Tăng thuế VAT, cả nước có thêm 240.000 người nghèo
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế, nếu tăng thuế VAT lên 1,2% ở mỗi hàng hóa, tỷ lệ chi tiêu bình quân sẽ giảm đi 0,89%, trong khi tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26 điểm%, tương ứng khoảng 240.000 người nghèo.
-
TS Nguyễn Đức Thành: NHNN đã 'chia lửa' với Chính phủ, giờ cần điều hành sao cho 'khéo' để lạm phát không trở lại
-
Mức tăng trưởng 6,7% cũng có thể đạt được nếu Chính phủ quyết tâm. Nhưng vấn đề là năm sau thì như thế nào? Cứ làm theo phương pháp cũ hay sao?
Đây là kết quả nghiên cứu được các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân công bố tại Hội thảo Đánh giá tác động của Tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình sáng ngày 28/6.
Cụ thể, bằng việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu định lượng, nhóm nghiên cứu đã tính toán mức độ ảnh hưởng đối với 2 phương án tăng thuế.
Với phương án tăng thuế VAT thêm 1,2 lần (hàng hoá đang có mức thuế 5% lên 6%; thuế 10% tăng lên 12%) theo đề xuất của Bộ Tài chính, theo nhóm nghiên cứu tỷ lệ chi tiêu bình quân sẽ giảm đi 0,89%, trong khi tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26 điểm phần trăm, tương ứng với tăng thêmkhoảng 240.000 người nghèo.
Phương án 2 mà nhóm nghiên cứu đưa ra là áp dụng thuế suất chung 10%.
Với phương án này sẽ làm giảm chi tiêu 0,32% và gia tăng số người nghèo thêm 202.000 người (thấp hơn phương án 1). Các nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Theo TS. Nguyễn Việt Cường, Đại học Kinh tế Quốc dân, tăng VAT tất nhiên ảnh hưởng đến các cá nhân. Phương án tăng 1,2% làm chi tiêu giảm mạnh hơn là phương án điều chỉnh thuế VAT cho nhóm mặt hàng từ 5% lên 10%.
“Tác động tăng thuế VAT sẽ rõ rệt đối với các hộ nghèo và cận nghèo, bởi họ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất. Về phân loại, nhóm yếu thế khi VAT bị tăng là trẻ em, người già, lao động nữ, người làm việc có kỹ năng thấp... sẽ ảnh hưởng nhiều hơn”, ông Cường phân tích.
Phân tích ở góc độ bình đẳng giới, các chuyên gia cho rằng các cải cách thuế gián thu trong đó có VAT gián tiếp phân biệt đối xử với phụ nữ. Nguyên nhân bởi phụ nữ có trình độ học vấn thấp hơn, lao động trong khu vực có trình độ chuyên môn và tay nghề thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi thu nhập từ tiền lương, tiền công thấp hơn so với nam giới.
Dưới góc độ vĩ mô, ngoài các kịch bản tăng thuế VAT, nghiên cứu cũng mô phỏng hai kịch bản tăng hai loại thuế khác (thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt). Các kết quả mô phỏng đều cho thấy sản lượng của nền kinh tế đều không được cải thiện.
Trong cả hai kịch bản, tăng thuế suất VAT tác động tiêu cực lên phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Nếu xét theo đặc điểm của hộ, các hộ sẽ bị ảnh hưởng mạnh bao gồm: hộ sống ở khu vực miền Nam, hộ có nhiều thành viên, hộ có trình độ học vấn thấp và hộ có nhiều thành viên trong độ tuổi lao động.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, việc tăng thuế VAT nhìn chung đều ảnh hưởng đến các hộ gia đình, người dân, vì giá cả tăng theo. Sự tổn thương sẽ có mức độ khác nhau giữa các nhóm.
Khi tăng thuế VAT, người có thu nhập cao bị ảnh hưởng hơn một chút so với người nghèo, tuy nhiên người nghèo sẽ bị thiệt hại về thực tế thu nhập nhiều hơn so với người giàu do thu nhập ít hơn. Về cơ bản, các hộ ở nông thôn, nhiều thành viên, trình độ học vấn thấp… thì ảnh hưởng mạnh hơn do tăng thuế VAT.
Theo ông Thành, việc tăng thuế không làm tăng sản lượng thực của nền kinh tế và làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Thậm chí, nếu tiền thuế tăng thêm lại được Chính phủ đưa vào chi thường xuyên mà không chi đầu tư phát triển sẽ làm cho sản lượng thực của nền kinh tế giảm.
“Chính phủ nên nghĩ đến việc cải cách lại các loại thuế tài sản, do tỷ trọng của loại thuế này trong tổng số thu thuế còn quá khiêm tốn. Các đề xuất tăng thuế gần đây luôn bị công luận phản đối rất mạnh. Do đó, trước khi tăng thuế Chính phủ phải thuyết phục được người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu chính phủ. Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách cần phải được nâng cao hơn và theo kịp với chuẩn mực quốc tế trước khi đưa ra các đề xuất tăng thuế” – Viện trưởng VEPR nói.
Tiền phong