MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao Hòa Phát ưu tiên phát hành cổ phiếu vào thời điểm này?

24-02-2017 - 11:18 AM | Doanh nghiệp

Từ 2017 – mục tiêu tăng trưởng của Tập đoàn Hòa Phát rất có thể đã vượt trên khỏi khả năng đáp ứng của chiến lược tăng trưởng bền vững dẫn đến 2 lựa chọn hoặc đẩy hệ số nợ lên cao hoặc phải phát hành cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Nhằm chuẩn bị cho đại dự án liên hợp gang thép của mình tại Dung Quất với tổng mức đầu tư lên tới 52.000 tỷ đồng, Tập đoàn Hoà Phát đang dự kiến trình cổ đông thông qua việc phát hành cổ phiếu huy động vốn lần đầu tiên kể từ năm 2008 với tổng mức phát hành là 250 triệu cổ phiếu. Điều này được nhiều chuyên gia tranh luận là có thể không cần thiết và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, muốn biết Hoà Phát phát hành cổ phiếu có hợp lý hay không thì cần căn cứ vào vấn đề chiến lược của tập đoàn, đặc biệt là chiến lược tăng trưởng thay vì chỉ chú trọng đến vấn đề tài chính đơn thuần.

Giai đoạn 2008 – 2016: Hoà Phát tăng trưởng dựa trên chiến lược tăng trưởng bền vững

Cầu lưu ý rằng, suốt từ năm 2008 đến 2016, Hoà Phát tăng trưởng hoàn toàn chỉ dựa trên lợi nhuận để lại tái đầu tư và vay nợ vừa phải chứ không phát hành cổ phiếu để huy động vốn, tức là tập đoàn tăng trưởng dựa trên chiến lược tăng trưởng bền vững (sustainable growth). Chiến lược tăng trưởng bền vững, là chiến lược tăng trưởng chỉ sử dụng nguồn vốn nội sinh (lợi nhuận để lại) kết hợp với việc huy động một lượng nợ vay vừa phải mà không sử dụng việc huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu thu tiền mặt. Sự phát hành cổ phiếu nếu có thường chỉ là phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức mà bản chất ở đây là giữ lại lợi nhuận tái đầu tư chứ không phải huy động vốn bằng tiền mặt mới từ cổ đông. Mô hình tăng trưởng bền vững được thực hiện dựa trên những trụ cột sau:

Thứ nhất, để thực hiện chiến lược tăng trưởng bền vững, tập đoàn thực hiện việc lập kế hoạch tài chính và kế hoạch cân đối nhu cầu đầu tư với khả năng tài chính một cách chặt chẽ, qua đó, xác định giới hạn ngân sách vốn đầu tư tối đa trong từng thời kỳ, tức là quy mô đầu tư tối đa trong từng thời kỳ. Trên cơ sở giới hạn ngân sách vốn đầu tư này, các công ty sẽ lựa chọn thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư sao cho tổng mức đầu tư của các dự án không vượt quá giới hạn ngân sách vốn đầu tư này. Để tránh cho nhu cầu đầu tư quá lớn do đầu tư dàn trải, công ty sẽ hoạch định một chiến lược đầu tư có xác định thứ tự ưu tiên rõ ràng các ngành kinh doanh và các khoản đầu tư chiến lược, theo đó các khoản đầu tư sẽ ưu tiên tập trung vào những ngành kinh doanh cốt lõi nhất, còn những khoản đầu tư ít quan trọng hơn sẽ được giãn tiến độ, những ngành kinh doanh không cốt lõi có thể sẽ không được đầu tư thêm vốn và phải chờ đợi cho đến khi các khoản đầu tư trong các ngành kinh doanh chiến lược đã hoàn thành xong.

Thứ hai, chiến lược tăng trưởng bền vững được tập đoàn chủ động thực hiện thông qua việc kiểm soát và sắp xếp chặt chẽ lịch trình các khoản đầu tư hợp lý nhằm tránh đầu tư dàn trải theo kiểu tăng trưởng nóng đẩy nhu cầu vốn lên quá cao dẫn đến việc phải phát hành cổ phiếu mới huy động vốn hoặc phải vay nợ lớn. Thậm chí, tập đoàn có thể sự trì hoãn các kế hoạch đầu tư tham vọng và sắp xếp lại lịch trình tăng trưởng để đảm bảo tránh gây áp lực lên kế hoạch tài trợ. Ngoài ra, để tránh cho các khoản đầu tư mới cần nguồn vốn mới quá lớn, tập đoàn có thể phải thoái vốn khỏi một số khoản đầu tư không trọng yếu hoặc không hiệu quả để lấy vốn tài trợ cho các dự án chiến lược. Tập đoàn cũng quản trị rất chặt chẽ tiến độ triển khai các dự án nhằm tránh bị đội tổng mức đầu tư do chậm tiến độ dự án.

Thứ ba, tập đoàn thực hiện đầu tư tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo hài hoà lợi ích cổ đông thông qua việc duy trì quyền kiểm soát của cổ đông hiện hữu và dòng chi trả cổ tức ổn định. Ưu điểm lớn của chiến lược tăng trưởng bền vững đó là, vì nó tránh được việc phát hành cổ phiếu mới nên không làm pha loãng quyền kiểm soát của các cổ đông hiện hữu, đặc biệt là các cổ đông lớn. Bên cạnh đó, nó kết hợp hài hoà giữa nhu cầu tài trợ vốn cho dự án đầu tư với việc đáp ứng lợi ích thường xuyên của cổ đông thông qua chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt ổn định. Việc dòng chi trả cổ tức ổn định tạo ra tác động phát tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư rằng công ty có tình hình tài chính lành mạnh và kinh doanh ổn định. Mức cổ tức tiền mặt của Hoà Phát trong nhiều năm qua là ở mức khá, năm 2012 (20%), 2013 (15%), 2014 (10%), 2015 (10%).

Thứ tư, nỗ lực đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao nhằm tạo ra nguồn vốn nội sinh lớn phục vụ cho các kế hoạch đầu tư tăng trưởng. Với việc thường đạt được tỷ suất lợi nhuận cao trên vốn, tập đoàn giành được sự tin tưởng từ các cổ đông vào trình độ quản lý của ban quản trị và việc có được lợi nhuận cao và dòng tiền mặt tốt cho phép đáp ứng được một phần đáng kể nhu cầu đầu tư hàng năm và duy trì chính sách ổn định cổ tức, từ đó, tác động tích cực đến giá cổ phiếu.

Bắt đầu từ 2017 – mục tiêu tăng trưởng vượt trên khỏi khả năng đáp ứng của chiến lược tăng trưởng bền vững

Từ 2017 – mục tiêu tăng trưởng của Tập đoàn rất có thể đã vượt trên khỏi khả năng đáp ứng của chiến lược tăng trưởng bền vững dẫn đến 2 lựa chọn hoặc đẩy hệ số nợ lên cao hoặc phải phát hành cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Việc tập đoàn ưu tiên lựa chọn phát hành cổ phiếu bổ sung thêm nguồn vốn chủ bên cạnh giữ lại lợi nhuận tái đầu tư là hợp lý nếu xuất phát từ quan điểm chiến lược dài hạn. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân:

Thứ nhất, Hoà Phát tiếp tục đầu tư lớn để duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành thép. Đứng trước việc hàng loạt đối thủ cạnh tranh lớn, trong đó có Tập đoàn Hoa Sen thông qua kế hoạch đầu tư lớn, Hoà Phát buộc phải thông qua và thực hiện kế hoạch đầu tư mở rộng nếu không muốn để mất thị phần. Điểm quyết định chiến lược trong ngành thép là tốc độ đầu tư phải nhanh theo chiến lược tiên hạ thủ vi cường để sớm có sản phẩm xuất xưởng, chiếm lĩnh thị phần trước và qua đó hạ được giá thành và giá bán. Nếu dự án chậm chân hoặc chậm tiến độ thì giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên cao.

Từ 2017 – mục tiêu tăng trưởng của Tập đoàn rất có thể đã vượt trên khỏi khả năng đáp ứng của chiến lược tăng trưởng bền vững dẫn đến 2 lựa chọn hoặc đẩy hệ số nợ lên cao hoặc phải phát hành cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Thứ hai, bắt đầu từ năm 2015, Hoà Phát về cơ bản đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển đa ngành, đặc biệt là đầu tư mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp với nhu cầu vốn đầu tư rất lớn. Chính vì vậy, có thể nói tập đoàn đang ở vào bước chuyển đổi chiến lược, từ chủ yếu đầu tư vào ngành trọng điểm (ngành thép) sang đa ngành. Rủi ro kinh doanh với tập đoàn sẽ tăng cao khi đang ở bước chuyển đổi này. Theo đúng nguyên lý, tập đoàn nên hạ thấp rủi ro tài chính bằng việc tránh vay nợ quá nhiều, ưu tiên sử dụng vốn chủ sở hữu, để đảm bảo cho rủi ro tổng thể ở mức độ kiểm soát được và giúp cho quá trình chuyển đổi thành công.

Như vậy, bước chuyển đổi chiến lược đầy rủi ro và mục tiêu tăng trưởng cao gắn với nhu cầu vốn tổng lực lớn cho kinh doanh đa ngành là những lý do đầy thuyết phục cho việc bước ra khỏi chiến lược tăng trưởng bền vững và phát hành thêm cổ phiếu huy động vốn vào lúc này.

Một vấn đề nữa là định thời điểm phát hành cổ phiếu. Phát hành chứng khoán ở Việt Nam không phải lúc nào cũng thuận lợi do thị trường chứng khoán có mức độ biến động lớn qua các thời kỳ. Chính vì vậy, trong điều kiện gặp thời điểm thuận lợi như hiện nay thì nhiều công ty tranh thủ phát hành cổ phiếu sớm để dự trữ vốn thay vì đợi đến khi cần vốn mới phát hành, nếu gặp bối cảnh thị trường chứng khoán giảm sâu sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vốn. Trong vòng 1 năm vừa qua, giá cổ phiếu của Tập đoàn Hoà Phát đã tăng từ mức khoảng 23.000đ/cp vào 02/2016 lên mức hiện nay là khoảng 40.000đ/cp. Đây là một vùng giá khá thuận lợi để đảm bảo thành công cho đợt phát hành. Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu huy động vốn, trong thời gian tới, Tập đoàn cũng sẽ cần hạn chế việc trả cổ tức tiền mặt và ưu tiên cổ tức bằng cổ phiếu để ưu tiên giữ lại lợi nhuận tái đầu tư.

Tuấn Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên