Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Áp lực giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại của năm 2024 là rất lớn. Do đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ.
- 08-06-2024Giải ngân đầu tư công “trì trệ” TP.HCM ráo riết vực dậy
- 08-06-2024Nhiều nơi vẫn ì ạch giải ngân vốn đầu tư công
- 07-06-2024Tiền Giang tiếp tục đứng đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), đến hết tháng 5-2024, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 148.284 tỉ đồng, chỉ bằng 22,34% kế hoạch Thủ tướng giao. Bên cạnh một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân tốt, vẫn còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước.
Nhiều địa phương "ì ạch"
Năm 2024, Thủ tướng đã giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 657.349 tỉ đồng. Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch.
Kết quả giải ngân 5 tháng đầu năm 2024 cho thấy không ít bộ, ngành, địa phương vẫn đang "ì ạch", tạo áp lực giải ngân vốn cho những tháng cuối năm. 29 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn thấp mà Bộ KH-ĐT "điểm tên" gồm: TP HCM (10,36%), Hưng Yên (10,53%), Hải Dương (11,86%), Phú Yên (12,47%)...
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, vốn đầu tư công mà địa phương này giải ngân trong 5 tháng đầu năm đạt 19,18%, thấp hơn mức trung bình cả nước. Năm nay, Hà Nội có 226 dự án đầu tư công, trong đó lĩnh vực giao thông 58 dự án, chiếm 19,5% kế hoạch vốn. Đến nay, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Hà Nội đang khẩn trương triển khai, kết quả giải ngân vốn còn khá khiêm tốn. Chẳng hạn, dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô có số vốn kế hoạch năm 2024 là hơn 903 tỉ đồng (đạt 9,3% kế hoạch).
Tại Hải Phòng, trong 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư công giải ngân ước khoảng 4.762,8 tỉ đồng, đạt 21,21% so với kế hoạch năm...
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công còn thấp là do nhiều bất cập trong các cơ chế, chính sách, cũng như trong khâu tổ chức thực hiện. Một số nguyên nhân khác được cơ quan này chỉ ra như: công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư.
Biến động giá nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng khan hiếm... cũng khiến tiến độ triển khai các dự án diễn ra chậm. Bộ Tài chính cho biết về vật liệu xây dựng để thi công các công trình, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo, trực tiếp làm việc với các địa phương nhằm tháo gỡ; công tác cấp phép khai thác mỏ tại nhiều dự án đã có chuyển biến tích cực. Song, nguồn vật liệu đắp nền đường tại khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; việc sử dụng cát biển triển khai chậm, số lượng hạn chế.
Đánh giá việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua dù có khởi sắc nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng nhiệm vụ giải ngân những tháng tới rất nặng nề. Do đó, cần sớm tháo gỡ vướng mắc, tồn tại thời gian dài liên quan cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục giải ngân; công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu... Bên cạnh đó, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công những tháng tới rất nặng nề, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh cần xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án để theo dõi, đôn đốc, kịp thời giải quyết khó khăn. "Kết quả giải ngân của từng nhiệm vụ, từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của các cấp, các ngành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của người đứng đầu" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Đối với vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề nghị các địa phương khó khăn phối hợp với địa phương lân cận có nguồn mỏ vật liệu, đất, cát... để điều phối, cung ứng cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trên địa bàn, bảo đảm đủ vật liệu theo tiến độ cho nhu cầu thi công của các dự án. Đối với 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương vừa bị Thủ tướng phê bình vì giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị lãnh đạo các đơn vị này kiên quyết thực hiện việc điều chuyển cán bộ đối với người sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Việc xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu để chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được đề cập nhiều lần. Song, theo TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, thời gian qua chúng ta chưa "mạnh tay" trong việc này, nên vẫn còn tình trạng cán bộ đùn đẩy, chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình trong giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng cần cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân thì mới thúc đẩy tiến độ công việc được. Khi Thủ tướng liên tục chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn mà nhiều nơi vẫn "ì ạch" thì theo ông, vai trò người đứng đầu các cơ quan được phân bổ vốn rất quan trọng; vướng ở đâu phải quyết liệt tháo gỡ ở đó.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng cần có chính sách khen thưởng kịp thời đối với các dự án đạt tiến độ, giải ngân tốt. Mặt khác, với dự án chậm tiến độ, tỉ lệ giải ngân thấp, phải có chế tài xử lý để nâng cao kỷ luật, kỷ cương. Vì vậy, thời gian tới, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia như đường cao tốc, dự án liên vùng...
Tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả
Năm 2024, TP HCM cần giải ngân hơn 79.000 tỉ đồng vốn đầu tư công - cao hơn 10.000 tỉ đồng so với năm 2023. TP HCM xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải tập trung thực hiện quyết liệt và hiệu quả.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã phê bình 8 đơn vị chậm trễ, chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị đã được UBND thành phố chỉ đạo, dẫn đến giải ngân vốn không đạt theo kế hoạch đề ra. Cùng với việc phê bình các đơn vị làm chưa tốt, Chủ tịch UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo từng đầu việc cụ thể đến từng đơn vị; yêu cầu khẩn trương thực hiện, không được tiếp tục chậm trễ, để thúc đẩy tiến độ dự án, giải ngân vốn đầu tư công.
Với vướng mắc của 60 dự án thuộc thẩm quyền giải quyết, tham mưu của các sở, ngành, địa phương chậm tiến độ xử lý, đã được UBND TP HCM chỉ đạo nhưng chưa giải quyết dứt điểm, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị giải quyết trước ngày 20-6, không được tiếp tục chậm trễ.
Chủ tịch UBND TP HCM cũng yêu cầu thủ trưởng các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc TP HCM tập trung chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ; trực tiếp kiểm tra, giám sát, bám sát tiến độ dự án và tiến độ giải quyết thủ tục liên quan của các sở, ngành; kịp thời báo cáo tiến độ cho Sở KH-ĐT, UBND TP HCM để đôn đốc, giám sát, chỉ đạo giải quyết khó khăn vướng mắc kịp thời, bảo đảm tiến độ đề ra.
Các sở, ngành cùng UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án trước ngày 20-6. Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đẩy nhanh thực hiện thủ tục đối với 75 dự án liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thủ tục về môi trường.
Ngoài ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức giải quyết, hoàn thành thủ tục đối với 41 dự án liên quan công tác điều chỉnh quy hoạch. Các sở chuyên ngành tập trung xử lý dứt điểm 70 kiến nghị liên quan thủ tục đầu tư thuộc thẩm quyền. UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức xử lý dứt điểm 92 kiến nghị thuộc thẩm quyền liên quan công tác điều chỉnh quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng...
Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường kiểm tra các dự án, chấn chỉnh ngay tồn tại, hạn chế; kiên quyết xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Song, tình trạng "có tiền không tiêu được" vẫn diễn ra.
Hải Phòng thành lập 2 tổ công tác tháo gỡ khó khăn
UBND TP Hải Phòng vừa thành lập 2 tổ công tác để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Hai tổ công tác này được giao các dự án cụ thể: Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng Đường tỉnh 352; dự án đầu tư xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài đến đường trục VSIP và phát triển đô thị vùng phụ cận; dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận...
Hai tổ công tác sẽ nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng, để kịp thời tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ.
Người lao động