MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng giá điện – Tránh để tác động ngược lại với nền kinh tế

EVN đã có đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện theo Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện - Ảnh minh họa: TCTC

EVN đã có đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện theo Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện - Ảnh minh họa: TCTC

Đồng tình với đề xuất tăng giá điện trước những khoản lỗ của EVN, thế nhưng, theo các chuyên gia, cần phải tính toán cho phù hợp, tránh gây ra những tác động ngược lại với nền kinh tế…

Theo đó, bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện chi phí đầu vào cho sản xuất điện trên thế giới, khu vực và Việt Nam đều tăng khá cao, ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện . Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn này lỗ khoảng 16.000 tỷ đồng, ước tính cả năm, lỗ hơn 31.000 tỷ đồng.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, EVN đã có đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện theo Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương đang cùng các bộ, ngành rà soát theo đề xuất của EVN, thực hiện theo đúng Quyết định 24/2017, chỉ đạo của Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP. Hồ Chí Minh trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tính toán lại giá điện đúng với quy luật thị trường khi kiểm soát được lạm phát. Việc tính toán lại giá điện phải đúng theo tinh thần không tạo chuyển đổi đột ngột, để người dân an tâm.

“Giá đầu vào tăng, cần có sự điều chỉnh, nhưng tăng ở mức nào thì các bộ, ngành phải rà soát theo đúng thực tế, sau đó đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

Thực tế, giá bán lẻ điện bình quân theo quy định vẫn giữ ở mức 1.864,44 đồng/kWh trong 3 năm qua, kể từ 2019. Đề xuất tăng giá bán điện thời gian tới, được cho là đòi hỏi chính đáng và nhận được sự đồng tình, tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, chưa phục hồi hoàn toàn sau COVID-19; cuộc sống của nhiều người dân dễ tổn thương như hiện nay, cần phải tính toán cho phù hợp, tránh gây ra những tác động ngược lại với nền kinh tế.

Tăng giá điện – Tránh để tác động ngược lại với nền kinh tế - Ảnh 1.

Chuyên gia cho rằng, cần có một hội đồng độc lập để giúp giám sát và đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến điều chỉnh giá điện - Ảnh minh họa: Internet

Thông tin với báo chí, chuyên gia Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho biết, việc giữ cho giá điện thấp quá lâu như vậy tạo ra rủi ro rất cao cho EVN trong việc giảm tín nhiệm về mặt tài chính. Hệ quả xấu có thể đến là EVN là không thể trả tiền mua điện cho các nhà đầu tư đúng hạn.

“Điều chỉnh giá điện là bước đầu tiên Chính phủ có thể làm, song ở mức độ bao nhiêu thì vẫn phải tính toán cho phù hợp. Có điều nếu không điều chỉnh trong điều kiện biến động lớn như thế này thì không chỉ EVN khó và sau đó là câu chuyện thúc đẩy năng lượng tái tạo cũng như đầu tư tư nhân trong lĩnh vực thúc đẩy năng lượng sạch sẽ khó thành theo các mục tiêu của Chính phủ”, ông Sơn bày tỏ.

Dù vậy, chuyên gia này cũng lưu ý, điều chắc chắn là chúng ta cũng không thể tăng quá nhiều được vì tăng quá nhiều cũng có cái tác động ngược lại với nền kinh tế. Bởi, rất nhiều ngành hiện nay đang thâm dụng năng lượng và chi phí năng lượng đang là đầu vào quan trọng trong cấu phần chi phí sản xuất, đặc biệt như dệt may, thép, bảo quản nông sản...

“Đây là một bài toán cân bằng lợi ích cần các cơ quan quản lý cân nhắc, đánh giá sớm để đưa ra phương án tăng giá điện đảm bảo hài hòa được nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội. Việc đánh giá tác động của tăng giá điện cần phải yêu cầu cả Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đồng thời có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao để làm rõ câu chuyện rằng tại sao chúng ta phải tăng giá điện, tăng thì có thiệt hại gì nhưng nó cũng có lợi ích gì và cần phải có sự truyền thông phù hợp để người dân và doanh nghiệp hiểu được các nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế xã hội trong giai đoạn khủng hoảng năng lượng toàn cầu này, để có sự đồng thuận về việc tại sao phải chia sẻ khó khăn với EVN”, ông Sơn đề xuất.

Đồng tìn với quan điểm đã nêu, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có cơ chế điều chỉnh giá điện linh hoạt, phù hợp với từng hoản cảnh, khung thời gian cụ thể, thay vì cách điều hành như hiện nay. Bên cạnh đó, cần minh bạch về cơ cấu giá điện nhằm giúp người dân an tâm và ngành điện sẽ tăng được độ tin cậy với khách hàng của mình.

Theo TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cần có một hội đồng độc lập để giúp giám sát và đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến điều chỉnh giá điện và hoạt động kinh doanh của ngành điện. Đây cũng là một yêu cầu rất lành mạnh giúp ngành điện phát triển và nhận được sự ủng hộ của người dân.

Xoay quanh câu chuyện tăng giá điện, trước đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị làm rõ khoản lỗ 31.000 tỷ là tính chi phí cho cả ngành hay chỉ chi phí sản xuất điện? Và cho rằng, nếu “đẩy vào giá” tất cả các yếu tố lỗ là bất hợp lý, đặc biệt là yếu tố tỷ giá. Bởi “không thể để lỗ về tài chính xong bắt toàn dân phải chịu giá điện tăng, nếu có”.

Theo các chuyên gia, điện trọng yếu chẳng khác gì xăng dầu, nhưng khác với xăng dầu, có thể tính đếm từng 50 đồng tiền chi phí, một “núi lỗ” 31.000 tỷ không rõ đến từ đâu, không biết cái nào vào cái nào, nếu không được làm rõ khó nhận được sự đồng thuận về việc tăng giá.

Theo Gia Nguyễn

Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở lên trên