Tại sao Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh tụt 3 bậc của Việt Nam trên bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu?
"Tôi không ngạc nhiên về sự giảm bậc theo đánh giá của WEF", TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ trước thông tin Viện Nam từ vị trí 74 rơi xuống 77 trên bảng đánh giá quốc tế về cạnh tranh.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu (Global Competitiveness Report) thường niên 2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố cho biết Việt Nam xếp thứ 77/140.
So với vị trí 74/135 của năm ngoái, Việt Nam đã bị tụt 3 bậc. Điểm số năm nay Việt Nam đạt được là 58,1 điểm, tăng nhẹ so với mức 57,9 điểm vào năm 2017.
Trong 12 trụ cột đánh giá, Việt Nam đạt điểm cao nhất ở trụ cột "sức khoẻ" với điểm số ghi nhận là 81. Cột điểm thấp nhất thuộc về "năng lực sáng tạo", chỉ đạt 33 điểm.
"Tôi không ngạc nhiên về sự giảm bậc theo đánh giá của WEF", TS. Nguyễn Đình Cung bình luận. Theo ông, phương pháp đánh giá của WEF kể từ năm 2018 đã có thay đổi, không dựa vào trọng số và các yếu tố đều được xem xét đồng bộ như nhau.
Đánh giá có trọng số, theo ông Cung là việc WEF từ năm 2017 kể về trước xem xét các yếu tố căn bản của 1 quốc gia chiếm khoảng 60% điểm số, 20 – 30% còn lại là yếu tố thúc đẩy đến hiệu quả và khoảng 10% điểm số cho nhóm công nghệ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các khía cạnh đều được xem xét như nhau và theo hướng đề cao công nghệ.
"WEF cho rằng nền kinh tế sắp tới sẽ tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo nên đặc biệt nhấn mạnh", ông Cung nói.
Và đây là điểm yếu của Việt Nam. Viện trưởng CIEM nhận xét yếu tố đổi mới sáng tạo của quốc gia hơn 90 triệu dân này rất thấp. Trong 1 năm trở lại đây, theo ông quan sát, không có một sự thay đổi nào đáng kể.
Như vậy, đây có thể xem là một tín hiệu lo ngại rõ ràng cho việc Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
"Không có cách gì khác để cải thiện sức sáng tạo ngoài tạo dựng sự cạnh tranh", ông Cung nói và nhấn mạnh chỉ khi buộc phải tồn tại, doanh nghiệp mới đổi mới. Hiện nay, khi doanh nghiệp vẫn "sống" được bằng quan hệ, bằng cơ chế xin cho, hẳn nhiên, tính sáng tạo bị triệt tiêu.
Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô của CIEM hôm nay (17/10) cũng điểm lại một số đánh giá về thực trạng công nghệ đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Theo đó, thứ hạng về công nghệ và đổi mới sáng tạo tuy có cải thiện nhưng vẫn ở vị trí thấp. Theo Báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của WEF, Việt Nam xếp hạng 55 trên 137 quốc gia.
Tuy nhiên, nhóm yếu tố được coi là điểm yếu lâu dài của Việt Nam, với điểm số, thứ hạng thấp và không cải thiện nhiều trong những năm qua bao gồm năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp - xếp hạng 79, chất lượng nghiên cứu khoa học - xếp hạng 90, mức độ sẵn có của chuyên gia và kỹ sư - xếp hạng 78…
Mặt khác, báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai công bố bởi WEF gần đây cho thấy trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai, đặc biệt là các yếu tố về phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo công nghệ đều có điểm số thấp.
So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau Malaysia (xếp hạng thứ 23/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo và 21/100 về nguồn nhân lực), Thái Lan (41/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo, 53/100 về nguồn nhân lực) hay Philippines (59/100 công nghệ và đổi mới sáng tạo và 66/100 về nguồn nhân lực). Việt Nam chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia (xếp hạng tương ứng 83/100 và 86/100).
Tốc độ đổi mới công nghệ cũng là một điểm yếu của Việt Nam. Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 cho thấy trụ cột về Mức độ sẵn sàng công nghệ của Việt Nam xếp hạng 71/137, thấp hơn nhiều so với Singapore (14/137), Thái Lan (60/137).
Trong đó, chỉ số thành phần về mức độ sẵn có của công nghệ mới được xếp hạng 112, khả năng hấp thụ công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp xếp hạng 93, chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI xếp hạng 89.
Bên cạnh đó, báo cáo CIEM cũng đánh giá tình trạng nhập khẩu các thiết bị, công nghệ lạc hậu, không đồng bộ, kém hiệu quả vẫn tồn tại. Theo kết quả điều tra "Công nghệ và cạnh tranh ngành chế biến, chế tạo giai đoạn 2009 - 2012"47, chỉ có khoảng 11% doanh nghiệp phát triển những loại hình công nghệ mới.
Điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 cũng cho thấy sự rất hạn chế của doanh nghiệp khi chỉ 6,23% tham gia vào hoạt động nghiên cứu và cứu và triển khai (R&D).
Thực tế này cho thấy Việt Nam cần tạo dựng môi trường thuận lợi, thể chế, chính sách mới cho cộng đồng DN để thúc đẩy quá trình nâng cao công nghệ và sáng tạo, qua đó thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.