MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao đường từ chiến tranh thương mại đến chiến tranh tiền tệ có thể còn xa?

Việc giảm giá đồng NDT chỉ là một trong những công cụ để thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc, theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Hôm 5/8, đồng NDT đã giảm xuống mức giá trị thấp nhất trong 11 năm qua khi phá ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD. Trong ngày hôm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục điều chỉnh tỷ giá tham chiếu về 6,9683 NDT đổi 1 USD.

Động thái này được PBOC giải thích là phản ánh sự lo ngại của thị trường về các biện pháp bảo hộ và thuế nhập khẩu nhằm vào Trung Quốc. PBOC cũng không phải là lần đầu tiên khiến cho mối lo chiến tranh thương mại chuyển tiếp thành chiến tranh tiền tệ.

Dù vậy, với việc leo thang trong căng thẳng Mỹ - Trung, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đang gửi đi thông điệp sẵn sàng dùng tiền tệ làm vũ khí.

Ông  Evan Pritchard, nhà kinh tế học cấp cao của Capital Economics cho rằng việc Trung Quốc ngừng duy trì mốc quy đổi quan trọng giữa NDT với USD hàm nghĩa nước này đã từ bỏ hi vọng đạt thoả thuận thương mại với Mỹ.

Dù  vậy, theo ông Cấn Văn Lực chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vẫn chưa đến lúc thế giới chứng kiến một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Với việc đồng NDT mất giá mạnh, ông Lực cho rằng sẽ thúc đẩy một phần xuất khẩu Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang căng thẳng.

Đồng tiền này mất giá cũng có thể gây ra những tác động tâm lý, khiến cho một số ngân hàng trung ương các nước phải xem xét để hành động. Ví dụ như để đồng tiền nội tệ của họ mất giá đi phần nào, nhằm duy trì sức cạnh tranh.

NDT chỉ là một trong những công cụ thúc đẩy xuất khẩu – ông Lực cho biết nhằm làm rõ ý tại sao ông cho rằng cuộc chiến thương mại không bị đẩy thành chiến tranh tiền tệ.

Mặt khác, ông cho rằng các nước cũng không muốn bị kết tội chuyện thao túng tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu, vì rất rủi ro đối với nước đó cũng như quan hệ kinh tế giữa nước đó với Mỹ.

Vị chuyên gia này nhận định có thể đây là yếu tố tâm lý chi phối rất nhiều đến các nhà đầu tư, nên sau một thời gian nhất định, mức độ mất giá của đồng tiền này sẽ dừng lại.

Mặt khác, nếu NDT tiếp tục giảm giá, căng thẳng thương mại giữa hai siêu cường sẽ tiếp tục leo thang, dẫn đến hiện tượng dòng vốn đầu tư của nước này sẽ càng lúc càng thoát ra ngoài nhiều hơn, trong bối cảnh nước này đối diện với suy giảm kinh tế.

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định Trung Quốc không thể sử dụng chính sách tỷ giá hối đoái cố định khi mà NDT đã nằm trong rổ tiền thế giới.

Mặt khác, Mỹ là một trong những thị trường ngoại hối lớn, nếu Trung Quốc để đồng tiền nước này phá giá, Mỹ cũng có thể để cho đồng USD trong trạng thái tương tự và có vẻ như Trung Quốc không muốn khơi mào cho điều này.

Đồng NDT theo ông Phước chỉ là một yếu tố trong tổng thể cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Là một nước có quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam cũng không tránh được những lo ngại nhất định khi đồng tiền nước này mất giá. Ông Lực, Việt Nam cần bình tĩnh và không nên rơi vào vòng xoáy tiền tệ này.

Theo ông, chính sách tỷ giá của Việt Nam không có tác động nhiều đến xuất khẩu hay thương mại do cấu trúc nền kinh tế. Mặt khác, ông cho rằng mỗi khi thay đổi chính sách tỷ giá thì phải tính toán tổng hoà, phải tính tác động nhiều mặt của nền kinh tế chứ không riêng gì hoạt động thương mại.

Việt Nam cũng đã bị Mỹ liệt kê vào danh sách của những nước bị theo dõi, giám sát về thao túng tiền tệ, do vậy, ông Lực cho rằng cần phải kiên định chính sách về tỷ giá hối đoái như thời gian vừa qua.

"Ổn định nền kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá luôn luôn là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam", ông nói thêm.

Vũ Hoà (Tổng hợp)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên