MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tai tiếng Monsanto: Án lệ cho vụ kiện chất độc da cam

16-08-2018 - 08:29 AM | Tài chính quốc tế

Cái tên Monsanto không xa lạ với Việt Nam khi đứng "đầu bảng" trong số 37 công ty hóa chất Mỹ bị Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khởi kiện.

Ông Phạm Trương, Trưởng Ban Đối ngoại Hội Nạn chân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), trao đổi với Báo Người Lao Động sau khi Công ty Monsanto bị tòa án San Francisco (bang California - Mỹ) yêu cầu bồi thường 289 triệu USD cho ông Dewayne Johnson.

* Phóng viên: Monsanto là cái tên "đầu bảng" trong các công ty hóa chất của Mỹ bị Hội Nạn chân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện để đòi lại công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Vậy ông cho biết diễn biến vụ kiện?

Tai tiếng Monsanto: Án lệ cho vụ kiện chất độc da cam - Ảnh 1.

Ông Phạm Trương

- Ông Phạm Trương: Vụ kiện do VAVA đứng tên đại diện các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đơn kiện được gửi đến tòa án Brooklyn, New York vào ngày 30-1-2004 để kiện 37 công ty Mỹ và yêu cầu các công ty này bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam vì đã sản xuất chất hóa học cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam làm 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó hơn 3 triệu người hoặc đã chết hoặc bị các căn bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật…

Vụ kiện đã qua cả 3 cấp của tòa án Mỹ: sơ thẩm, phúc thẩm và tối cao. Ngày 2-2-2009, Tòa Tối cao của Mỹ đã bác, không thụ lý đơn kiện của hội với 2 lý do chính: Thứ nhất, chất hóa học mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam chỉ là "chất diệt cỏ" không có hại đối với sức khỏe của con người; thứ hai, các công ty hóa chất sản xuất "chất diệt cỏ" cho quân đội Mỹ là việc làm theo lệnh của chính phủ Mỹ, tòa án Mỹ không có quyền xét xử các việc làm của chính quyền liên quan đến quân sự và ngoại giao. Do đơn kiện không được thụ lý, vụ kiện lần thứ nhất đã kết thúc.

Mặc dù không đạt được kết quả mong muốn nhưng vụ kiện đã thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam và quốc tế. Nhiều tổ chức và nhân sĩ đã lên tiếng kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ông Len Aldis, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt đã lập một trang web kêu gọi ký tên vì công lý. Ngày 15 và 16-5-2009, Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) đã triệu tập Tòa án Lương tâm quốc tế xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Phiên tòa này ra phán quyết: Chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc da cam phải bồi thường đầy đủ cho nạn nhân và gia đình họ. Chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ cũng phải khắc phục môi trường, thanh lọc chất ô nhiễm dioxin trong đất, nước và đặc biệt tại "các điểm nóng" xung quanh các căn cứ quân sự trước đây của Mỹ.

Tai tiếng Monsanto: Án lệ cho vụ kiện chất độc da cam - Ảnh 2.

Hạ nghị sĩ Mỹ Barbara Lee (phải) chụp ảnh cùng chị Trần Thị Hoan, một nạn nhân chất độc da cam ở TP HCM, trong buổi tiếp đoàn VAVA tại trụ sở quốc hội Mỹ ở Washington D.C vào cuối năm 2015. Bà Lee đã trình Hạ viện Mỹ 3 dự luật yêu cầu chính phủ Mỹ phải hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam Ảnh: PHẠM TRƯƠNG

* Được biết bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, đang có vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, trong đó có Monsanto?

- Bà Trần Tố Nga (SN 1942, tại Nam Bộ) theo gia đình tập kết ra miền Bắc. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp đại học, bà trở về miền Nam làm phóng viên Thông Tấn Xã Giải Phóng, phục vụ ở các vùng có chiến sự ác liệt như Tây Ninh, Bình Dương... Trong thời gian này, bà đã bị phơi nhiễm trực tiếp chất độc da cam do quân đội Mỹ phun rải. Bà bị nhiều bệnh, gần đây phải phẫu thuật ở ngực do bệnh ung thư. Con gái đầu của bà chết khi mới 17 tháng tuổi vì bệnh tim bẩm sinh. Con gái thứ hai cũng bị bệnh thiếu máu huyết tán (Alpha Thalassemia).

Ngày 14-5-2014, đơn kiện của bà Trần Tố Nga - có luật sư William Bourdon (thuộc Đoàn Luật sư Paris, là luật sư nổi tiếng đã thắng trong nhiều lần bênh vực người dân có tranh chấp với các công ty đa quốc gia và trong các vụ kiện liên quan đến tội ác chống lại nhân loại) cùng đứng tên - được gửi đến Tòa Đại hình Evry của Pháp và 26 công ty hóa chất của Mỹ. Ngày 16-4-2015, Tòa Đại hình Evry triệu tập phiên đầu tiên. 19/26 công ty bị kiện đã thuê luật sư bào chữa. Đến nay, đã có 9 phiên tòa triệu tập nhưng do luật sư của các công ty Mỹ cố tình tạo cớ để trì hoãn xét xử nên cả 9 phiên đều chỉ mang tính giải quyết thủ tục. Tòa Evry đã thúc ép hai bên giải quyết xong các thủ tục để chuyển sang giai đoạn xét xử.

Vụ kiện của bà Trần Tố Nga là vụ kiện cá nhân, của một công dân Pháp bị phơi nhiễm chất độc da cam trong quá trình làm việc khi còn ở Việt Nam, được đưa ra tòa án Pháp xét xử, không lệ thuộc vào luật pháp của Mỹ. Các luật sư Mỹ không được trực tiếp bênh vực cho các công ty Mỹ trong giai đoạn đầu (các phiên thủ tục) mà phải thông qua các luật sư Pháp.

Vụ kiện của bà Nga đã có tiền lệ ở Pháp. Đó là vụ kiện của ông Paul François, một nông dân Pháp 51 tuổi, sống ở TP Lyon. Năm 2004, trong lúc sử dụng loại thuốc diệt cỏ Lasso của Công ty Monsanto, ông François hít phải khí độc phát ra từ bình thuốc và ngất ngay trên cánh đồng. Sau đó, ông thường xuyên bị ho, hôn mê, phải nhập viện 5 lần và nghỉ làm việc 9 tháng, khả năng lao động bị suy giảm 40%. Năm 2007, ông đệ đơn kiện Monsanto. Năm năm sau, vào ngày 13-2-2012, tòa sơ thẩm Lyon kết luận Monsanto chịu trách nhiệm về tình trạng nhiễm độc của François và phải bồi thường thiệt hại cho ông. Monsanto đề nghị đưa ra tòa phúc thẩm và tới ngày 10-9-2015, tòa phúc thẩm Lyon tuyên bố giữ nguyên phán quyết sơ thẩm.

* Ông đánh giá thế nào về việc Monsanto bị tòa San Francisco yêu cầu bồi thường?

- Thực ra đã có khoảng 4.000 người ở Mỹ kiện Monsanto về tội danh tương tự như trường hợp ông Dewayne Johnson. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tòa án Mỹ đưa ra phán quyết. Quyết định của tòa San Francisco cho thấy sự thừa nhận tác hại của "chất diệt cỏ" và Công ty Monsanto phải chịu trách nhiệm về sản phẩm "chất diệt cỏ" gây hại cho con người này.

Như vậy, đây sẽ là một án lệ. Quyết định của tòa án San Francisco đã bác lại luận điểm trước đây của Tòa án Tối cao Mỹ - cho rằng "chất diệt cỏ" mà Monsanto và các công ty hóa chất khác của Mỹ cung cấp cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là không có hại cho con người. Do vậy, Monsanto và các công ty hóa chất kể trên cũng phải chịu trách nhiệm về thảm họa do các chất độc hóa học đó gây ra cho môi trường và con người Việt Nam.

* Hội có kế hoạch như thế nào để tiếp tục theo đuổi vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam?

- Từ sau vụ kiện thứ nhất đến nay, VAVA vẫn chuẩn bị cho vụ kiện mới nhằm vào các công ty hóa chất của Mỹ. Chúng tôi đồng thời tiến hành nhiều hình thức đấu tranh mới như vận động nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới ủng hộ, phối hợp với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; yêu cầu chính phủ Mỹ nhận trách nhiệm và tham gia khắc phục hậu quả do chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam gây ra; vận động các nghị sĩ mới soạn thảo và trình quốc hội Mỹ các dự luật yêu cầu chính phủ Mỹ có trách nhiệm tẩy độc môi trường và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam… Đến nay, các nghị sĩ Mỹ đã đưa ra 4 dự luật yêu cầu chính phủ Mỹ tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam.

Độc hại hơn thuốc diệt cỏ

Theo ông Phạm Trương, thuốc diệt cỏ chứa glyphosate mà ông Dewayne Johnson sử dụng là loại thông thường, còn chất diệt cỏ do Công ty Monsanto sản xuất phục vụ quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là loại tổng hợp của 2 chất độc 2.4D và 2.4.5T. Mặt khác, để đẩy nhanh tốc độ sản xuất, nhà sản xuất đã tăng nhiệt lượng, khiến nồng độ dioxin trong các chất này tăng vọt, dẫn đến độ độc hại của chất độc da cam tăng gấp nhiều lần so với thuốc diệt cỏ thông thường.

Theo Dương Ngọc

Người Lao động

Trở lên trên