Tăng thuế môi trường với xăng dầu: Các dịch vụ, hàng hóa sẽ tăng giá?
Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh nâng khung thuế Bảo vệ môi trường từ 1.000-4.000 đồng/lít lên mức 3.000-8.000 đồng/lít.
- 18-02-2017Nới khung thuế môi trường xăng dầu: Doanh nghiệp lo ngại mất lợi thế cạnh tranh
- 07-02-2017VCCI: Tăng thuế môi trường xăng dầu khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh
- 18-01-2017Nới khung thuế môi trường: Dân lo xăng tăng giá, Bộ Tài chính nói gì?
Mặc dù theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế đã được tính toán nhiều yếu tố để không gây tác động song đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề cho rằng, ít nhiều việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ có tác động vào giá thành bán lẻ xăng dầu, từ đó tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Sưa, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang hội nhập với thế giới, nên chỉ một thay đổi nhỏ trong chính sách sẽ làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động và cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa.
Đặc biệt trong năm 2017 và những năm tới, các doanh nghiệp ngành thép sẽ tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến xuất khẩu sản phẩm. Khi tăng khung thuế bảo vệ môi trường, sẽ gây thêm nhiều hệ lụy liên quan đến tăng giá nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, gây khó khăn hơn trong sản xuất kinh doanh của họ. Bên cạnh đó, ông Sưa cho rằng, đề xuất liên quan đến thuế bảo vệ môi trường, thì cần có sự công khai, minh bạch trong thu-chi thuế để doanh nghiệp, cộng đồng biết.
Theo ông Cao Văn Dũng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Dũng Giang, việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường với giá xăng trước mắt sẽ chưa gây tác động ngay đến doanh nghiệp. Nhưng về lâu dài, khi mức thuế tăng theo khung, thì giá xăng dầu sẽ tăng theo. Lúc này, chi phí vận tải, chi phí cho các hệ thống bảo dưỡng, bảo trì sẽ phải tăng lên là đương nhiên.
Với mức tăng nằm trong khung 3.000-8.000 đồng/lít thì tác động đến doanh nghiệp khoảng 7% chi phí đầu vào, từ khi sản xuất, đến đầu ra sản phẩm. Tất cả các chi phí đó sẽ được doanh nghiệp đưa vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng sẽ phải mua với mức giá cao hơn.
Ông Dũng cho biết thêm, xăng đang ở mức 18.000 đồng/lít, nếu lên hơn 20.000 đồng/lít, thì nó sẽ tác động không chỉ vào giá đầu vào của doanh nghiệp mà còn tác động vào giá cả thị trường, tiêu dùng... Lúc đấy thì đồng lương người lao động cũng tăng lên, và chi phí hoạt động của doanh nghiệp sẽ bị đội lên rất cao, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội, nhìn chung, xăng dầu đang chiếm khoảng 15-20% chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Nên khi tăng thuế thì tăng giá bán lẻ, chắc chắn sẽ phần nào làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, việc tăng khung thuế suất 3.000-8.000 đồng/lít là khá cao. Các loại thuế, phí hiện đang chiếm khoảng 50% giá cấu thành xăng dầu. Nên để tránh việc giá xăng dầu tăng mạnh, tác động đến người tiêu dùng và nền kinh tế, có thể để mức tối đa của khung ở khoảng 5.000 đồng/lít.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, tạm tính cho thấy, với giá xăng dầu nhập khẩu (giá CIF) ở mức trên 9.000 đồng/lít hiện nay, mức thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít tương ứng với 30% giá nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cách đánh thuế tuyệt đối, một khoản tiền nhất định theo một lít xăng dầu, thay vì áp thuế tương đối, tỷ lệ phần trăm theo một lít xăng dầu là không công bằng mà chỉ có lợi cho cơ quan hành thu, tức là, giá xăng dầu có tăng giảm như thế nào thì nguồn thu vẫn ở một mức cố định như vậy. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới chỉ đánh thuế theo tỷ lệ tương đối.
Ông Long cho rằng, thuế là công cụ quan trọng để tăng nguồn thu bảo vệ môi trường nhưng không phải là công cụ duy nhất. Cùng với thuế, cần xem xét các công cụ khác với những chế tài xử phạt thật nặng tay với các hành vi gây tổn hại đến môi trường. Hay cơ quan quản lý khi phê duyệt các dự án đầu tư mới cần kiếm soát chặt báo cáo đánh giá mức độ tác động của dự án tới môi trường.
Mặt khác, Chính phủ đang chủ trương tái cơ cấu thu chi ngân sách, song, nếu chỉ tăng thu mà không chú trọng giảm chi một cách hợp lý, kỷ luật ngân sách không nghiêm thì không hẳn hiệu quả.
Ngược lại, cách thức hành thu như vậy sẽ gây nhiều hệ lụy đáng ngại là giá nguyên liệu đầu vào cao làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp từ đó dẫn đến thua thiệt ngay trên chính sân nhà. Hậu quả là, doanh nghiệp sẽ không có lợi nhuận để đóng thuế. Hay nói cách khác, việc tăng thu thuế này chính là “lợi bất cập hại.”
Giá xăng dầu Việt Nam chỉ thấp hơn một số nước, nhưng cũng cao hơn rất nhiều nước khác, đặc biệt là các nước có năng lực cạnh tranh tốt hơn Việt Nam như Singapore, Malaysia, Indonesia…
Đáng chú ý, khi nói đến sự cao thấp của giá xăng dầu cũng cần so sánh với thu nhập bình quân đầu người. Khi thu nhập người dân vẫn ở mức thấp mà giá xăng dầu cao cũng có nghĩa là người dân Việt Nam sẽ có ít tiền để chi tiêu hơn.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc tăng thuế môi trường chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội. Việc tăng bất cứ một loại thuế nào cũng phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với mặt hàng nhạy cảm đầu vào, là “máu” của cơ thể kinh tế như là xăng dầu. Xăng dầu có tác động to lớn đến sản xuất, an ninh quốc phòng, không giống như các hàng hóa thông thường khác.
Năm 2015, 2016, Việt Nam có thể kiểm soát được lạm phát cũng nhờ giá xăng dầu thế giới giảm mạnh. Vì vậy, nhất định phải tính toán kỹ lưỡng các tác động để xem sức chịu đựng của nền kinh tế đến đâu để đảm bảo nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Vì vậy, để đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường phù hợp, chắc chắn cơ quan quản lý nhà nước phải dựa vào các mô hình tính toán phù hợp dựa trên con số thu chi ngân sách hợp lý, tính đến các tác động vòng 1, vòng 2 khi tăng thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu, đồng nghĩa với tăng giá xăng dầu với kinh tế xã hội, với đời sống người dân, với sức khoẻ của nền kinh tế và của doanh nhiệp.
Ông Long cho rằng, đề xuất tăng thuế Bảo vệ môi trường mà trần tới 8.000 đồng/lít là chưa hợp lý, là quá cao, sẽ dẫn tới hệ luỵ là nhiều doanh nghiệp sản xuất mất khả năng cạnh tranh, hoạt động kém hiệu quả. Như vậy, nhà nước sẽ thất thu thuế doanh nghiệp khi họ làm ăn thua lỗ.
“Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2012; trong đó, khung thuế bảo vệ môi trường với sản phẩm xăng dầu là từ 1.000-4.000 đồng/lít. Trong khi mức thuế cho phép cao nhất của khung cũ còn chưa sử dụng hết thì việc đề xuất khung thuế mới từ 3.000-8.000 đồng/lít là chưa phù hợp,” ông Long nói./.
Vietnamnet