Tại sao tên 101 loại nước mắm vượt hàm lượng arsen cho phép chưa được công khai?
“88 thương hiệu nước mắm được khảo sát, có tất cả các thương hiệu trên thị trường, có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng”, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) nói với báo chí bên lề cuộc họp Công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc chiều 17/10.
- 17-10-2016Vinastas công bố kết quả khảo sát nước mắm
- 17-10-2016Nước mắm truyền thống gặp khó vì... pháp lý!
- 16-10-2016Cuộc chiến nước mắm truyền thống và công nghiệp
- 15-10-2016Thanh tra toàn quốc để lật tẩy nước mắm trá hình
Nước mắm vượt chỉ tiêu arsen vẫn… an toàn
Trong thời gian qua, VINASTAS đã tiến hành khảo sát 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai của 88 nhãn hiệu được mua trực tiếp từ siêu thị lớn đến cửa hàng bán lẻ, thậm chí là những quán “cóc” trên toàn quốc.
Kết quả cho thấy 125/150 mẫu khảo sát có ít nhất 1 tiêu chuẩn (trên tổng số 5 tiêu chuẩn trong nhóm hoá học) không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hoá.
Và thông tin gây sốc nhất trong buổi công bố chính là 101/150 mẫu thử, chiếm 67,33%, có chứa hàm lượng arsen (tên khoa học của thạch tín) tổng vượt ngưỡng so với quy định của Bộ Y tế.
“Các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ arsen càng tăng. Cụ thể 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định”, đại diện VINASTAS cho biết.
Dù vậy, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký của VINASTAS khẳng định “nước mắm vẫn an toàn”.
Bởi nhẽ, điều may mắn còn lại sau cuộc khảo sát chính là 20 mẫu nước mắm có hàm lượng arsen tổng được gửi đi phân tích đều cho kết quả “không phát hiện arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L)”.
“Arsen vô cơ mới là thành tố nguy hiểm”, ông cho biết. Do vậy, ông Tuấn cho rằng người tiêu dùng không nên quá lo ngại chuyện nước mắm có hàm lượng arsen vượt ngưỡng.
Cũng theo ông, những 51% mẫu sản phẩm nước mắm không đạt chỉ tiêu về độ đạm trên nhãn mác nhưng vẫn đạt chỉ tiêu an toàn. “Điều này thể hiện người tiêu dùng rất thiệt thòi khi mua những sản phẩm tưởng như độ đạm cao nhưng thực chất là rất thấp”, ông nói.
Do đó, ông yêu cầu các doanh nghiệp cần phải công bố một cách chính xác, trung thực các thông tin đối với người tiêu dùng. Các khái niệm nước mắm, nước chấm với những tiêu chuẩn khác nhau cũng cần được công bố một cách rõ ràng, minh bạch.
“Nước mắm truyền thống, nước mắm công nghiệp với chất điều vị không xấu, nhưng cần phải được minh bạch trên nhãn mác”, ông Tuấn khẳng định một cách chắc chắn.
Minh bạch nhãn hiệu sai phạm, chuyện vẫn để sau!
Minh bạch, công khai... là những từ được ông Tuấn nhiều lần lặp lại trong những phát biểu của mình. Tuy nhiên, khi phóng viên muốn ông “minh bạch” các nhãn hiệu được khảo sát có sai phạm thì không nhận được câu trả lời cụ thể.
“88 thương hiệu nước mắm, có tất cả các thương hiệu trên thị trường, có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng”, “Mục đích của khảo sát lần này của chúng tôi là thông tin cho người tiêu dùng biết về thực trạng của nước mắm!” là 2 trong số những câu trả lời của ông Tuấn về vấn đề này.
“Nhưng không nói rõ nhãn hiệu nào thì người tiêu dùng hoang mang?” phóng viên hỏi tiếp thì được ông trả lời: “Chúng tôi góp tiếng nói để các thương hiệu Việt Nam được hoàn thiện hơn” và “Thông qua đó đánh động để các nhà quản lý, cơ quan chức năng vào cuộc!”.
Cùng vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: “Đây là một đợt khảo sát chứ không phải đợt mang tính chất thanh tra kiểm tra thì có thể công bố công khai các doanh nghiệp sản xuất nước mắm và tiêu thụ nước mắm như nào!”.
Dù vậy, ông cho biết thêm, để “định hướng dư luận, xã hội về các sản phẩm an toàn” thì cũng cần phải công khai cho người tiêu dùng biết về đối tượng khảo sát là những doanh nghiệp nào.