Tại sao giao dịch BĐS nghỉ dưỡng giảm mạnh trong thời gian qua?
Nếu như năm 2015-2017, phân khúc BĐS ghi nhận tốc độ giao dịch tăng đột biến thì từ năm 2018 không có nhiều giao dịch mua bán được thực hiện.
Theo ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels Châu Á-Thái Bình Dương nguyên nhân khiến phân khúc BĐS nghỉ dưỡng ghi nhận tốc độ giao dịch giảm trong thời gian qua là do nguồn cung khan hiếm và các chủ sở hữu đang nắm giữ tài sản ít có nhu cầu thoái vốn.
Đánh giá về thị trường BĐS năm 2019, đại diện Savills cũng cho biết trong năm nay thị trường sẽ xuất hiện nhiều dự án Condotel với số lượng phòng lớn đi vào hoạt động. Đặc biệt là những dự án mới có thương hiệu quốc tế đi vào hoạt động như Movenpick Cam Ranh hay Melia Hồ Tràm. Những dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần đưa các điểm đến nghỉ dưỡng Việt Nam lên bản đồ du lịch quốc tế.
"Condotel là một sản phẩm tốt nếu được nghiên cứu, hoạch định và triển khai đúng cách. Tuy nhiên, những sản phẩm này có thể ảnh hưởng đáng kể đến thị trường nếu không được hoach định và vận hành một cách kỹ lưỡng vì sẽ dẫn đến sự sụt giảm về giá phòng và công suất phòng trong trung hạn, đặc biệt là tại các điểm đến ven biển", ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh.
Giám đốc Savills Hotels Châu Á-Thái Bình Dương cũng cho biết thêm, trong năm 2019 những thay đổi lớn về yếu tố nhân khẩu học hay hành vi tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy nguồn cầu và khích lệ các chủ đầu tư đưa ra ý tưởng cũng như các sản phẩm mới để đón đầu các xu hướng này.
Chủ đầu tư có thể nghiên cứu các xu hướng và sản phẩm mới vốn chưa có nhiều sự hiện diện tại thị trường Việt Nam như Khu dân cư có thương hiệu (Branded residences), khách sạn dịch vụ giới hạn (select-service hotel) hay resort với các dịch vụ chú trọng trải nghiệm nhằm đa dạng hóa lựa chọn lưu trú và nắm bắt nhu cầu của thế hệ du khách mới. Tuy nhiên, các sản phẩm này cũng đòi hỏi chủ đầu tư phải có những hiểu biết nhất định về mô hình và ý tưởng cũng như cách thức hợp tác giữa các bên liên quan để đảm bảo việc triển khai và tính khả thi của dự án.
"Nhìn chung, chúng tôi vẫn có cái nhìn tích cực về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam và mong chờ những kết quả tốt trong năm nay. Một số điểm đến khá bình lặng trong thời gian qua như Huế hay Mũi Né được kỳ vọng sẽ trở lại và cạnh tranh với thị trường du lịch ven biển với nhiều cơ hội phát triển mới", ông Mauro Gasparotti cho biết.
Đánh giá về triển vọng dài hạn của thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam, ông Mauro Gasparotti cho biết bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam luôn được xem là phân khúc hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư với mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua, đặc biệt khi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao.
Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ trong hai năm gần đây mà trong suốt một thập kỷ vừa qua với tỷ lệ tăng trưởng khách quốc tế được ghi nhận cao gấp ba lần so với tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu và gấp hai lần so với tỷ lệ tăng trưởng của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tỷ lệ tăng trưởng lượt khách quốc tế đạt 21% (trong 11 tháng đầu năm 2018 so với 11 tháng 2017), dù giảm nhẹ so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước nhưng đây vẫn được xem là con số rất ấn tượng so với các điểm đến khác trong khu vực.
Bên cạnh khách quốc tế, việc cải thiện cơ sở hạ tầng với các đường bay quốc tế mới, chính sách khích lệ từ chính phủ và sự đóng góp của các nhà đầu tư tư nhân đã góp phần tạo đà phát triển cho thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm hơn đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.