MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tần Thủy Hoàng bỏ “núi vàng" xây Vạn Lý Trường Thành: Đổi ra tiền hiện đại, con số lớn bằng 13 công trình của Dubai cộng lại

06-09-2023 - 05:46 AM | Lifestyle

Tần Thủy Hoàng bỏ “núi vàng" xây Vạn Lý Trường Thành: Đổi ra tiền hiện đại, con số lớn bằng 13 công trình của Dubai cộng lại

Đã trải qua hơn 2000 năm, câu chuyện xây thành vẫn khiến bao người phải cảm thán.

Vạn Lý Trường Thành là công trình nhân tạo lớn nhất thế giới và cũng là niềm tự hào của người dân Trung Quốc.

Theo Travel China Guide giải thích: "Đây là một mạng lưới phòng thủ bao gồm nhiều bức tường và pháo đài được xây dựng trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, với một số phân đoạn nằm rải rác trong khi một số khác chạy song song. Ở một số nơi, bức tường thành này có thể cao gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba lần so với các khu vực khác".

Kiệt tác tồn tại hàng ngàn năm

Vạn Lý Trường Thành được xây dựng chủ yếu bằng đất và đá từ thế kỷ thứ 5 TCN cho tới thế kỷ 16. Trong đó nổi tiếng nhất phần tường do vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng, ra lệnh xây từ năm 220 TCN - 200 TCN.

Sau này khi Tần Thủy Hoàng tiêu diệt 6 nước chư hầu và thống nhất Trung Quốc, ông đã cho xây thêm và nối liền những bức tường thành của 3 nước thành Vạn Lý Trường Thành. Khi ông nghĩ ra ý tưởng này, đã có không ít người lên tiếng phản đối, vì việc xây dựng Trường Thành cần tiêu tốn rất nhiều tài lực và nhân lực, cái giá quả thực quá lớn.

Vạn Lý Trường Thành có chiều dài hơn 8.000 km bao gồm cả tường thành do con người xây dựng và tường hào/rào chắn tự nhiên. Trong suốt hơn 2000 năm xây dựng, Vạn Lý Trường Thành đã chứng kiến sự thịnh suy, thăng trầm của biết bao triều đại trong lịch sử.

Tần Thủy Hoàng bỏ “núi vàng" xây Vạn Lý Trường Thành: Đổi ra tiền hiện đại, con số lớn bằng 13 công trình của Dubai cộng lại - Ảnh 1.

Vạn Lý Trường Thành. Ảnh: Sohu

Phần lớn Vạn Lý Trường Thành được tạo ra từ những vật liệu xây dựng không có gì nổi bật như đất đá. Tuy nhiên, gạo nếp được đưa vào công thức làm vữa nhờ sự kết dính ưu việt. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hợp chất amylopectin (hợp chất tạo sự kết dính) có trong gạo nếp giúp tường thành vững chắc và bền bỉ hơn.

Năm 1987, UNESCO công nhận Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là Di sản thế giới. Bức trường thành sau 2 thiên niên kỷ vẫn uy nghi, sừng sững ở đó như một người cận vệ trung thành, chứng kiến lịch sử Trung Quốc xoay vần.

Tần Thủy Hoàng đã phải bỏ ra bao nhiêu tiền?

Theo trang QQ, chiều cao trung bình của Vạn Lý Trường Thành là 7,8 mét, chiều rộng chân tường là 6,5 mét. Về cơ bản, công trình này được xây dựng bằng gạch xanh và vữa xám.

Ước tính, người ta cần khoảng 6.000 viên gạch xanh và 7 mét khối vữa xám để xây dựng một bức tường thành dài một mét. Một viên gạch xanh có giá 4 NDT, trong khi đó một mét khối vữa có giá khoảng 400 NDT. Chi phí máy móc và quản lý khoảng 2.000 NDT cùng với tiền trả cho nhân công khoảng 30.000 NDT.

Như vậy, trung bình tiền xây dựng một bức tường dài một mét sẽ rơi vào khoảng khoảng 60.000 NDT. Riêng tiền xây dựng bức tường dài hơn 6.000 km đã tốn hơn 360 tỷ NDT.

Chưa kể, Vạn Lý Trường Thành có tổng cộng 60.000 tháp canh. Đây là một khoản chi phí không nhỏ. Mỗi tháp canh giá khoảng 200.000 NDT, 60.000 tháp canh là 12 tỷ NDT. Bên cạnh đó, Tần Thủy Hoàng còn đầu tư cho những tuyến đường quan trọng như Sơn Hải Quan và Gia Dục Quan, ước tính hết gần 100 tỷ NDT.

Tần Thủy Hoàng bỏ “núi vàng" xây Vạn Lý Trường Thành: Đổi ra tiền hiện đại, con số lớn bằng 13 công trình của Dubai cộng lại - Ảnh 2.

Nhân vật Tần Thủy Hoàng trên phim ảnh. Ảnh: Sohu

Theo tính toán, toàn bộ Vạn Lý Trường Thành sẽ tiêu tốn khoảng 472 tỷ NDT (khoảng 68,2 tỷ USD). Đối với hiện nay, con số này đủ để xây một siêu dự án.

Để dễ hình dung, dự án mới đây nhất mang "siêu mặt trăng" về Dubai tiêu tốn khoảng 5 triệu USD. Có thể thấy, số tiền xây dựng Vạn Lý Trường Thành lớn gấp 13 lần công trình ở Dubai.

Tuy nhiên, đây chưa phải là con số chính xác cuối cùng. Theo tài liệu khảo sát do Cục Di sản Văn hóa Trung Quốc công bố vào tháng 4 năm 2018, Vạn Lý Trường Thành bắt đầu từ Gia Dục Quan ở Cam Túc ở phía tây, kết thúc ở Liêu Ninh. Công trình này đi qua 156 quận thuộc 11 tỉnh thuộc Trung Quốc, tổng chiều dài là 8851,8 km.

Với con số này, nhiều chuyên gia cho rằng cần khoảng 1 nghìn tỷ NDT để xây dựng Vạn Lý Trường Thành như hiện nay.

Tổng hợp

Thùy Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên