Tăng lãi suất chỉ để “tự vệ”?
Vừa qua, có một số NHTM tăng nhẹ lãi suất (LS) huy động VND các kỳ hạn ngắn. Động thái này chỉ để giữ nguồn vốn ổn định, phòng bị thanh khoản chứ không báo hiệu xu hướng tăng LS kéo dài.
- 05-07-2016Nghịch lý: Lãi suất thấp lại khuyến khích tiết kiệm, hạn chế chi tiêu
- 05-07-2016Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia: Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng
- 01-07-2016Lãi suất: Thận trọng là cần thiết
Từ đầu năm đến nay, có nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động VND với mức tăng bình quân từ 0,1 - 0,2%/năm, thậm chí một số NH đã tăng vài lần. Gần đây nhất, lại tiếp một số NH điều chỉnh tăng như VPBank, VIB, Viet Capital Bank, Eximbank và Vietcombank... Tuy nhiên, mức điều chỉnh cũng vẫn ở mức nhỏ, không ảnh hưởng đến mặt bằng LS thị trường.
Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, LS huy động VND đang biến động ở các kỳ hạn ngắn có thể do một vài NH vì lý do nào đó mất thanh khoản tạm thời sẽ đẩy LS huy động để bù đắp nguồn vốn, điều này khiến các NH khác ít nhiều phải điều chỉnh LS. Việc tăng LS huy động này là hành động tự vệ nên các NH chọn các kỳ hạn ngắn để nếu tăng được vốn thì vẫn có thể cho vay ra mà không bị lỗ, chí ít cũng hòa vốn. Việc điều chỉnh này không tạo ra cuộc đua LS dài như thời kỳ 2008 - 2010.
Thời gian tới, LS huy động VND có thể tiếp tục biến động nhẹ khi NHNN phối hợp với Bộ Tài chính chuyển chức năng thanh toán trái phiếu chính phủ, tiến tới chuyển toàn bộ việc thanh toán các giao dịch chứng khoán từ NHTM về NHNN (theo kế hoạch hành động của NHNN tại Quyết định 1355 ngày 28.6.2016).
Nếu kế hoạch này được thực hiện, hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) hiện do NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thực hiện sẽ chuyển về NHNN.Như vậy BIDV ngoài mất một khoản thu dịch vụ thì còn bị mất một nguồn tiền thanh toán không kỳ hạn LS thấp.
Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến thanh khoản của BIDV trong bối cảnh tỉ lệ sử dụng vốn/nguồn huy động của ngân hàng này đã ở tỉ lệ khá cao. Khi mất đi nguồn tiền giao dịch chứng khoán, đồng thời lại phải nâng cao khả năng thanh khoản thì BIDV có thể phải đẩy mạnh huy động vốn bù vào. Chỉ cần BIDV nâng lãi suất, thì các NH khác cũng phải nâng theo để giữ khách hàng và bảo toàn nguồn vốn.
Cầu tín dụng yếu - LS cho vay tiếp tục giảm.
Dù LS huy động tăng nhẹ, nhưng LS cho vay VND không vì thế mà tăng đồng chiều. Nguyên nhân chính là nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn còn rất yếu và chưa có dấu hiệu tăng trong ngắn hạn. Thêm nữa, nguồn vốn huy động USD giá rẻ của các NHTM hiện đang khá dồi dào sẽ hỗ trợ cho LS VND.
Một số NH cũng đang cố gắng hạ tiếp LS cho vay. Vừa qua Vietcombank đã thông báo đến toàn hệ thống biểu LS cho vay trung dài hạn. So với LS tháng trước đã giảm đều 0,2%/năm trong tất cả các kỳ hạn cho vay.
Cũng trong kế hoạch hành động của ngành, NHNN đã chỉ đạo các TCTD trên cơ sở khả năng tài chính áp dụng mức LS cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm LS cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.
Theo một chuyên gia NH thì mức giảm LS cho vay VND trong năm nay bình quân khoảng 0,2 - 0,3%/năm.
Lao động