Tại sao SHB chấp nhận bảo lãnh dự án D’. Le Roi Soleil?
Một năm đã trôi qua kể từ khi quy định dự án bất động sản bắt buộc phải được ngân hàng bảo lãnh tiến độ nhưng số lượng dự án được ngân hàng bảo lãnh vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tại sao vậy?
Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ 1/7/2015 quy định chủ đầu tư dự án khi bán nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết, bên mua có quyền yêu cầu ngân hàng hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác theo hợp đồng đã ký kết. Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận cho 39 ngân hàng được cung cấp dịch vụ bảo lãnh này.
Tuy vậy, tại Hà Nội, những dự án đã được ngân hàng đồng ý bảo lãnh lại rất khiêm tốn so với số lượng hàng chục dự án chào bán ra thị trường trong năm qua. Điểm danh chỉ có lác đác vài trường hợp như Ngân hàng SHB bảo lãnh cho dự án D’. Le Roi Soleil của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, HD Bank bảo lãnh dự án Mon City và BIDV bảo lãnh dự án Tràng An Complex.
Mức phí bảo lãnh bao nhiêu thì hợp lý, tài sản thế chấp để được bảo lãnh, ai là người chịu phí bảo lãnh… được cho là những yếu tố cản trở khiến cho chủ đầu tư ngần ngại ký hợp đồng bảo lãnh. Nhưng theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, yêu cầu dự án bất động sản phải có bảo lãnh ngân hàng, không phải làm khó chủ đầu tư mà sẽ hạn chế các chủ đầu tư yếu kém, không đủ năng lực, còn đối với các chủ đầu tư uy tín thì ngân hàng đều sẵn sàng hợp tác.
Thực tế, ngân hàng cũng rất thận trọng khi lựa chọn dự án để bảo lãnh, bởi các dự án bất động sản đều có vốn đầu tư lớn, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai theo đúng cam kết thì ngân hàng sẽ chịu rủi ro rất lớn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng.
Để được ngân hàng cấp bảo lãnh, chủ đầu tư dự án phải chứng minh được năng lực, khả năng triển khai dự án và bàn giao nhà theo đúng tiến độ cam kết. Ngân hàng cũng sẽ thẩm định kỹ lưỡng báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh dự án, các nguồn tiền huy động của chủ đầu tư, các nguồn thu và chi phí cũng như xem xét cả hồ sơ pháp lý của dự án.
Chính vì thế, tại công văn số 299/TTKD-SHB, Ngân hàng SHB đồng ý cấp bảo lãnh cho người mua nhà tại dự án D’. Le Roi Soleil một lần nữa khẳng định thương hiệu và uy tín của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đồng thời, tăng niềm tin và độ an toàn cho người mua nhà tại dự án này.
Năng lực của Tân Hoàng Minh thể hiện trong việc triển khai dự án căn hộ D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu và D’. Palais de Louis – Nguyễn Văn Huyên bất chấp có thời kỳ trải qua giai đoạn khủng hoảng của thị trường bất động sản. SHB cũng chính là ngân hàng cho Tân Hoàng Minh vay 1.000 tỷ phát triển dự án D’. Le Pont D’or và tiếp tục tài trợ vốn cho chủ đầu tư và người mua nhà tại dự án D’. Le Roi Soleil nên SHB hiểu được năng lực của Tân Hoàng Minh hơn ai hết.
Theo đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh, sau khi chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng và nếu khách hàng có yêu cầu bảo lãnh thì dựa trên thoả thuận cấp bảo lãnh được quy định trong hợp đồng, ngân hàng sẽ phát hành cam kết bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh là người mua nhà.
Đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh chia sẻ, ưu điểm nổi trội khi dự án được ngân hàng bảo lãnh là ngân hàng sẽ trực tiếp kiểm soát tiến độ dự án và căn cứ vào đó để giải ngân tiền cho chủ đầu tư.
Người mua nhà sẽ nộp tiền vào tài khoản của chủ đầu tư được mở tại ngân hàng đứng ra bảo lãnh dự án, và mọi chi tiêu của chủ đầu tư sẽ được ngân hàng giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiền ứng trước của khách hàng được sử dụng đúng mục đích nên chủ đầu tư cũng không thể đem tiền của dự án này đi đầu tư dự án khác. Chính vì thế, khi dự án được ngân hàng bảo lãnh, quyền lợi của người mua nhà được đảm bảo ở mức cao nhất.