Vị tỷ phú 'bad boy' hái ra tiền nhờ dầu Nga, tận dụng thị trường mà ai cũng sợ không dám bước vào
George Economou và một số tỷ phú Hy Lạp khác đang thắng lớn khi các đối thủ chùn bước trước các lệnh cấm vận liên quan đến Ukraine.
- 05-05-2023Bí ẩn một công ty châu Á khơi thông hàng triệu thùng dầu Nga, thần tốc sở hữu đội tàu lớn hàng đầu thế giới sau hơn 1 năm
- 28-04-2023Bất chấp những lời 'chê bai', dầu Nga vẫn ồ ạt chảy đi khắp châu Âu nhờ một quốc gia châu Á
- 25-04-2023"Chạy trời không khỏi nắng": Dầu Nga chảy khắp thế giới, châu Âu vừa cấm vừa mua đầy trớ trêu
Hầu hết các công ty vận tải phương Tây đã ngừng vận chuyển dầu Nga sau khi Mỹ và các nước đồng minh cấm vận mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Nga. Tuy nhiên, tại Hy Lạp, quê nhà của một trong những đội tàu lớn nhất thế giới, những ông chủ của tàu chở dầu lại đang hào hứng tăng công suất.
Đứng đầu làn sóng này là George Economou, ông trùm vận tải 70 tuổi có sở thích sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của Francis Bacon, siêu du thuyền và những cuộc phiêu lưu mà một số đối thủ còn không dám thử.
Economou đang có 1 cỗ máy in tiền mới: cung cấp dịch vụ phục vụ lợi ích kinh tế của cả Nga và Mỹ, thị trường mà nhiều đối thủ cảm thấy quá nguy hiểm.
TMS Tanker, 1 công ty trong mạng lưới của Economou, đã vận chuyển hàng chục triệu thùng dầu thô và xăng của Nga kể từ khi Moscow đưa quân tới Ukraine, theo các dữ liệu của Global Witness. Điều này khiến TMS trở thành “người chơi” lớn thứ hai trong hoạt động vận chuyển dầu Nga, chỉ đứng sau tập đoàn nhà nước Sovcomflot của Nga.
Từ ngày 24/2/2022 đến cuối tháng 2 năm nay, những tàu chở dầu cỡ lớn có liên quan đến ông Economou đã thực hiện hơn 200 chuyến đi xuất phát từ các cảng của Nga. Theo các công ty môi giới tàu, những con tàu này sẽ mang lại lợi nhuận rất cao. Trung bình 1 chuyến đi khứ hồi kéo dài 60 ngày từ biển Baltic đến Ấn Độ (hiện là tuyến sôi động nhất) sẽ mang về lợi nhuận ròng 4-5 triệu USD.
Đây cũng là tuyến vận tải đang làm giàu cho ngân sách Nga, giữ cho giá dầu thế giới ổn định và là cỗ máy in tiền cho một trong những ngành công nghiệp hùng mạnh nhất của Hy Lạp. Nhưng điều này cũng khiến Economou bị phía Ukraine chỉ trích.
Vấn đề đối với Kyiv là có vẻ Mỹ vẫn không muốn dòng chảy dầu Nga bị gián đoạn để giữ cho giá dầu thế giới ổn định. Trong lệnh cấm vận của Washington vẫn có những lỗ hổng khi dầu Nga có thể được vận chuyển bằng các tàu chở dầu của phương Tây miễn là chúng không mang về dòng tiền cho điện Kremlin. Các chủ tàu – những người cho các trader thuê tàu thay vì tự mua bán dầu – sẽ phải giữ lại các giấy tờ từ khách hàng để chứng minh giá của những thùng dầu mà họ vận chuyển không vượt quá mức trần các nước G7 đã đề ra.
Các chủ tàu Mỹ và Bắc Âu né tránh vận chuyển dầu Nga vì lo sợ bị trừng phạt cũng như tổn hại danh tiếng. Tuy nhiên, các công ty Hy Lạp – phần lớn là tư nhân, không bị các cổ đông chất vấn – lại không phải đối mặt với những vấn đề này.
Thực ra thì Economou, người gần đây sinh sống ở cả Hy Lạp và New York, chỉ tiếp nối truyền thống của ngành vận tải biển Thụy Sĩ. Những “anh hùng thời hiện đại” như Aristotle Onassis và Stavros Niarchos đã kiếm được rất nhiều tiền nhờ thích nghi tốt với những cuộc khủng hoảng địa chính trị ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ trong thế kỷ 20.
Xung đột giữa Nga và Ukraine đặt Hy Lạp – quốc gia có lịch sử hàng trăm năm gắn bó với cả 2 bên – vào vị thế khó xử. Bất kỳ giới hạn nào đối với dòng chảy năng lượng của Nga cũng đe dọa ngành vận tải vốn có tầm ảnh hưởng lớn về mặt chính trị ở Hy Lạp.
Trước xung đột, Nga phụ thuộc vào các tàu chở dầu phương Tây để vận chuyển mặt hàng có giá trị nhất của mình đi khắp thế giới. Vì hiện nay áp dụng chính sách giá trần, phần lớn dầu được vận chuyển bằng tàu Nga hoặc đội “tàu ma” chuyên vận chuyển dầu bị cấm vận – những con tàu cũ hơn được vận hành bởi các công ty ở Dubai và thường không có bảo hiểm. Thổ Nhĩ Kỳ cũng chuyên chở một phần nhỏ.
Các con tàu của Hy Lạp xử lý hầu hết phần còn lại, với mức phí cao hơn. Đối với tàu chở dầu Nga, các trader thường trả cao hơn ít nhất 30% so với những loại dầu thông thường.
Chiêu trò ở phố Wall
Trong ngành đóng tàu giàu truyền thống của Hy Lạp, Economou là 1 tân binh. Là con trai của chủ xưởng sản xuất giấy ở Athens nhưng ông học ngành đóng tàu và kiến trúc tàu thuyền tại MIT. Sau khi tốt nghiệp, ông làm kỹ sư cho 1 công ty tàu biển ở Hy Lạp. Năm 1986, ông mua chiếc tàu đầu tiên của mình.
Tới những năm 1990, ông tiếp cận phố Wall để tìm kiếm nguồn vốn trên cương vị 1 gương mặt hoàn toàn mới của ngành vận tải biển Hy Lạp. Alpha Shipping của Economou là một trong những công ty vận tải biển đầu tiên phát hành trái phiếu rác (junk bonds), huy động được 175 triệu USD trong năm 1998.
Nhưng 1 năm sau đó Alpha vỡ nợ. Theo tờ báo chuyên ngành TradeWinds, các trái chủ chỉ nhận được 37 cent trên mỗi USD trong khi Economou thu về 30 triệu USD bằng cách mua những con tàu của Alpha với giá rẻ mạt. Thương vụ này khiến ông có biệt danh là “bad boy” của ngành vận tải biển.
Đó cũng là khởi đầu không suôn sẻ cho mối quan hệ giữa Economou và phố Wall xấu đi. Năm 2005, ông đưa cổ phiếu của DryShips lên sàn Nasdaq. Ông là CEO của DryShips và cũng sở hữu 1 lượng lớn cổ phần. Ban đầu cổ phiếu thăng hoa do kinh tế Trung Quốc bùng nổ giúp các cổ phiếu vận tải biển và hàng hóa tăng giá rất tốt. Economou nhờ đó cũng trở thành tỷ phú.
Năm 2016 cổ phiếu DryShip là tâm điểm chú ý của thị trường. Công ty tận dụng cơn sốt này để phát hành thêm một lượng lớn cổ phiếu. Tuy nhiên, 1 công ty bí ẩn đến từ Quần đảo Virgin thuộc Anh đã mua chúng ở mức giá rẻ rồi sau đó lại bán tháo. Giao dịch này làm giàu cho Economou và công ty đó nhưng các cổ đông khác lại thiệt hại lớn.
Họ đâm đơn kiện Economou và DryShips lên Ủy ban chứng khoán Mỹ. Mặc dù Economou không bị buộc tội, năm 2019 ông biến DryShips thành công ty tư nhân.
Khi xung đột ở Ukraine nổ ra đầu năm ngoái, dòng chảy dầu, khí đốt, than đá và ngũ cốc đã bị gián đoạn nghiêm trọng. Giá thuê tàu tăng vọt và đó là cơ hội để làm giàu dù rủi ro pháp lý cũng rất lớn. Economou luôn thận trọng để không phạm luật.
Lukoil, tập đoàn dầu mỏ lớn thứ 2 ở Nga (sau Rosneft) là 1 khách hàng lớn của TMS. Lukoil đã thuê hơn một nửa số tàu chở dầu của TMS rời các cảng của Nga trong 2 tháng đầu năm. Đích đến của những con tàu này là Ấn Độ, Malaysia, Saudi Arabia và 1 công ty lọc dầu tại Bulgari thuộc sở hữu của Lukoil.
Tham khảo Wall Street Journal
Nhịp sống thị trường