MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

21-10-2022 - 09:32 AM | Kinh tế số

Thương mại điện tử được dự báo ngày cảng nở rộ - Ảnh minh họa: TBTC

Thương mại điện tử được dự báo ngày cảng nở rộ - Ảnh minh họa: TBTC

Trước sự phát triển của thương mại điện tử, chuyên gia cho rằng, trong Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) cần bổ sung, hoàn thiện nội dung về giao dịch trên không gian mạng…

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù nền kinh tế chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19 , thế nhưng, thương mại điện tử (TMĐT) vẫn là một trong số ít những ngành duy trì tăng trưởng đạt 16% và quy mô thị trường 13,7 tỷ USD trong năm 2021. TMĐT Việt Nam được xếp thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, dự báo đến năm 2025 quy mô thị trường sẽ đạt 57 tỷ USD.

Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành cách đây 12 năm, quá trình áp dụng thực tiễn cũng cho thấy nhiều tồn tại, bất cập thời gian qua, nhất là khi hoạt động thương mại điện tử ngày một "nở rộ", tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi vẫn chưa có những quy định về việc bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần sớm hoàn thiện trong thời gian tới.

Theo đó, tại tọa đàm "Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng" ngày 19/10 vừa qua, không ít ý kiến cho rằng, cùng sự mở rộng của thị trường thì những hành vi vi phạm sẽ ngày càng đa dạng, càng nhiều… và trên thực tiễn đã và đang cho thấy, cơ quan quản lý cần có khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, có sự thay đổi phù hợp về pháp luật để có thể tăng cường bảo vệ được người tiêu dung, đặc biệt trên không gian mạng.

Thông tin tại tọa đàm, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, hàng năm Cục này nhận được hơn 10.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại tố cáo các vấn đề liên quan đến tranh chấp kinh doanh, liên quan đến vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Số lượng các khiếu nại tố cáo liên quan đến kinh doanh trên không gian mạng tăng lên rất nhanh và chiếm thứ hai trong tổng số lượng đơn thư (chiếm 15,4%)…

Theo ông Tuấn, để có thể điều chỉnh kịp thời các loại hình kinh doanh, giao dịch mới với người tiêu dùng cũng như các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng mới có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế toàn cầu hóa, Dự thảo đã bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Từ đó, giao dịch từ xa, bao gồm giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, là một trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù.

Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng - Ảnh 1.

Vì vậy, theo chuyên gia, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để tăng cường việc bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng - Ảnh minh họa: Internet

Điểm đáng lưu ý là Dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Quy định trách nhiệm đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, tổ chức, cá nhân kinh doanh được xác định là nền tảng số lớn…

Đồng thời đưa ra các quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như: cấm ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ; cấm sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam lại đánh giá, chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam hiện nay khá toàn diện nhưng khiếu nại vẫn gia tăng, do các nguyên nhân như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ban hành cách đây 12 năm, trong khi tình hình kinh tế – xã hội đã có nhiều thay đổi; nhiều quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được điều chỉnh. Chưa kể, trong Luật đã dành một chương riêng (Chương III) để nói về các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người dung, tuy nhiên, nhiệm vụ, trách nhiệm được giao khá cụ thể và đầy đủ, nhưng quy định về quyền hạn cũng như nguồn lực để thực thi lại chưa được cụ thể, đây là một trong những bất cập nên cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều luật.

Đồng quan điểm đã nêu, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho rằng, thực tế, các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng chưa có các quy định cụ thể, rõ ràng. Mặc dù đã có nhiều luật đề cập đến nó như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dung như: Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Cạnh tranh, Luật An toàn thông tin…

"Vì vậy, trong Dự thảo luật lần này cần sửa đổi, bổ sung về nội dung giao dịch trên không gian mạng hay giao dịch trên các nền tảng số. Đây là phạm trù mới, rộng, phức tạp và cần phải quy định chi tiết", ông Tạ Đình Thi bày tỏ.

Cũng theo ông Thi, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ những quy định này. Đặc biệt là trong quá trình sửa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Bởi Luật Giao dịch điện tử sẽ là khung, nền tảng về mặt kỹ thuật để tạo điều kiện cho các giao dịch trên không gian mạng được tiến hành. Với 2 dự án luật cùng được trao đổi, thảo luận tại kỳ họp thứ 4 tới sẽ rất thuận lợi cho quá trình bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, xoay quanh nội dung về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các chuyên gia cũng cho rằng, Luật sửa đổi lần này cần được thiết kế, xây dựng ra sao để thực sự bảo đảm được quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng, nhất là khi thị trường TMĐT ngày một bùng nổ như hiện nay.

Theo Gia Nguyễn

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên