Tăng thuế thu nhập cá nhân: Cần cân nhắc kỹ!
Nợ đọng, thất thoát thuế còn diễn ra phổ biến, việc sử dụng ngân sách không hiệu quả… thì có tăng thuế lên cỡ nào cũng không thể bù đắp nổi.
- 04-01-2018Phương án mới tính thuế thu nhập cá nhân
- 03-01-2018Lại tăng thuế thu nhập cá nhân người thu nhập cao?
- 11-10-2017Ngân sách tăng thu nhờ xổ số, nhà đất, thuế thu nhập cá nhân
Bộ Tài chính vừa đưa ra 2 đề xuất thay đổi cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương và tiền công trong Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng tăng lên.
Ngân sách Nhà nước đang bị sử dụng không hiệu quả.
Nội dung này lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo người nộp thuế trong diện điều chỉnh của dự thảo. Bởi, hầu hết đều là những người làm công, ăn lương, thu nhập, đóng thuế hàng tháng ổn định từ trước tới nay. Và tiền lương là nguồn thu chính gần như duy nhất của đa phần người lao động. Chính vì vậy, bất cứ chính sách nào từ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hay thuế, phí… điều chỉnh đều tác động trực tiếp đến nồi cơm, bát nước của các gia đình; ảnh hưởng đến việc học tập của con cái họ…
Việc tăng thuế, trong một chừng mực nào đó là cần thiết đối với việc cân đối nguồn lực ngân sách. Tuy nhiên, tăng thuế thu nhập cá nhân không phải là giải pháp duy nhất cho vấn đề tài chính quốc gia, bởi nó không giải quyết được triệt để vấn đề, không thúc đẩy tăng năng suất lao động và không cải thiện được đời sống của người lao động – lực lượng cốt yếu nhất thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Vừa mới đây thôi, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Tài chính đã vui mừng thông báo thu ngân sách Nhà nước năm 2017 từ thuế tăng mạnh. Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2017 vượt gần 70.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu đề ra. Vậy lý do gì khiến cơ quan thuế, liên tục tính đến các loại thuế đánh mạnh vào người dân như thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân? Trong khi, khu vực những người làm công ăn lương là khu vực khá nhạy cảm, dễ bị tổn thương bởi bất kỳ sự biến động nào về chính sách, thị trường.... Lâu nay, mức lương ở các khu vực này đã rất thấp, mỗi lần tăng lương không đủ bù giá cả tăng cao, nhiều gia đình quay cuồng, vật lộn với cuộc sống.
Thu luôn tăng cao mà bội chi cũng lớn. Nhiều năm qua, tình trạng chi thường xuyên để duy trì bộ máy tăng nhanh, tạo gánh nặng lên ngân sách. Thâm hụt ngân sách là do chúng ta chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu. Theo con số ước tính từ Bộ Tài chính, nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách thì số người nhận lương từ ngân sách lên tới khoảng 11 triệu người.
Ngoài việc chi thường xuyên cho bộ máy quá lớn thì việc quản lý ngân sách Nhà nước còn nhiều hạn chế, còn nhiều kẽ hở gây thất thoát. Đầu tư công vào nhiều công trình, dự án không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực ghê gớm. Hàng loạt đại án kinh tế được đưa ra xét xử thời gian qua là minh chứng cho thấy, tiền thuế của dân đang bị sử dụng kém hiệu quả cỡ nào. Còn như hiện nay, chỉ với mục đích tăng thu cho ngân sách hơn 1000 tỷ đồng mà tạo một hiệu ứng xã hội không mấy tích cực thì việc tăng thuế TNCN cần phải được cân nhắc.
Cùng với đó, kỷ luật thuế chưa cao, việc cán bộ thuế móc ngoặc với người dân, doanh nghiệp chiếm đoạt thuế của Nhà nước với số tiền “khủng” vẫn còn tiếp diễn; tình trạng nợ đọng thuế ở Việt Nam vẫn ở mức cao.
Chính vì thế, thay vì việc “đè” từng người lao động hưởng lương ra thu từng đồng thuế nhỏ thì những người có trách nhiệm với ngân sách quốc gia, những người được giao nhiệm vụ thu thuế hãy làm cho nghiêm, cho đúng, để không xảy ra thất thoát, chiếm dụng thuế như thời gian qua.
Làm tốt nhiệm vụ này, không những người lao động không phải tăng phần thuế nộp mà còn có cơ hội được tăng lương, gia tăng năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội./.
VOV