Tâm sự của nhà đầu tư Đức khi tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam
Khi rong ruổi cùng ông trên mọi nẻo đường từ khu vực tam giác kinh tế phía Bắc quanh vùng Thủ đô đến trọng điểm kinh tế miền Trung, tôi được ông tâm sự thật lòng như những người bạn tin cậy để "vỡ“ ra nhiều điều trước đây tôi còn mơ hồ. Hóa ra những điều đó lại là những điều… nhỏ nhưng không hề nhỏ.
Bấy lâu, tôi cứ trăn trở mãi với câu hỏi vì sao tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Đức rất to lớn nhưng Đức luôn giữ vị trí "khiêm tốn“ trong danh sách các nhà đầu tư trực tiếp ở Việt Nam. Các nhà lãnh đạo hai nước đều khẳng định quyết tâm đưa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương lên ngang tầm quan hệ chính trị tốt đẹp cũng như với tiềm năng mỗi nước. Nhưng điều này cũng không hề đơn giản chút nào.
Thử tìm hiểu từ những vấn đề "vĩ mô“ như cơ chế, chính sách kêu gọi và ưu đãi đầu tư của ta đến tập quán của nhà đầu tư Đức ở những nơi họ khá thành công trong suốt nhiều thập kỷ qua ở châu Âu hay châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc hay từ truyền thống, văn hóa của người Đức nói chung v.v. Nguyên nhân nào cũng thấy có lý cả, nhưng chưa định hình rõ ràng. Vừa qua, tôi đi cùng một nhà công nghiệp khá thành công trên lĩnh vực sản xuất đồ chơi thuộc Hiệp hội sản xuất đồ chơi Đức (DVSI), ông Arthur Ruland, người đã có 40 năm làm việc trên lĩnh vực này và có đến 30 năm thành công ở Trung Quốc.
Đoàn doanh nghiệp Đức tham quan KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh)
Ông Ruland sang Việt Nam theo sự ủy quyền của DVSI để tìm địa điểm đầu tư mới cho 8.500 doanh nghiệp Đức đang sản xuất ở Trung Quốc nay muốn chuyển dần sản xuất sang nước khác trong khu vực. Ông đã đến Việt Nam 7 lần trong vòng hơn năm qua và lần thứ 8 này ông muốn vào các tỉnh phía Bắc theo gợi ý của tôi, trước khi quyết định đầu tư. Trong ba ngày ở Việt Nam lần này, chúng tôi đưa ông đi thăm bốn tỉnh phía Bắc, thăm hàng chục khu công nghiệp khác nhau, trao đổi với lãnh đạo địa phương, với doanh nghiệp. Điều quan trọng là cũng trong dịp này khi rong ruổi cùng ông trên mọi nẻo đường từ khu vực tam giác kinh tế phía Bắc quanh vùng Thủ đô đến trọng điểm kinh tế miền Trung, tôi được ông tâm sự thật lòng như những người bạn tin cậy để "vỡ“ ra nhiều điều trước đây tôi còn mơ hồ. Hóa ra những điều đó lại là những điều… nhỏ nhưng không hề nhỏ.
Dĩ nhiên đối với nhà đầu tư đi tìm địa điểm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ông chú ý nhiều đến những yếu tố kỹ thuật của nhà xưởng như vị trí, đường giao thông thuận lợi cho xe container, lối ra vào tối ưu để vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa xuất khẩu, phòng cháy chữa cháy... Nhưng đến đâu ông cũng hỏi những nhân công sẽ làm cho ông họ ăn ở ra sao, con cái họ đi học thế nào, việc mua bán nhu yếu phẩm hàng ngày của gia đình họ có thuận lợi không? Ông nói lợi nhuận ai cũng thích cả, nhưng ông muốn chia sẻ với những người cùng ông làm ra lợi nhuận đó; nếu không có họ, ông không thể thành công. Nghe ông nói, tôi chợt nhớ đến doanh nghiệp gia đình cùng ngành sản xuất đồ chơi ở Nürnberg. Công ty NOCH đã có nhà máy sản xuất ở Việt Nam với vài trăm nhân công. Giám đốc trẻ Dr. Noch nói: ông đặc biệt tin tưởng công nhân của ông, họ cũng gắn bó với Nhà máy như người trong gia đình. Mỗi năm đôi lần ông chỉ sang Việt Nam với một nhiệm vụ là tặng quà cho công nhân và cùng họ đón Tết cổ truyền của Việt Nam. Có lẽ đó là lý do mà vì sao doanh nghiệp gia đình ở Đức thường có truyền thống hàng trăm năm phát triển.
Phần lớn các khu công nghiệp của ta được xây dựng khá quy mô nhưng thường xa khu dân cư và có vẻ như ít quan tâm đến nơi ăn ở của người lao động. Đây là điều trăn trở của ông Ruland trong suốt hành trình.
Tính thận trọng của người Đức chắc ai cũng đã nghe qua. Đối với đồng tiền của cá nhân nhà đầu tư bỏ ra họ lại càng cực kỳ thận trọng. Ông Ruland đã đi thăm hơn ba mươi khu công nghiệp ở cả hai miền nhưng chưa có quyết định cuối cùng. Với ông thì chỉ khi nào bảo đảm 100% các yêu cầu thì ông mới quyết định, chứ nếu chỉ 99,9% thì cũng chưa đủ. Thực tế ba mươi năm đầu tư ở Trung Quốc, Tuynidi, Nam Tư cũ cho ông kinh nghiệm là nhiều khi 0,01% cũng có thể làm hỏng việc lớn. Đó cũng chính là bí quyết thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức. Họ thận trọng đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Tham quan khu vực sông Hồng, Hà Nội
Ông để ý đến từng người đối thoại hay tiếp chuyện ông. Đến tỉnh nào chúng tôi cũng được lãnh đạo địa phương và đại diện các sở, ban ngành tiếp để nghe giới thiệu về tiềm năng cũng như những chính sách khuyến khích, ưu đãi của địa phương dành cho nhà đầu tư. Nhưng điều ông để ý không phải những điều đó vì theo ông, Việt Nam có chính sách chung và quy định pháp luật cụ thể nên cứ thế mà tuân thủ. Điều quan tâm nhất của ông là lãnh đạo và chính quyền địa phương có thật sự mong muốn ông cũng như doanh nghiệp Đức đâu tư tại đó hay không. Tại một tỉnh nọ, sau buổi tiếp của lãnh đạo tỉnh, ông nói riêng với tôi với tâm trạng rất băn khoăn: "Tôi có nói gì sai không?". Tôi hỏi sao ông nghĩ vậy thì ông cho biết: "Ban nãy, khi tôi đang trình bày dự kiến của mình thì thấy vị lãnh đạo này rút điện thoại di động ra bấm bấm miết miết. Tôi nghĩ ông chắc ông ấy phản ứng với ý kiến của tôi chăng?". Không chỉ ở tỉnh nọ, tình trạng này có thể gặp ở nhiều nơi và nhiều cấp khác nhau khiến ông có suy nghĩ họ không quan tâm đến những điều ông trình bày.
Còn tại một nơi khác, khi nghe ông trình bày mong muốn của doanh nghiệp ông cũng như nhiều doanh nghiệp khác thuộc DVSI, vị lãnh đạo địa phương hứa ngay không một chút lưỡng lự: "Ông cần bao nhiêu đất chúng tôi cũng cấp ngay, thủ tục đầu tư chỉ trong vòng một hai ngày, tỉnh chúng tôi cái gì cũng nhất cả nước" (?). Ra ngoài bữa tiệc, ông Ruland nói thầm với tôi là ông rất có thiện cảm với lãnh đạo tỉnh này vì quá thân thiện, gần gũi và cởi mở. Tôi hỏi: "Vậy ông quyết định đầu tư vào tỉnh này chứ?" thì ông trả lời: "Còn phải suy nghĩ vì điều gì hứa nhanh quá thì cũng sẽ khó thực hiện. Ông lãnh đạo chưa nghe hết ý định của tôi mà đã hứa cấp gấp mười lần yêu cầu của tôi thì có tin được không?".
Cuối chuyến đi, sau cuộc gặp lãnh đạo một tỉnh mà ông gọi đùa là "privat audience", ông Ruland nói với tôi là có ấn tượng rất tốt với giàn lãnh đạo trẻ ở đây. "Họ thực lòng muốn chúng tôi đến với họ và muốn làm cái gì đó cho quê hương mình. Hồ sơ họ chuẩn bị khá đầy đủ nhưng quan trọng nhất là - ông Ruland hạ giọng - tôi nói rất riêng với ông, vị lãnh đạo này là người duy nhất trong số lãnh đạo bốn tỉnh mà chúng ta đã gặp mấy ngày qua, khi nói nhìn thẳng vào mắt tôi. Điều đó chứng tỏ họ rất thẳng thắn và nghiêm túc với những điều họ nói. Tôi muốn đầu tư ở những nơi như vậy vì thấy có thể tin tưởng được".
Lãnh đạo Hà Tĩnh tiếp nhà đầu tư Đức
Một nhà công nghiệp Đức gần bảy mươi tuổi với bốn mươi năm lăn lộn thương trường và ba mươi năm thành công ở xứ sở xa lạ là Trung Quốc, chắc có "giác quan thứ sáu" để đưa ra những quyết định đúng từ những cảm nhận tưởng rất đời thường nhưng ít người Việt chúng ta chú ý.
Báo Hà Tĩnh