MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng chi hơn 4.000 tỷ ngân sách để trợ cấp hưu trí, thai sản...

Nếu được thông qua, một loạt chế độ mới sẽ được bổ sung vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, như giảm tuổi và tăng trợ cấp cho người cao tuổi, thêm chế độ cho người không chuyên trách cấp xã và thôn, bổ sung thêm chế độ thai sản cho người tham gia bảo hiểm tự nguyện. Các chế độ bổ sung này sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo, dự kiến tăng chi hơn 4.000 tỷ đồng mỗi năm.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa trình Quốc hội Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Dự thảo đề xuất thêm một số chế độ, quyền lợi cho người cao tuổi, người lao động, dự kiến sẽ phát sinh thêm các khoản chi từ ngân sách nhà nước. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật đã đưa ra một số đánh giá sơ bộ về tác động của quy định mới lên ngân sách nhà nước.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi bổ sung thêm 3 chính sách mới dự kiến làm tăng chi ngân sách nhà nước, gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội (chuyển đổi từ chế độ trợ cấp người cao tuổi hiện hành), giảm tuổi nhận trợ cấp từ 80 tuổi xuống từ 75 tuổi; Bổ sung chế độ thai sản với người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ và thêm nhóm đóng BHXH bắt buộc thuộc khu vực nhà nước.

Tăng chi hơn 4.000 tỷ ngân sách để trợ cấp hưu trí, thai sản... - Ảnh 1.

Đề xuất giảm tuổi và tăng mức trợ cấp hưu trí xã hội (Ảnh minh họa).

Trợ cấp hưu trí

Cụ thể, bổ sung chế độ trợ cấp hưu trí xã hội và giảm tuổi nhận từ 75 tuổi trở lên với người không có lương hưu và trợ cấp hằng tháng, do ngân sách nhà nước đảm bảo, mức chi theo từng thời kỳ. Bộ LĐ-TB&XH cho biết, khi giảm tuổi như trên, sẽ có thêm khoảng 800.000 người được hưởng trợ cấp này vào năm 2025 (từ 75 - 79 tuổi), và tăng lên khoảng 900.000 người vào năm 2030.

Hiện, người 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng được ngân sách trợ cấp 360.000 đồng/người/tháng (trợ cấp người cao tuổi). Nếu giảm tuổi nhận chế độ này từ 75 tuổi trở lên, vẫn mức trợ cấp hiện hành, trong năm 2025 (dự kiến luật có hiệu lực), tổng chi ngân sách cho chế độ này khoảng 3.600 tỷ đồng (cả tiền đóng bảo hiểm y tế); cả giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 21.500 tỷ đồng.

Trường hợp tăng mức trợ cấp lên 500.000 đồng/người/tháng (theo đề xuất trong dự luật), tổng chi ngân sách nhà nước cho thực hiện năm 2025 khoảng 5.000 tỷ đồng; cả giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 30.000 tỷ đồng.

Thêm chế độ thai sản vào BHXH tự nguyện

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng đề xuất bổ sung chế độ thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/con mới sinh, do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Dự kiến, năm 2025 sẽ có gần 81.000 trẻ em mới sinh được hưởng chính sách này, tới năm 2030 khoảng 138.000 em. Dự chi ngân sách nhà nước năm 2025 cho chế độ này khoảng 162 tỷ đồng; cả giai đoạn 2025 - 2030 hơn 1.200 tỷ đồng.

Thêm chế độ cho cán bộ xã, thôn

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng bổ sung chế độ ốm đau, thai sản đối người hoạt động không chuyên trách ở xã/phường/thị trấn, do nhóm này mới tham gia BHXH bắt buộc với chế độ hưu trí và tử tuất. Thêm chế độ nên phải tăng mức đóng, nhóm này do nhà nước trả lương, nên ngân sách phải chi thêm tiền đóng.

Hiện, cả nước có khoảng 88.000 người thuộc nhóm trên, thêm chế độ ốm đau, thai sản sẽ phải đóng thêm 3% trên cơ sở tiền lương tháng (hiện tính bằng lương cơ sở). Ngân sách nhà nước phải đóng bổ sung thêm hơn 62 tỷ đồng/năm nếu bổ sung chế độ trên.

Bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tham gia BHXH bắt buộc, nhóm này cũng do ngân sách nhà nước đảm bảo nên khi bổ sung chế độ BHXH , ngân sách phải chi tiền đóng.

Các chức danh không chuyên trách cấp thôn gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn (tổ trưởng dân phố), trưởng ban công tác Mặt trận. Hiện cả nước có khoảng 270 nghìn người nhóm này, trong đó khoảng 70% đã trong tuổi nghỉ hưu nên không phải đóng BHXH , ngân sách chỉ phải đóng BHXH bắt buộc cho 30% cán bộ thôn còn lại trong tuổi lao động. Với mức đóng tính theo lương cơ sở, tổng chi ngân sách để thực hiện đóng BHXH cho cán bộ thôn khoảng 332 tỷ đồng/năm.

Như vậy, với 3 nhóm chính sách bổ sung kể trên, tổng chi bình quân thực hiện chính sách kể trên khoảng 4.000 - 4.600 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, một số khoản chi từ ngân sách thực hiện các chế độ an sinh đang xu hướng giảm, có thể dùng bù cho các khoản chi mới kể trên, nên nhìn chung ngân sách vẫn giảm chi.

Cụ thể, mỗi năm ngân sách giảm chi khoảng 2.000 tỷ đồng từ nhóm nghỉ hưu trước năm 1995 (nhóm do ngân sách đảm bảo), do nhóm này mỗi năm giảm khoảng 34.000 người nhận. Bên cạnh đó, ngân sách còn giảm khoản tiền chi để đóng BHXH nhờ tinh giảm biên chế, với mức giảm khoảng 6.000 tỷ đồng/năm. Với 2 khoản giảm chi kể trên, tổng số chi giảm khoảng 8.000 tỷ đồng/năm.

“Như vậy, dù đã bổ sung thêm chế độ, thêm nhóm tham gia BHXH bắt buộc do ngân sách nhà nước đóng, nhưng so sánh giữa số chi tiết kiệm được và số chi mới, ngân sách vẫn dư khoảng 2.000 tỷ đồng/năm”, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH tính toán.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên