MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài xế taxi 'thấm đòn' COVID-19

Tài xế taxi 'thấm đòn' COVID-19

Lượng khách giảm mạnh khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tài xế phải viết đơn đề nghị hãng taxi giảm phí quản lý kinh doanh để đảm bảo mức thu nhập, ổn định cuộc sống.

Anh Nguyễn Văn Tài, lái xe taxi (quê Nghệ An) là thành viên của một hãng taxi nổi tiếng ở Hà Nội, được hãng bán cho chiếc xe Toyota Vios theo hình thức trả góp với giá hơn 600 triệu đồng. Để được vay tiền, anh Tài phải ký hợp đồng tín dụng với chủ hãng, mỗi tháng trả đủ 10 triệu đồng. Ngoài chi phí trên, mỗi tháng anh còn phải đóng từ 2,5 đến 3 triệu đồng các chi phí quản lý, thương hiệu, trong đó có phí bộ đàm, logo... Vị chi mỗi tháng anh phải nộp cho đơn vị chủ quản khoảng 13 triệu đồng. Theo tính toán, để trả đủ số tiền mua xe, anh Tài phải hoạt động như vậy trong vòng gần 6 năm.

Dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách hàng giảm, xe hoạt động cầm chừng, anh Tài phải đi vay tiền ngoài để đóng cho hãng xe. “Thời điểm trước và sau Tết, khách giảm mạnh, thu nhập từ việc chạy xe giảm khoảng 80%. Mỗi ngày tôi chỉ kiếm được 200-300 ngàn đồng, trừ xăng xe, ăn uống thì chẳng còn gì. Số tiền đóng cho hãng hàng tháng đang phải đi vay. Hiện tại, vừa phải trả nợ tiền xe, vừa phải trả góp tiền mua nhà, khiến gia đình tôi thực sự khốn đốn”, anh Tài nói.

Tình trạng tài xế mua xe trả góp và phải trả lãi, gốc với số lượng lớn mỗi tháng cũng đang diễn ra với hầu hết tài xế tại các hãng taxi tại Hà Nội. Lý giải nguyên nhân này, anh Nguyễn Thế Tiềm, tài xế hãng taxi G7 cho biết, trước đây taxi hoạt động theo mô hình HTX chủ hàng còn cho góp xe, mượn “tem, mào”, nhưng hiện nay hầu hết các hãng taxi đều hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên họ thường yêu cầu tài xế phải mua xe của hãng mới được thuê thương hiệu chạy.

Theo anh Tiềm, cùng với việc phải mua xe trả góp mới được hoạt động taxi, lại đúng thời điểm dịch bệnh bùng phát đang làm cho nhiều tài xế lao đao. “Tháng Giêng là khoảng thời gian cho lái xe taxi cố gắng kiếm thêm kinh tế, nhưng vì đại dịch doanh thu giảm 90%. Vừa cố gắng cải thiện thu nhập, chúng tôi có đơn gửi công ty với mong muốn xin giảm mức phí quản lý kinh doanh xuống 1 triệu đồng/tháng và hoãn trả nợ gốc với những nhà đầu tư mất khả năng thanh toán đến khi hết đợt dịch. Dù vậy vẫn chưa nhận được phản hồi”, anh Tiềm nói thêm.

Hãng taxi nên chia sẻ khó khăn với tài xế

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, tài xế đi kèm với phương tiện là nhân tố làm lên tên tuổi, thịnh vượng của hãng taxi, hãng xe công nghệ. Do vậy khi rủi ro xảy ra, mặc dù hãng cũng gặp nhiều khó khăn do bị giảm doanh thu nhưng không thể không có trách nhiệm với các tài xế. Theo ông, xe không chạy thì đương nhiên sẽ không đóng các khoản phí hàng tháng, trong đó có phí thương hiệu, logo, bộ đàm. Tiếp đó, để doanh nghiệp và tài xế cùng vượt khó, chủ hãng taxi cần kiến nghị với ngân hàng giảm, giãn các khoản lãi suất…

Trong khi đó, đại diện hãng xe Taxi G7 cho biết, không chỉ tài xế mà hãng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do vẫn phải chi đều các khoản nhân công hành chính, phí bãi đỗ xe, lãi suất ngân hàng. Thế nên, ngoài việc tính đến các phương án giảm các chi phí quản lý, hãng cũng khuyến khích anh em tài xế trong quá trình chờ hết dịch, chủ động chạy khách ở quê để giảm chi phí sinh hoạt, phí bến bãi.

Theo ​Võ Hóa

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên