MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tân sinh viên sát ngày nhập học vẫn chưa có chỗ trọ, ở nhờ người quen chờ giá phòng hạ nhiệt

15-09-2023 - 11:58 AM | Sống

Với tình trạng cung ít cầu nhiều, tân sinh viên khó tìm nhà trọ. Hiện tại, nhiều sinh viên chật vật, lo lắng vì sắp đến ngày nhập học vẫn chưa tìm được phòng trọ.

Sát ngày nhập học vẫn chưa biết ở đâu

Khoảng thời gian từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 nhiều trường đại học đã bắt đầu công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học. Hầu hết tân sinh viên đều đợi có kết quả chính xác mới bắt đầu đi tìm phòng trọ để có thể được ở gần trường mình học.

Hiện nhiều khu nhà trọ quanh các trường đại học lớn đang "cháy" phòng khiến nhiều sinh viên rơi vào cảnh không có chỗ ở, thậm chí ký túc xá cũng hết suất.

Hoàng Mai Quỳnh (tân sinh viên Đại học Thương mại) cho biết đã nhờ anh chị tìm phòng cho từ lúc mới nhận kết quả nhưng đến nay vẫn chưa tìm được phòng phù hợp: "Ngay khi nhận được kết quả trúng tuyển vào Trường ĐH Thương mại em đã gọi điện nhờ anh chị đang làm ngoài Hà Nội tìm phòng giúp nhưng đến nay vẫn chưa tìm được phòng phù hợp. Những phòng vừa tầm giá thì không còn, những phòng còn giá lại quá cao so với khả năng chi trả của em. Trường em mùng 10 đã bắt đầu đi học rồi nhưng cho đến hôm nay em vẫn chưa tìm được nơi để ở."

Trước đó Hoàng Mai được anh chị giới thiệu cho một phòng chung cư mini rộng khoảng 30m2 với giá 6,2 triệu chưa tính phí dịch vụ, nếu tính phí dịch vụ sẽ rơi vào tầm khoảng 7 triệu. Đây là giá quá cao so với mức chi trả của một gia đình làm nông ở quê.

Tân sinh viên sát ngày nhập học vẫn chưa có chỗ trọ, ở nhờ người quen chờ giá phòng hạ nhiệt - Ảnh 1.

Phòng chung cư mini được cho thuê với giá 5,7 triệu chưa bao gồm phí dịch vụ

Cũng giống như Hoàng Mai, Thúy Hạnh ( tân sinh viên Đại học Sư phạm) cũng hối hả tìm phòng trọ cả tuần nay nhưng vẫn chưa tìm được: "Hiện tại hầu như các chung cư mini, phòng cho thuê đều có giá rất cao, khoảng từ 4,5 triệu đến 7,5 triệu. Diện tích các phòng cho thuê vào khoảng 20m2 đến 35m2. Bản thân mình thấy giá này phù hợp với người đi làm hơn là cho sinh viên thuê."

Theo khảo sát của PV, một số khu vực trọ ở gần các trường đại học như Xuân Thủy (Cầu Giấy), Chùa Láng, Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Hồ Tùng Mậu,... hầu như các nhà trọ cho thuê đều đã kín phòng, thời điểm này để tìm được một phòng còn trống là điều hết sức nan giải. Những căn còn sót lại đa phần đều là những căn có giá thuê cao. Chung cư mini cho thuê ở các khu vực này giá cũng khá cao, từ 5 triệu đến 7,5 triệu đồng/tháng tùy lớn nhỏ.

Anh Xuân Triều - phụ trách một phòng môi giới bất động sản ở Mỹ Đình cho biết: "Giá thuê chung cư mini năm nay tăng cao hơn so với mọi năm. Giá chênh lệch khoảng từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/căn so với năm trước, giá dịch vụ kèm theo cũng nhỉnh hơn."

Lý giải về việc nhiều sinh viên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm được phòng trọ, anh Xuân Triều cho biết: "Năm nay, phòng trọ khan hiếm trong khi nhiều bạn tân sinh viên thuê trọ lại muốn tìm những phòng rẻ nhưng phải đẹp, đầy đủ tiện nghi và nhiều yêu cầu kèm theo khác. Chính vì thế mà lưỡng lự trong việc chốt phòng. Nhiều bạn hồi tháng 8 tôi đã từng dẫn đi xem phòng nhưng không ưng bây giờ quay lại hỏi phòng đó thì đã có người thuê nên đành chấp nhận thuê một phòng tương tự nhưng với mức giá cao hơn lần trước."

Ngậm ngùi ở tạm nhà người quen

Tìm phòng không được, nhiều tân sinh viên có người quen, họ hàng ở Hà Nội đành phải tìm đến để ở nhờ, chờ "cơn sốt" giá phòng giảm nhiệt rồi đi tìm phòng tiếp.

Hoài Minh (tân sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội) và bạn sau khi nhận kết quả trúng tuyển đại học đã rủ nhau tìm phòng ở chung nhưng đến nay việc ở chung của đôi bạn trẻ vẫn chỉ ở trong dự định vì không tìm được phòng. Hoài Minh nhập học từ 6/9 nên đã tìm đến nhà họ hàng để ở trước khi tìm được phòng phù hợp. Minh chia sẻ: "Hiện nay em đang ở nhờ nhà bác bên Xa La - Hà Đông cách trường hơn 12km. Đi xe bus đến trường mất gần 1 tiếng nên em phải dậy chuẩn bị từ rất sớm mới kịp giờ vào học. Em cảm thấy việc đi lại như vậy rất bất tiện nhưng cũng đành chịu thôi vì biết tìm phòng ở đâu bây giờ."

Không có người nhà ở Hà Nội, Trúc Linh đành phải ở nhờ nhà người quen (cùng xóm ở quê). Phòng Trúc Linh ở có giá 3,5 triệu đồng/tháng rộng khoảng 15m2, vệ sinh khép kín. Với diện tích đó, phòng chỉ kê được mỗi cái đệm để nằm, một bộ bếp gas để nấu nướng ngay cạnh chỗ nằm và một tủ quần áo vải. Trúc Linh chia sẻ: "Ở quê rộng rãi thoải mái nên khi đến phòng này em thực sự cảm thấy sốc. Phòng chỉ to không bằng phòng ngủ của em ở nhà mà lại có đến tận 3 người ở giờ thêm em nữa là 4. Ấn tượng ban đầu của em là cảm thấy rất chật chội nhưng giá lại không hề rẻ."

Kinh nghiệm tránh "cò" lừa

Chia sẻ kinh nghiệm cho các tân sinh viên tránh mất tiền oan khi đi thuê phòng trọ, anh Xuân Triều cho biết: "Để tránh rủi ro, trước tiên cần phải tìm hiểu thông tin phòng trọ qua người quen, bạn bè trên các trang web, hội nhóm trước khi đến xem. Cần phải làm rõ những mong muốn khi đi thuê nhà, khả năng chi trả của mình là bao nhiêu để dễ dàng chọn được phòng phù hợp sau đó mới đến xem trực tiếp. Một điểm cần đặc biệt lưu ý là khi gọi điện cho người đăng bài cần phải hỏi rõ họ là chủ nhà hay môi giới, và khi đến xem phòng có phải trả phí hay không."

Khi đến xem và ưng căn phòng trước tiên phải tìm hiểu an ninh khu vực đó trước, nếu ổn mới thỏa thuận giá thuê, tiền đặt cọc, những khoản tiền liên quan như điện, nước, wifi,... và đi đến chốt phòng.

Khi ký hợp đồng thuê nhà cần đọc kỹ các điều khoản quan trọng về giá thuê, thời hạn, phương thức thanh toán... Trước khi nhận phòng cần kiểm tra lại tất cả các đồ dùng có trong phòng, nếu có hỏng hóc phải báo chủ nhà ngay để sửa chữa.

Trong trường hợp những bạn tìm người ở ghép cũng đặc biệt cẩn trọng, không nên ở cùng người lạ, mới quen nhằm tránh tình trạng bạn cùng phòng lấy trộm đồ của nhau hoặc phát sinh mâu thuẫn trong quá trình ở ghép.

Theo Lâm Thùy Dương

Tiền phong

Trở lên trên