MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương hưu, bao nhiêu là phù hợp?

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương hưu trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn phải gặp khó khăn, thiệt thòi sau cải cách.

Tăng lương hưu, bao nhiêu là phù hợp?- Ảnh 1.

Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại Hà Nội. Ảnh: Anh Dũng.

Theo đó, ngành LĐTBXH sẽ tham mưu để mức lương hưu sẽ tăng tối thiểu đạt 15% so với mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5%.

Hai mức đề xuất tăng

Nghị quyết số 104/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 nêu rõ, từ ngày 1/7/2024 thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Liên quan đến cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho rằng, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương hưu trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn phải gặp khó khăn, thiệt thòi sau cải cách.

“Nếu mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5% thì ít nhất lương hưu phải tăng 15%. Khi thực hiện cải cách tiền lương, người lao động nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được giải quyết chế độ ở mức cao nhất, bảo đảm không bị thiệt thòi. Đối với người có công, sau cải cách tiền lương sẽ được hưởng mức cao hơn bình quân” - ông Dung nhấn mạnh.

Cho ý kiến về phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của năm 2024, BHXH Việt Nam đề xuất tăng lương hưu thêm khoảng 8% từ ngày 1/7. Lý giải đề xuất này, BHXH Việt Nam cho hay, với cách tính mức bình quân tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần theo đề xuất thì bình quân 5 năm mức lương hưu của người lao động tăng khoảng 1,5% (chưa tính yếu tố trượt giá), đồng thời lương hưu của người nghỉ hưu sau ngày 1/7/2024 chỉ tăng khoảng 0,13% so với người nghỉ hưu tháng 6/2024.

Thực tế, mức điều chỉnh lương hưu tại năm 2004, 2005 chỉ khoảng 10% và xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023 (theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH năm 2014) thì BHXH Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8% là phù hợp. Cùng với đó căn cứ vào mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%. Đề xuất mức tăng này sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2024 trở đi.

Tăng mức nào để người nghỉ hưu đủ sống?

Là người có mức lương hưu được xem là cao (gần 8 triệu đồng/tháng) nhưng ông Nguyễn Văn Thể, cán bộ hưu trí ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, nếu không có sự hỗ trợ từ con cái thì mức lương hưu này không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng như chăm sóc sức khỏe.

“Về hưu tức là tuổi đã cao mà người già thì việc ốm đau, đi viện như “cơm bữa”. Đi viện dù đã có bảo hiểm y tế nhưng những chi phí khác ngoài bảo hiểm y tế cũng rất tốn kém. Có tháng riêng chi phí khám chữa bệnh đã hết hơn 1 tháng lương. Rất nhiều người về hưu nhưng lương hưu của họ chỉ có 3 triệu đồng/tháng. Mức lương hưu này làm sao giúp người về hưu đảm bảo được mức sống tối thiểu” - ông Thể giãi bày.

Vậy mức tăng lương hưu bao nhiêu là phù hợp? Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho rằng, ý kiến mỗi bên đều có cơ sở. Bộ LĐTBXH muốn mức tăng cao hơn vì lương hưu thấp; BHXH thực hiện theo Điều 57 Luật BHXH năm 2014.

“Luật BHXH năm 2014 quy định điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH, nhưng từ trước đến nay đều điều chỉnh lương hưu ở mức bằng hoặc cao hơn mức tăng lương của cán bộ công chức, viên chức. Cho nên, tới đây, cán bộ công chức, viên chức được điều chỉnh lương cao hơn thì người về hưu cũng cần được tăng lương hưu ở mức cao” - ông Huân phân tích.

Cùng với cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu là một trong những nội dung luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Tăng lương hưu sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước và sau cải cách tiền lương, đồng thời giúp hưu trí cải thiện cuộc sống. Trên thực tế, rất nhiều người hưởng lương hưu đang nhận mức lương hưu thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 1 (hiện là 4,68 triệu đồng/người/tháng). Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, nhiều người vẫn phải tìm việc làm để bảo đảm cuộc sống.

Nhiều năm nghiên cứu về chính sách an sinh xã hội, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, Bộ LĐTBXH cho biết, về nguyên tắc, tăng lương hưu từ 1/7/2024 phải đặt trong mối quan hệ với mức lương thấp nhất của công chức, viên chức nhưng cũng cần tính đến khả năng nguồn ngân sách và quỹ BHXH. Mức lương hưu thấp nhất bằng mức lương cơ sở, hiện nay là 1.800.000 đồng. Sắp tới thực hiện cải cách tiền lương sẽ bỏ mức lương cơ sở, cho nên theo xu hướng lương hưu thấp nhất bằng lương tối thiểu bình quân 4 vùng. Do đó, khi mức tăng lương cán bộ công chức, viên chức là 23,5% thì đề xuất tăng lương hưu 15% là phù hợp.

Theo Lê Bảo

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên