Tại sao năm 536 được gọi là thời điểm khó sống nhất lịch sử nhân loại?
Những khó khăn của năm 2018 vẫn chưa là gì so với thời điểm năm 536 đâu.
- 29-12-2018Đây là những lý do vì sao 2018 xứng đáng bị gọi là “năm đại họa”
- 28-12-2018Chứng khoán Trung Quốc giảm tệ nhất thế giới năm 2018
- 27-12-2018Nhìn lại những lần ông Trump khiến thị trường điên đảo trong năm 2018
- 26-12-2018Những hình ảnh đáng chú ý về các sự kiện của năm 2018
- 26-12-2018Hệ thống chấm điểm công dân của Trung Quốc đưa năm 2018 đi vào lịch sử loài người?
Khi bạn hỏi nhà sử học Trung Cổ Michael McCormick về năm tồi tệ nhất mà con người đã trải qua, bạn sẽ nhận được câu trả lời là "536". Đáng ngạc nhiên thay, những con số đáng nhớ trong lịch sử nhân loại lại không được nhắc tới: như năm 1349, Cái Chết Đen – Bệnh dịch hạch hủy diệt một nửa Châu Âu; năm 1918, bệnh cúm giết chết khoảng 50 tới 100 triệu người.
Michael McCormick là một nhà sử học, nhà khảo cổ, hiện đang là chủ tịch Nhóm dẫn đầu ngành Khoa học liên quan tới Quá khứ Nhân loại, trực thuộc Đại học Harvard, chắc chắn ý kiến của ông có trọng lượng. Tại Châu Âu, "đó là thời điểm khởi đầu giai đoạn khó sống nhất trong lịch sử nhân loại, nếu không muốn nói là năm tồi tệ nhất", ông McCormick nói.
Đó vừa là một dữ kiện lịch sử quan trọng, có lẽ đóng luôn vai trò cảnh báo những nhà du hành thời gian trong tương lai.
Một làn sương bí ẩn che phủ Châu Âu, Trung Đông, một phần Châu Á khiến bầu trời tối sầm lại suốt cả ngày, giai đoạn tăm tối kéo dài tới 18 tháng. "Mặt Trời tỏa nắng nhưng không sáng, chẳng khác nào Mặt Trăng, suốt cả năm dài", nhà sử học Procopiusm của Đế quốc Đông La Mã thuật lại.
Nhiệt độ mùa hè giảm từ 1,5 đến 2,5 độ C, góp phần tạo nên thập kỉ lạnh lẽo nhất trong vòng 2300 năm qua. Mùa hè năm đó, tuyết đã rơi trên đất Trung Quốc, mùa màng thất thu, người dân vật lộn với nạn đói. Sử sách Ireland ghi lại rằng "không còn bánh mì mà ăn vào khoảng năm 536-539". Tới năm 541, bệnh dịch hạch tràn vào cảng Pelusium bên bờ sông Nile, Ai Cập. Được gọi với cái tên Đại dịch Justinian, nó nhanh chóng lan rộng, xóa sổ 1/3 tới một nửa số dân cư miền Đông Đế Quốc La Mã, đẩy nhanh quá trình La Mã sụp đổ.
Màn sương vẫn che phủ sự thật, đúng nghĩa đen luôn: các nhà khoa học vẫn chưa rõ màn sương mờ che được cả bầu trời năm 536 là gì. Vì bản chất tăm tối của cả một thời kì lịch sử dài, chúng ta vẫn thường gọi giai đoạn giữa thế kỷ thứ Sáu này là Kỷ nguyên Đen tối. Ta vẫn tìm cách giải những bí ẩn của thời kì đó, nhằm chuẩn bị cho những gì tương lai có thể mang lại.
Chính giáo sư McCormick dẫn dắt một dự án nhằm tìm ra câu trả lời. Kết hợp với nhà băng hà học Paul Mayewski tới từ Viện Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Maine, họ phân tính chính xác lõi băng đường kính 72 mét, lấy từ sông băng Colle Gnifetti, Thụy Sĩ và tìm ra được thủ phạm.
Tại một hội chợ khoa học diễn ra trong khuôn viên Harvard vào đầu tháng Mười một, đội ngũ nghiên cứu công bố những gì mình tìm được: họ phát hiện ra một vụ phun trào núi lửa cực lớn tại Iceland diễn ra vào đầu năm 536, phun khói bụi phủ kín một vùng trời Bán Cầu Bắc.
Chưa dừng lại ở đó, hai vụ phun trào cực lớn khác diễn ra vào năm 540 và 547 đã gộp khói bụi với vụ phun trào trước, và khi kết hợp với bệnh dịch hoành hành, Châu Âu đã thất thủ. Phải tới năm 640, nền kinh tế của Châu Âu mới hồi phục.
Theo lời Kyle Harper, hiệu trưởng Đại học Oklahoma và cũng là một nhà sử học La Mã và Trung Cổ, những chứng cứ lịch sử được ghi lại trong băng "đã cho nhân loại một thứ tư liệu mới, cho phép ta hiểu và xâu chuỗi sự việc lại để tìm ra nguyên do sự sụp đổ của Đế chế La Mã hùng mạnh".
Kể từ khi ta nghiên cứu vòng tuổi nằm bên trong thân cây, phát hiện ra rằng năm 540 lạnh bất thường, các nhà nghiên cứu đã liên tục đi tìm câu trả lời. Ba năm trước, các lõi băng từ Greenland và Nam Cực đã cho ta chút chứng cứ: khi núi lửa phun trào, nó phun ra sulfur, bismuth và một số vật chất khác nữa vào bầu không khí, tạo ra một lớp chắn ánh nắng Mặt Trời tự nhiên. Đó chính là lý do khiến Trái Đất nguội đi.
Một phần băng lấy từ lõi băng vớt lên từ sông băng Colle Gnifetti.
Bằng việc đối chiếu các dữ liệu có trong băng và trong vòng tuổi của cây, một đội ngũ nghiên cứu, dẫn đầu là Michael Sigl phát hiện ra mọi mùa hè lạnh bất thường từng diễn ra trong 2.500 năm qua đều đi sau một vụ phun trào nói lửa lớn.
Và khi có tới 3 vụ phun trào núi lửa quá lớn diễn ra quá gần nhau, thời điểm sau năm 536 quả là khó sống. Cũng may là gần như mọi chuyện đều có thể được giải quyết bằng thời gian, mọi thứ đã trở lại bình thường để nhân loại tiếp tục sống.
Khoảng một thế kỷ sau, vào năm 640 và sau vài vụ phun trào núi lửa nữa, những "ghi chép lịch sử" có trong băng có vẻ khởi sắc hơn. Bạc được luyện từ quặng chì – chì chính là dấu hiệu cho thấy người ta đã cần nhiều kim loại quý hơn, từ đó suy ra nền kinh tế đã hồi phục. Trên đây là nhận định của nhà khảo cổ học Christopher Loveluck, công tác tại Đại học Nottingham, nước Anh.
Trong băng xuất hiện một dấu chì nữa vào năm 660, cho thấy bạc đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế Trung cổ. Có vẻ như vàng đã trở nên hiếm có hơn do việc trao đổi hàng hóa thịnh hơn trước nhiều, vì thế người dân phải dựa vào sử dụng bạc để buôn bán.
"Dấu mốc cho thấy lần đầu tiên, giai cấp thương lái đã xuất hiện", nhà nghiên cứu Loveluck nói.
Những tưởng băng chỉ cho vào cốc nước để uống cho mát, hóa ra nó còn là một kho tàng lưu trữ những dữ kiện lịch sử của nhân loại.
Tham khảo Science