Tạm biệt "chú hổ 2022" - đánh dấu bước chuyển mình đầy mạnh mẽ của đất nước, chào năm mới Quý Mão - linh hoạt ứng phó với những “cơn gió nghịch”
Việt Nam khép lại năm 2022 với nhiều 'điểm sáng' trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2023...
- 21-01-2023Vận tải khách bằng ô tô dịp Tết Nguyên đán: Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu gì?
- 21-01-2023Bộ trưởng Tài chính yêu cầu bình ổn giá cả hàng hoá Tết
- 21-01-2023Việt Nam sẽ xuất xưởng khoảng 10% số máy tính xách tay toàn cầu trong năm nay
- 21-01-2023Bộ Công Thương: Không để đứt gẫy, thiếu hụt xăng dầu dịp Tết nguyên đán 2023
Năm 2022 - mạnh mẽ "vươn lên như hổ"
Năm 2022 - một năm đầy biến động đối với thế giới cũng như Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh người dân Việt Nam cũng như thế giới vẫn đang đối mặt với dịch bệnh. Thế nhưng giữa "vũng bùn" khó khăn đó, con người và đất nước Việt Nam vẫn vươn lên đầy "mạnh mẽ như hổ" để đạt được những thành tựu không tưởng.
Từ mở cửa bầu trời để phục hồi kinh tế sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đến những thành tựu trong kinh tế, văn hóa - xã hội..., năm 2022 là một năm đáng nhớ với đất nước, con người Việt Nam.
Việt Nam khép lại năm 2022 với nhiều "điểm sáng" trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trước hết cả nước đã chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi "Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân" để làm dầy thêm, vững chắc thêm "tấm lá chắn ngăn chặn COVID-19", nhờ đó dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo điều kiện để các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như đời sống của người dân trở lại trạng thái bình thường.
Đây chính là cơ sở vững chắc cho sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Bởi sau gần 2 năm đóng cửa, từ 15/2, Việt Nam chính thức mở lại toàn bộ đường bay quốc tế và tiến tới cởi bỏ nhiều quy định phòng chống Covid-19… tạo điều kiện mở cửa giao thương giữa Việt Nam và quốc tế.
Sau khi mở cửa trở lại đã tạo điều kiện để kinh tế đất nước chuyển mình vượt qua đại dịch COVID-19, mạnh mẽ "vươn lên như hổ" với tăng trưởng GDP cao nhất trong vòng 15 năm qua và nhiều kỷ lục mới về kinh tế được xác lập.
Từ kinh tế tăng trưởng dẫn đầu ASEAN với mức gần 7,2%...
Nhưng đáng nói hơn cả, chính là những thành tựu ấy, đất nước chúng ta đạt được trong bối cảnh "mây đen bao phủ nền kinh tế toàn cầu": GDP năm 2022 ước tính đạt 432 tỷ USD trong khi năm 2021 đạt 363,6 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 342 tỷ USD, xuất siêu đạt 10,6 tỷ USD trong 11 tháng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước.
Đây không chỉ là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua, mà còn là số vốn thực sự chất lượng, với các dự án hiện đại, có sức lan tỏa công nghệ, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đáp ứng mục tiêu phát triển xanh và bền vững, đưa nền kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.
Vượt qua những khó khăn do tổng cầu thế giới suy giảm, đứt gẫy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ, tổng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đã vượt mốc 730 tỷ USD (đạt 732,5 tỷ USD), với 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, giúp Việt Nam không chỉ giữ vững vị trí trong top đầu những thị trường thương mại lớn nhất thế giới.
Bên cạnh kinh tế, các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra về văn hóa, xã hội, học, công nghệ,… cũng đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp thêm những đường nét, những gam màu tươi sáng cho bức tranh tổng thể về kinh tế-xã hội của đất nước.
Đến những lĩnh vực như văn hóa - xã hội, Việt Nam cũng là một điểm sáng. Sau thành công của SEA Games 31 đã "Thắp sáng" Việt Nam hơn nữa trong lòng bạn bè quốc tế.
Vui mừng với những kết quả đã đạt được, nhưng chúng ta "tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn, không say sưa với thành tích, thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế", bởi tình hình kinh tế đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bức tranh kinh tế đất nước năm 2022 vẫn còn không ít những gam màu trầm.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất định, chúng ta phải đoàn kết hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để giải quyết một loạt những khó khăn của "nội tại" cũng như ứng phó với những rủi ro, biến động rất nhanh, rất khó lường của thị trường thế giới.
Việt Nam 2023: Chủ động ứng phó với những “cơn gió nghịch”
Với nguồn năng lượng đầy hứng khởi từ năm Nhâm Dần 2022, chúng ta bước vào năm 2023 – Năm Quý Mão với niềm tin mãnh liệt rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, đất nước sẽ tiếp tục có những bước chuyển mình nhanh hơn, uyển chuyển hơn, hiệu quả hơn trên con đường đi tới hùng cường, thịnh vượng, người dân được ấm no, hạnh phúc hơn.
Bước qua năm 2022, sang năm 2023, chúng ta tự tin hơn vì đất nước đã có những bước tiến dài mà chính từ đầu năm chúng ta cũng không dám kỳ vọng.
Sang năm 2023, chúng ta tự tin hơn vì đất nước đã có những bước tiến dài của năm cũ...
Các dự báo cho năm 2023 đến nay hầu hết đều theo hướng cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại, và điều này sẽ kéo nền tăng trưởng Việt Nam chậm theo, dẫu Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nước "giữ phong độ" tốt nhất.
Cụ thể, tại Tại tọa đàm Dự báo Kinh tế - Vượt “cơn gió nghịch” 2023 do VCCI và báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 27/12 vừa qua, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp nhận định, năm 2023, kinh tế Việt Nam đứng trước ba “cơn gió nghịch” cần vượt qua đó là: chính sách thắt chặt tiền tệ, chiến tranh giữa Nga và Ukraine và kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã thay đổi chính sách "Zero Covid" để mở cửa nền kinh tế. Như vậy, đây không còn là thách thức gây trở ngại cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Điều này cũng là tin vui cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu và thị trường bất động sản.
Ngoài ra, những thách thức của kinh tế Việt Nam sẽ bị chi phối bởi suy thoái và lạm phát của các thị trường toàn cầu. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc vào các thị trường lớn và tương ứng là tác động của các biến động lãi suất từ các nước lớn, biến động ngoại hối; đồng thời, tác động của những "biến động" từ thị trường trong nước.
Cơ hội đã mở ra trước mắt, nhưng con đường phía trước không "trải đầy hoa hồng", những mục tiêu đặt ra cho năm 2023 không dễ dàng gì đạt được, nhưng chúng ta tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sâu sát, đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; với sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp, dù vẫn còn bộn bề khó khăn phía trước, nhưng chắc chắn Chính phủ sẽ vững tay chèo, đưa "con thuyền" kinh tế-xã hội đất nước tiếp tục phát triển bền vững.
Đất nước sang năm 2023 với bao thuận lợi và khó khăn, thách thức nhưng chúng ta cùng nhau thực hiện bằng được khát vọng phồn vinh, hạnh phúc. Chúng ta có quyền hy vọng và kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng cho cả dân tộc, người dân ấm no, hạnh phúc hơn.
Tổ quốc