Tận dụng tối đa các FTA để tăng trưởng thông qua thương mại điện tử
Tính tới đầu năm nay đã có 14 Hiệp định thương mại (FTA) có hiệu lực, cho phép Việt Nam kết nối với 52 đối tác, trong đó có những đối tác thương mại hàng đầu.
- 22-03-2021FTA thế hệ mới: Dấu mốc quan trọng trên con đường hội nhập
- 13-02-2021Những "đại lộ" thương mại FTA: Doanh nghiệp không thể đi một mình
- 03-01-2021FTA đòi hỏi tư duy mới
Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm nay của Việt Nam ước tính xuất siêu 2,03 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm đạt 77,34 tỉ USD. Tốc độ xuất khẩu vượt qua các nền kinh tế lớn ở châu Á như Singapore, châu Âu, Hàn Quốc, Thái Lan... Các số liệu ấn tượng về tăng trưởng xuất khẩu cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới.
Tính tới đầu năm nay đã có 14 Hiệp định thương mại (FTA) có hiệu lực, cho phép Việt Nam kết nối với 52 đối tác, trong đó có những đối tác thương mại hàng đầu. Các Hiệp định sẽ là cơ hội để khai thác những cơ hội và biến nó thành những động năng phát triển mới cho đất nước và cho nền kinh tế. Cụ thể đó là cơ hội mở cửa cạnh tranh cho nhiều ngành dịch vụ, thu hút đầu tư, hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững…
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh các lĩnh vực phi truyền thống trong đó có thương mại điện tử là giải pháp hiệu quả để khắc phục sự gián đoạn cung cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Ứng dụng nền tảng thương mại điện tử với việc tận dụng cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận các thị trường một cách hiệu quả.
Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Công nghệ của công ty TNHH Kim Nam TECH cho rằng: "Tất cả mọi người đều thấy khi ký hiệu định EVFTA chúng ta đều thấy các lợi thế liên quan đến nông nghiệp, liên quan đến nông nghiệp, thủy sản, giày dép… và 1 số dịch vụ khác, thì đối với hệ thống sàn thương mại điện tử cho chúng ta tổng hợp tất cả những thế mạnh của Việt Nam để xuất khẩu sang châu Âu. Đồng thời, chúng ta cũng có những lợi thế để nhập các hệ thống công nghệ cao đứng bậc nhất thế giới về Việt Nam để nâng cao trình độ sản xuất tại Việt Nam".
Để phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử trong thời gian tới, cũng như tận dụng hiệu quả của các FTA thông qua hình thức này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, nguồn dữ liệu tham khảo, thẩm định đáng tin cậy cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đối tác thương mại quốc tế. Điều này nhằm tạo dựng niềm tin của các đối tác thương mại quốc tế đối với các sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu Việt, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế, yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp là cần minh bạch và số hóa các hoạt động của mình. Cùng với đó, cần xây dựng chính sách bán hàng đầy đủ, chi tiết và cụ thể, tìm hiểu và nắm bắt luật chơi trên các sàn thương mại điện tử liên quan tới giao vận, thanh toán rồi các hình thức về đảm bảo chất lượng, truy suất hàng hóa, hiểu được các cái tập quán thương mại quốc tế, để hạn chế những rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ thiệt hại về kinh tế.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và Kinh doanh Kinh Tế số Việt Nam nêu ý kiến: "Các doanh nghiệp phải nhìn xa hơn một chút, chúng ta có 10 đồng đầu từ thì cần 2 đồng để đầu tư cho dài hạn. Minh bạch, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, gắn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là minh bạch tài chính, minh bạch nhân sự- đây là những yếu tố quan trọng, sau liên đó kết chuỗi với các sàn thương mại điện tử để phát huy tác dụng".
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt quy mô hơn 11 tỉ USD. Các tập đoàn lớn của thế giới như Google, Temasek và Bain&Company dự báo, với tốc độ tăng trưởng 29% trong cả giai đoạn 2020-2025, quy mô của nền kinh tế số Việt Nam có thể vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025./.
VOV