt, nhận những đồng lương kém hơn rất nhiều so với những người học kém hơn.
Một lần, Ngọc Lân tình cờ chạm mặt thầy giáo cấp 2 trên đường đi làm. Thấy Ngọc Lân, thầy hỏi: "Sao, bây giờ em thế nào rồi? Những ước mơ mà em đã từng dõng dạc chia sẻ với cả lớp, bây giờ đã thực hiện được mấy phần?"
Ngọc Lân đầu nhảy rất nhanh, nghĩ đến một loạt lý do để trả lời. "Ôi dồi, ngày xưa trẻ người non dại biết gì đâu thầy", "Thầy ơi, ước mơ ấy ở rất gần em rồi, khi nào có thời gian em lấy dễ như bỡn",…Những ước mơ ngày nào, giờ đã được phủ đầy bụi ra đấy, nếu như có lương tri, chắc hẳn lúc ấy đã nhìn Lân và nở một nụ cười rất nhạt.
Người ta khi không đạt được điều mình muốn, thường ngửa mặt lên trời mà than, cúi đầu xuống mà thút thít, không hiểu vì cớ gì mình lại yếu kém như vậy. Lí do thật đơn giản, nhưng cũng khó tiếp nhận, đó là do người ấy đã không chịu động tay động chân động não để làm gì cả.
02
Có một kiến trúc sư đã già. Khi gần đến độ tuổi nghỉ hưu, ông gặp phải một chuyện không may: Bị chính công ty mình đã tận tâm cống hiến suốt hơn 20 năm trời sa thải. Bằng một tờ giấy, người sếp của ông kí roẹt một cái, chính thức đưa ông từ vị thế lão làng đầy kinh nghiệm trở thành một người thất nghiệp. Việc bị sa thải bất ngờ đã chạm vào lòng tự ái của ông, và từ một người sắp nghỉ hưu, ông lăn lộn tìm những đơn vị tuyển dụng, cạnh tranh với nhóm lực lượng lao động trẻ tuổi, cá tính, năng động và đầy tài năng.
Ông là trụ cột gia đình đúng nghĩa. Người con đang trong độ tuổi ăn học chưa làm ra tiền, còn vợ ông ở nhà làm nội trợ, không có thu nhập. Tình cảnh này khiến ông phải cố gắng hơn nhiều lần so với người bình thường. Sau một thời gian vật lộn, thần tài đã mỉm cười, ông đã thành lập được một công ty, và nhân viên chính là những người đồng nghiệp năm nào.
Mặc dù ông không còn trẻ, nhưng ông vẫn gây dựng được một cơ nghiệp lớn, tất cả là vì ông đã biết cách tận dụng khoảng thời gian của mình. Trong thời gian đi làm, ông nâng cao kĩ năng, tích luỹ được nhiều mối quan hệ tốt. Trong thời gian thất nghiệp, ông tích luỹ được bản lĩnh, nghị lực phi thường, dám nghĩ dám làm, không chịu bỏ cuộc. Cuối cùng, ông đã gây dựng được cơ nghiệp của mình, tạo ra nguồn tài sản dồi dào, bền vững cho gia đình mình.
Một ngày có 24 tiếng, và tôi dám khẳng định, không ai dành cả 24 tiếng để suy nghĩ về những công việc cần mình hoàn thành. Những người biết tận dụng thời gian sau khoảng thời gian làm việc căng thẳng sẽ là những người thành công nhất. Khoảng cách giữa bạn với những người đồng nghiệp của mình sẽ được nới rộng ra nhờ vào khoảng thời gian rảnh rỗi này.
Nếu toàn bộ thời gian rảnh rỗi của bạn được dùng để đổi lấy những bữa ăn đắt đỏ, những cuộc chơi bời trác táng, những cuộc săn sale thâu đêm suốt sáng, bạn sẽ từng ngày mài dũa những kĩ năng cần thiết cho hoạt động của mình.
Đổi lấy những bữa ăn đắt đỏ, bạn sẽ có những kiến thức về ẩm thực không phải ai cũng có.
Đổi lấy những cuộc chơi bời trác táng, bạn sẽ có những kĩ năng giao thiệp, đối nhân xử thế mà không nhiều người có được.
Đổi lấy những cuộc săn sale thâu đêm suốt sáng, bạn sẽ rèn cho mình đức tính kiên nhẫn, biết nắm bắt thời cơ mỗi khi cơ hội xuất hiện.
Bất kể bạn làm gì trong thời gian rảnh rỗi đều góp phần quyết định bạn sẽ trở thành người thế nào, và xa hơn, quyết định xem bạn đứng ở đâu trong xã hội.
03
Thời học sinh sinh viên, chúng ta rất dễ tìm thấy những người cần cù chăm chỉ. Trong số đó, rất dễ để nhặt ra những người sẵn sàng bỏ thời gian, công sức, thậm chí cả tiền bạc của mình để rèn giũa, phát triển bản thân, tuy nhiên kết quả thu về lại không bao giờ như mong muốn của họ. Họ có thể bỏ gần nửa triệu bạc để mua một quyển sách học ngoại ngữ, đốt hàng chục triệu cho các khoá học tiếng Anh, nhưng khổ nỗi, dường như việc phát triển bản thân, cho dù họ cố gắng thế nào, cũng không xảy đến với họ.
Xã hội này ai cũng bận rộn triền miên, nhưng kết quả thu về được của mỗi người lại rất khác nhau. Có người bận rộn một cách hiệu quả, gặt hái được nhiều thành công. Nhưng cũng có những người, dù tốn bao nhiêu thời gian cày cuốc, cuộc sống cũng không vì thế mà khá lên được. Những người này, cuộc sống của họ thật ra rất dễ lí giải. Đúng là họ bận, nhưng họ bận một cách mù quáng. Hay nói cách khác, họ cứ đâm đầu cố gắng mà không vạch ra một mục tiêu rõ ràng nào cho bản thân cả.
Muốn bận rộn hiệu quả, nhất định bạn phải có một cái "cớ" để bận rộn. Bạn phải biết mình bận vì cái gì, và tại sao mình cần phải bận rộn vì điều đó. Xác định được mục tiêu để bận rộn, bạn đã vạch cho mình một đường thẳng tắp đến thành công, thay vì đi vòng vèo, vô định trước những ngã rẽ của cuộc đời.
Trên đời này, ai cũng là người bận rộn. Tuy nhiên, một nhóm bận rộn làm việc để thay đổi, còn một nhóm làm lụng vất vả, chỉ để ngẩng mặt lên thấy người khác đã bỏ xa mình.
Câu hỏi cuối cùng là: Bạn muốn một mai thức dậy, mình sẽ trở thành người như thế nào?
Trí thức trẻ