MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư công

Với mục tiêu đạt trên 95% kế hoạch vốn của cả năm, giai đoạn cuối năm này sẽ đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký Công điện số 749 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm. Có thể thấy, thời gian qua, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa để các bộ ngành, địa phương nỗ lực vào cuộc. Hơn 300 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công của năm nay đã được đưa vào hàng trăm công trình dự án lớn nhỏ, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Với mục tiệu đạt trên 95% kế hoạch vốn của cả năm, giai đoạn cuối năm này sẽ đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư công.

Dù đã được đôn đốc thường xuyên, thế nhưng ở những tháng cuối năm này được xem là giai đoạn nước rút, thì từ khóa "trách nhiệm", đặc biệt là trách nhiệm cá nhân lại càng phải được đặt lên hàng đầu. Lãnh đạo của các Bộ ngành, địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt sẽ phải chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm của tập thể, cá nhân. Và Chính phủ sẽ có thống kê gửi các cấp ủy Đảng, chính quyền vào cuối năm nay.

7 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước đã đạt hơn 37% với nhiều tín hiệu tích cực trong vài tháng qua. 12 Bộ ngành và 39 địa phương giải ngân đạt trên mức này nhưng vẫn còn đó 32 bộ ngành và 4 địa phương chưa đạt đến 20% kế hoạch. Thậm chí, công điện của Thủ tướng cũng chỉ ra tình trạng một số đơn vị giải ngân rất thấp, nhiều khả năng không giải ngân được hết số vốn được giao từ đầu năm.

Để thực hiện mục tiêu giải ngân toàn quốc trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao, công điện nhấn mạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác giải ngân, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Hình minh họa. Ảnh TTXVN

Không né tránh trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công

Tại nút giao IC18 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc địa phận thành phố Lào Cai sau 6 tháng khởi công, với nỗ lực, dám chịu trách nhiệm trong công tác giải phóng mặt bằng của địa phương, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành dự án vượt tiến độ trước 5 tháng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Lào Cai, cho biết: "Ủy ban thành phố và người đứng đầu, Chủ tịch thành phố đã đến hiện trường, gặp từng hộ dân và trong vòng 60 ngày đã bàn giao đầy đủ mặt bằng".

Tinh thần dám nghĩ, dám làm, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm đã được tỉnh Lào Cai quán triệt đến từng cá nhân, đơn vị. Đến nay, địa phương này đã giải ngân đạt 50% trong tổng số 6.400 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay.

Ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, nói: "Đánh giá cán bộ trên hiệu quả công việc và những cán bộ năng lực thấp, nhũng nhiều sẽ phải thay thế".

Kỷ luật trong khâu thanh toán cũng được quán triệt. Chậm nhất chỉ sau 3 ngày, thậm chí với các hồ sơ thuộc diện "thanh toán trước, kiểm soát sau" thì chỉ sau một ngày làm việc sẽ được Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các chủ đầu tư. Đến nay, giải ngân vốn đầu tư công qua hệ thống Kho bạc đạt khoảng 300.000 tỷ đồng, bằng khoảng 40% kế hoạch cả năm.

Ông Trần Quân, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam, nói: "Giám đốc các Kho bạc tỉnh, thành phố chỉ đạo cán bộ công chức nâng cao tinh thần trách nhiệm trong kiểm soát chi, thanh toán vốn đầu tư công, đồng thời chủ động tháo gỡ khó khăn, tham mưu cho các cấp ủy chính quyền địa phương, các chủ đầu tư để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Kho bạc Nhà nước thường xuyên rà soát qui trình thủ tục liên quan đến kiểm soát chi, thanh toán liên thông làm sao tạo thuận lợi nhất cho các đơn vị".

Thời gian tới, hệ thống Kho bạc Nhà nước tiếp tục nâng cấp các hệ thống Công nghệ thông tin nhằm kết nối, trao đổi và chia sẻ dữ liệu với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác để nâng cao hiệu quả quản lý và giải ngân vốn đầu tư công.

Theo tính toán của các chuyên gia, tại Việt Nam, cứ 1 đồng vốn đầu tư công sẽ thu hút được thêm 1,6 đồng vốn khác cho nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức, khoảng 500 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công của năm nay khi tiếp tục được đưa vào nền kinh tế để tạo động lực quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng của cả năm.

Các địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công

Để lúc này có thể thi công cùng lúc hàng chục dự án, chính quyền quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từ năm ngoái. Nhờ vậy, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của quận đạt cao hơn mức trung bình của thành phố.

Ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Chúng tôi đã bắt đầu thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2022. Hiện nay tỷ lệ người dân đã nhận tiền và đồng ý nhận tiền khá cao, trên 50%. Chúng tôi cố gắng trong quý 3 sẽ thu hồi tất cả diện tích cần thu hồi để đảm bảo đơn vị thi công có mặt bằng sạch cho các dự án".

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hay đường Vành đai 3, nằm trong số những dự án vốn lớn chiếm đến 70% tổng lượng vốn đầu tư công của thành phố Hồ Chí Minh. Theo nhận xét của giới chuyên gia thì qua 7 tháng, các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho nhóm dự án vốn lớn, thậm chí là có cả các cơ chế mang tính đặc thù... đã giúp cải thiện hiệu quả tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định: "Một số cơ chế mang tính đặc thù đã được áp dụng cho các dự án quy mô lớn, dự án trọng điểm. Vận dụng được cơ chế đặc thù mà Thủ tướng đã cho thì dự án được triển khai ngay, không mất thời gian. Việc chỉ đạo quyết liệt cũng giúp tăng tốc giải ngân"..

Qua 7 tháng, thành phố Hồ Chí Minh giải ngân được hơn 19.150 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 28%. Dù giá trị tuyệt đối tăng so với cùng kỳ, nhưng lãnh đạo chính quyền thành phố đánh giá tỷ lệ giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra là 35%. Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy giải phóng mặt bằng, chính quyền thành phố yêu cầu xử lý quyết liệt hơn tình trạng chậm làm thủ tục dự án, năng lực yếu kém của chủ đầu tư, nhà thầu.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, nói: "Nếu như dự án nào chưa hoàn thành thủ tục thì phải có biện pháp xử lý, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư. Qua kiểm tra thấy một số chủ đầu tư chưa có sự tập trung. Cần kiểm tra kĩ lại và xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư".

Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu bộ máy chính quyền cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cụ thể là giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết các thủ tục dự án đầu tư công.

Thời điểm này đã là giữa quý 3, thời gian không còn nhiều, do vậy, với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương sẽ phải quyết liệt hơn nữa để tập trung nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về mỏ vật liệu hay giải phóng mặt bằng. Tư duy đùn đẩy, né tránh trách nhiệm sẽ không thể chấp nhận trong tất cả các khâu, đặc biệt là đối với người đứng đầu các đơn vị chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và cả các nhà thầu thi công.

Theo VTV Digital

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên