Tâm lý nhà đầu tư “tay to” cũng chao đảo
Dù là những người có tiềm lực tài chính, thậm chí đã có kinh nghiệm hoạt động trên thị trường bất động sản, nhưng ở thời điểm hiện tại, một số nhà đầu tư “tay to” cũng bị chao đảo về mặt tâm lý.
- 12-10-2022Nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường văn phòng tại Hà Nội
- 12-10-2022Sở Xây dựng Hà Nội: Thị trường bất động sản Hà Nội trầm lắng, nhà ở thấp tầng gần như không có giao dịch
- 12-10-2022Thị trường bất động sản Quảng Ngãi chững lại, sau giai đoạn biến động tăng
Thị trường bất động sản trong nửa năm trở lại đây chịu nhiều tác động, theo đó thanh khoản sụt giảm cục bộ. Tưởng như thị trường như hiện nay chỉ những nhà đầu tư có vốn mỏng, thiếu kinh nghiệm và chịu áp lực chính lớn mới phải “lao tâm khổ tứ”, song, chứng kiến nhiều tác động đến thị trường bất động sản thời gian qua, tâm lý của nhiều nhà đầu tư “tay to”, có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm cũng chao đảo.
Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội đã có 8 năm kinh nghiệm trên thị trường bất động sản cho biết, anh đang nắm trong tay 12 mảnh đất, nếu tính theo giá trị hiện nay khoảng hơn 30 tỷ đồng.
“Tham gia thị trường từ những năm 2014, nhiều lần chiến thắng và tôi thu về số tiền lãi khá lớn, nhưng cũng có đôi lần thất bại trên thị trường. Phần lớn tài sản của tôi đều dành mua bất động sản. Những mảnh đất đang nắm giữ được tôi mua ở những thời điểm khác nhau, có những mảnh đã mua lâu nhưng có những mảnh chỉ mới mua từ đầu năm nay. Hầu hết được tôi mua bằng tiền của mình, nếu vay cũng rất chủ động trong khả năng chi trả”, anh Tuấn nói.
Thời gian gần đây, nhiều tác động vào thị trường như những sai phạm trong phát hành trái phiếu, thắt chặt tín dụng, lãi suất tăng,... khiến bất động sản nhanh chóng rơi vào trầm lắng.
“Những tác động đều liên quan tới dòng tiền chảy vào bất động sản. Mà dòng tiền rất quan trọng đối với thị trường, phải có dòng tiền mới có giao dịch. Nếu tình trạng nhiều người bán ít người mua giá chắc chắn sẽ giảm. Những mảnh đất tôi đang nắm giữ cũng không thoát khỏi vòng xoáy giảm giá”, nhà đầu tư này nhận định.
Theo anh Tuấn, thị trường hiện nay đang rất khó dự đoán, trong khi đó, chu kỳ bất động sản rất dài, khiến tâm lý của anh sợ thị trường vào giai đoạn đi xuống. Những mảnh đất của anh cũng sẽ khó thanh khoản và xuống giá. “Nhiều người nói mua bằng tiền thật không sợ, vì đất chỉ lên. Nhưng có những mảnh đất đầu tư đã lâu, nếu xuống giá thì coi như thời gian trước đó bỏ đi. Bên cạnh đó, trong giai đoạn thị trường đi xuống, tôi không có dòng tiền lớn để đầu tư các mảng khác”, nhà đầu tư này chia sẻ.
Tương tự, anh Trần Quang Vinh, nhà đầu tư tại Hà Nội đã có 5 năm kinh nghiệm tham gia thị trường cho biết, hiện anh đang nắm giữ 6 mảnh đất, tổng giá trị khoảng 16 tỷ đồng. Do đó, khi thị trường vào giai đoạn chững cũng khiến tâm lý nhà đầu tư này chao đảo.
“Dù mua bằng tiền thật hết nhưng nếu thị trường sụt giảm trong thời gian dài, nếu cắt lỗ thì có thể bán được nhưng thiệt hại rất nhiều. Nhưng nếu tiếp tục chờ đợi thị trường thì có khả năng chôn vốn nhiều năm là rất cao. Trong giai đoạn chờ thị trường hồi phục nếu có các hoạt động kinh doanh cần vốn gần như sẽ khó xoay sở”, nhà đầu tư này chia sẻ.
Theo anh Vũ Thanh Tùng, Giám đốc một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, trong giai đoạn thị trường đi xuống không chỉ những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy gặp khó khăn, ngay cả những nhà đầu tư dù có tiềm lực cũng “đứng ngồi không yên”.
“Thời gian qua, nhiều tác động ảnh hưởng tới thị trường bất động sản nên việc các nhà đầu tư có tâm lý chao đảo cũng là điều dễ hiểu. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở những nhà đầu tư nhỏ lẻ mà ngay cả những nhà đầu tư “tay to”. Nếu thị trường đi xuống, kéo dài thì những nhà đầu tư ôm nhiều đất sẽ bị chôn vốn rất nhiều, không có vốn để làm ăn ở những lĩnh vực khác”, anh Tùng nói.
Anh Tùng cho rằng, nếu những người đang ôm nhiều đất có thể giảm lãi ở một số mảnh đất đầu tư từ lâu để bán được, có vốn đầu tư lĩnh vực khác trong thời gian thị trường đang thanh lọc.
Nhịp sống thị trường