MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tận dụng cơ hội 'dân số vàng' để phát triển kinh tế

Với quy mô dân số vượt mốc 100 triệu dân sẽ là nguồn lực vững vàng cho thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội sắp tới. Không chỉ thế, cơ cấu dân số của chúng ta đang ở trong thời kỳ lợi thế với gần 70% dân số trong độ tuổi lao động. Đây là nền tảng, cơ hội cho Việt Nam tận dụng để tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội

Tận dụng cơ hội 'dân số vàng' để phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Lớp điện tử công nghiệp K13 tại Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Để hiểu rõ hơn những cơ hội cũng như những thách thức trong thời kỳ "dân số vàng", phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

Thưa ông, Việt Nam đã bước vào thời kỳ "dân số vàng". Vậy, xin ông đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có thay đổi như thế nào?

Năm 2007, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng, tận dụng lợi thế của thời kỳ này, nhiều chính sách đã được ban hành để phát triển kinh tế. Đặc biệt là các chính sách về phát triển nguồn nhân lực và gia tăng đóng góp của lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, trung bình giai đoạn 2011 - 2018 đạt 6,21%/năm. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng GDP đạt 6,78%, cao hơn 0,87 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân 5,91%/năm của giai đoạn 2011 - 2015.

Riêng năm 2020, tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 - 2020 nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng GDP đạt 5,99%/năm, không đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra (6,5 - 7%/năm). Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất so với các nước trong khu vực ASEAN.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm 2021 đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2021 do nền kinh tế dần được khôi phục trở lại. Kết quả tăng trưởng đã thể hiện tính hiệu quả trong các chính sách điều hành, quản lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nhằm đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Lợi thế từ cơ cấu "cơ cấu dân số vàng", không giống với nhiều quốc gia phát triển hiện đang phải trải qua tình trạng dân số giảm, "lão hóa" lực lượng lao động và gia tăng tỷ lệ người già, người nghỉ hưu. Việt Nam hiện nay đang có "cơ cấu dân số vàng", duy trì được mức sinh tiệm cận mức sinh thay thế, điều này giúp tái cân bằng dân số và "trẻ hóa" lực lượng lao động.

Tuy vậy, nước ta vẫn đang nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Một trong những lý do là nền kinh tế mặc dù đã tận dụng được nguồn lao động dồi dào nhưng lại chủ yếu dựa vào khai thác lao động giá rẻ và giản đơn.

Vào thời điểm tháng 4/2023, Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu dân, vậy đâu là cơ hội cho Việt Nam cất cánh, thưa ông?

Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với quy mô dân số đã vượt mốc 100 triệu người, mở ra cơ hội lớn cho phát triển đất nước.

Đặc biệt, quy mô dân số vượt mốc 100 triệu người là nguồn lực vững vàng cho thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội sắp tới, là cơ hội phát triển đất nước nhanh, bền vững. Không chỉ thế, cơ cấu dân số của chúng ta đang ở trong thời kỳ lợi thế với gần 70% dân số trong độ tuổi lao động. Đây là nền tảng, cơ hội cho Việt Nam tận dụng để tăng trưởng và phát triển.

Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì việc Việt Nam đạt quy mô dân số 100 triệu người được coi là một dấu mốc đáng tự hào giúp nâng cao vị thế của Việt Nam đối với bạn bè và đối tác quốc tế.

Với quy mô dân số 100 triệu người cộng với các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, một môi trường chính trị ổn định, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia đầy ấn tượng trong con mắt bạn bè quốc tế.

Xin ông chỉ rõ những thách thức khi Việt Nam đón nhận cơ hội "dân số vàng" trong thời gian tới?

Theo tôi, những thách thức đầu tiên; đó là: mức sinh thay thế có xu hướng giảm: Cơ hội từ 100 triệu dân là rất lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Dù chúng ta duy trì được mức sinh thay thế nhưng đang có sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền; trong đó, hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế.

Bên cạnh đó, thách thức về già hóa dân số làm giảm nguồn lực lao động và tăng gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội: Điều đáng lưu ý Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019, năm 2022 có số này khoảng 13,0% và dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Dự báo đến năm 2039, Việt Nam kết thúc thời kỳ dân số vàng và chính thức chuyển sang giai đoạn "dân số già".

Bên cạnh tác động làm suy giảm nguồn cung lao động, quá trình già hóa dân số cũng đang đặt ra; đồng thời, những thách thức to lớn về phát triển và cơ cấu lại hệ thống an sinh xã hội để thích ứng với cơ cấu dân số già từ sau năm 2040…

Không những thế; nguồn lực lao động chưa qua đào tạo còn lớn; trong số 51,7 triệu người lao động trên cả nước năm 2022 có tới 73,6% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (tương đương với khoảng 38,1 triệu lao động) và chỉ có 26,4% lao động có chuyên môn kỹ thuật; trong đó, có 7,1% người có trình độ sơ cấp; 3,7% người có trình độ trung cấp; 3,7% người có trình độ cao đẳng và 11,9% người có trình độ từ đại học trở lên).

Tính chung trên phạm vi cả nước, Việt Nam hiện đang có khoảng 38,1 triệu người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đây là con số lớn, chiếm đa số và trở thành một thách thức cho quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam.

Vậy, thưa ông, Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội cơ cấu "dân số vàng" này?

Theo tôi, tận dụng cơ cấu "dân số vàng" đòi hỏi có những chính sách phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tăng năng suất lao động, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ, bảo đảm an sinh xã hội cho người già và người dễ bị tổn thương, bảo đảm bình đẳng giới.

Ngoài các vấn đề về nâng cao trình độ kỹ năng của người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, thì việc giảm bớt áp lực về thiếu việc làm là một mối quan tâm lớn của chính quyền các cấp.

Cùng với đó, việc chuyển đổi kịp thời mục tiêu của chính sách dân số từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển là hết sức cần thiết, có thể làm chậm lại quá trình giảm sinh, dẫn tới làm chậm lại quá trình già hóa dân số, từ đó quốc gia có thêm quỹ thời gian và nguồn lực giải quyết những vấn đề đang đặt ra.

Thời kỳ cơ cấu dân số vàng là cơ hội hiếm hoi để các quốc gia cất cánh về kinh tế. Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 -50 năm. Đối với nước ta, xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam chỉ kéo dài trong khoảng 30 năm.

Vì vậy, Việt Nam cần chớp lấy thời cơ dân số vàng để phát triển vì cơ hội này sẽ không quay trở lại, nếu có phải ít nhất 100 - 200 năm sau.

Hiện nay, trật tự và hoạt động kinh tế thế giới đang thay đổi mạnh mẽ; gia tăng quá trình toàn cầu hoá dịch vụ; chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt, ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử minh bạch là các yếu tố không thể tách rời với xu hướng phát triển bền vững. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, để hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu và tận dụng thành công cơ hội của cơ cấu dân số vàng đòi hỏi lực lượng lao động phải "thực sự vàng" về tri thức và kỹ năng, tay nghề.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ, thống nhất nhằm tạo dựng và nâng cao hiệu quả vận hành thị trường lao động linh hoạt, hội nhập và bền vững đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Cùng đó là chủ động đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc; đồng thời thực hiện phương châm học suốt đời, học linh hoạt nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động.

Đặc biệt, Chính phủ cần đổi mới hơn nữa công tác quản lý, sử dụng đánh giá và đào tạo lại đội ngũ nhân lực; đồng thời, đổi mới căn bản và toàn diện chính sách tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và đề bạt đội ngũ nhân lực trong bộ máy nhà nước.

Trân trọng cám ơn ông!

Theo Thúy Hiền

Báo tin tức

Trở lên trên