Tăng giá cực mạnh, "viên kim cương tỷ đô" của Việt Nam được hơn 80 quốc gia săn lùng
Sản phẩm này của Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
- 15-10-2024Cà phê Robusta, Arabica đồng loạt tăng giá sốc
- 13-10-2024Giá cà phê tăng cao, các công ty kinh doanh cà phê ra sao?
- 12-10-2024Kịch tính giá cà phê cuối tuần
- 24-06-2024"Kim cương đỏ" của Trung Quốc đang tràn ngập thế giới như "cơn lũ": xuất khẩu gấp đôi, giá dự kiến chỉ tăng chứ không giảm
- 15-05-2024"Kim cương đen" của Việt Nam bỗng được hàng loạt quốc gia săn lùng với giá cực rẻ, xuất khẩu tăng mạnh hơn 10.000% chỉ trong 1 tháng
Giá cà phê tăng mạnh trên sàn quốc tế
Cà phê là một mặt hàng được nhiều người dân trên toàn thế giới yêu thích và sử dụng. Trong thời gian gần đây, mặt hàng này đã liên tục tăng giá mạnh.
Thống kê đến sáng ngày 15/10 (giờ Việt Nam), trên sàn London - Anh, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao hàng tháng 11 tăng 141 USD/tấn, lên 4.969 USD/tấn (khoảng 122 triệu đồng/tấn); kỳ hạn tháng 1/2025 tăng 165 USD/tấn, tháng 3/2025 tăng 159 USD/tấn và tháng 5/2025 tăng 158 USD/tấn.
Cà phê Arabica trên sàn New York - Mỹ cũng tăng mạnh ở cả 4 kỳ giao dịch, mức tăng gần 4%. Tăng mạnh nhất là kỳ hạn cà phê giao hàng trong tháng 12, tăng 220 USD/tấn, lên mức 5.780 USD/tấn (hơn 142 triệu đồng/tấn).
Lý giải về việc giá cà phê tăng mạnh trong giai đoạn này, các chuyên gia cho biết, sản lượng cà phê trên thế giới giảm, lượng hàng tồn kho trên 2 sàn giảm là động lực chính giúp giá cà phê 2 sàn tăng mạnh. Bên cạnh đó, yếu tố FED giảm lãi suất, thời tiết tại Brazil - thủ phủ cà phê thế giới... cũng là những nhân tố tác động đến giá cà phê.
Báo cáo Thị trường cà phê toàn cầu của Mordor Intelligence nhận định: Quy mô thị trường cà phê toàn cầu ước tính đạt 132,13 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 166,39 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 4,72% trong giai đoạn dự báo (2024 - 2029).
Thị trường cà phê đang phát triển do văn hóa tiêu thụ cà phê như một thức uống giải khát ngày càng tăng trong giới trẻ, đặc biệt là ở Ấn Độ, Ý, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines. Cùng với đó, thu nhập khả dụng ngày càng tăng cùng với quá trình đô thị hóa là yếu tố chính góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường cà phê.
Cà phê - "viên kim cương tỷ đô" của Việt Nam
Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong nhiều năm trở lại đây, cà phê luôn nằm trong top những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của nước ta.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 9/2024, xuất khẩu cà phê đem về gần 370 triệu USD. Luỹ kế 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 1,12 triệu tấn cà phê, giá trị đạt 4,37 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD chỉ sau 3 quý.
Nguyên nhân chính giúp cho xuất khẩu cà phê vượt mốc 4 tỷ USD và lập kỷ lục mới trong năm nay là nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng cao. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 9 tháng đầu năm 2024, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam ước đạt mức 3.897 USD/ tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 9 vừa qua, giá cà phê xuất khẩu bình quân ở mức 5.469 USD/tấn, tăng 65% so với tháng 9/2023.
Tại Việt Nam, Sơn La là tỉnh trồng cà phê Arabica nhiều nhất, chiếm hơn 40%, với diện tích hơn 23.000 ha. Năng suất cà phê nhân tại Sơn La năm nay ước tính khoảng 1-2 tấn/ha. Giá cà phê ở hiện ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg quả tươi trong khi năm ngoái chỉ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Cứ 6,5 kg cà phê tươi sẽ tạo ra 1 kg cà phê nhân. Với mức giá trên, cà phê nhân ở Sơn La đang từ 100.000 – 130.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên, mặt hàng này đang được thu mua ở mức 113.000 - 113.700 đồng/kg. So với đầu tháng 10/2023, giá cà phê ở Tây Nguyên thời điểm này đang cao hơn gần 2 lần. Đây là niên vụ cà phê đầu tiên ở Việt Nam mà giá đầu niên vụ ở mức hơn 100.000 đồng/kg.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam dự báo trong thời gian tới giá cà phê có thể sẽ còn tiếp tục tăng bởi nguồn cung trên thế giới ngày càng giảm do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết. Với đà tăng trưởng này, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong cả năm nay đang đứng trước cơ hội lần đầu tiên chạm mốc 5 tỷ USD.
Cà phê của Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đức, Italy và Tây Ban Nha là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, với kim ngạch đạt lần lượt là 607,1 triệu USD, 416,6 triệu USD và 412,6 triệu USD, tăng 37,1%, 29,6% và 74,6% so với niên vụ trước. Các thị trường khác phải kể đến Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia…
Trong số các loại cà phê xuất khẩu thì cà phê Robusta của Việt Nam được ưa chuộng nhất. Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 về sản lượng xuất khẩu (sau Brazil). Theo chuyên trang ẩm thực được mệnh danh là "bản đồ ẩm thực thế giới" Taste Atlas, cà phê sữa đá Việt Nam - được pha chế từ cà phê Robusta, đứng vị trí thứ 2 trong Top 10 thức uống cà phê được đánh giá cao nhất thế giới.
Nhịp sống thị trường