Giải ngân đầu tư công “trì trệ” TP.HCM ráo riết vực dậy
Mặc dù có nhiều nỗ lực, quyết tâm nhưng giải ngân đầu tư công của TP.HCM vẫn chưa đạt mục tiêu đặt ra. Hết tháng 5/2024, TP.HCM mới giải ngân được khoảng 7.000 tỷ đồng, chưa tới 10% tổng vốn được giao.
- 08-06-2024Số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu tăng 11,3%
- 08-06-2024Khu vực đang xây dựng 4 tuyến đường 15.000 tỷ xung quanh một khu công nghiệp thu hút hơn 2,3 tỷ USD
- 08-06-2024Du lịch Việt chịu thiệt vì quỹ hỗ trợ đóng băng
Con số giải ngân chỉ 200 tỷ đồng/tuần so với mục tiêu 3.500 – 4.000 tỷ đồng là rất đáng báo động bởi nếu vẫn giải ngân tới tốc độ này, rất khó để TP.HCM có thể đạt được các mục tiêu về giải ngân trong năm nay.
Khó khăn phát sinh
TP.HCM đề ra mục tiêu giải ngân 10-12% trong quý 1 và 30% đến hết quý 2. Tuy nhiên, đến giờ này TP.HCM vẫn giải ngân ở mức thấp, chỉ gần đạt chỉ tiêu của quý 1. Tháng 4 và 5/2024, TP xác định mỗi tuần phải giải ngân 3.500 tỷ đồng – 4.000 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ giải ngân 200 tỷ đồng/tuần.
Được giao giải ngân đến 12.380 tỷ đồng trong năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đang quyết liệt triển khai các giải pháp để đảm bảo tiến độ giải ngân. Năm nay số vốn liên quan đến xây lắp chiếm đa số, đến 8.800 tỷ đồng, trong đó riêng Vành đai 3 là 4.900 tỷ đồng. Do đó, tiến độ thi công của dự án này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chung.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, bình quân mỗi tháng còn lại, Ban phải giải ngân 1.400 tỷ đồng (Vành đai 3 là 560 tỷ đồng). Ban đã lên phương án cụ thể chi tiết và mục tiêu của Ban vẫn là giải ngân trên 95%. Ban Giao thông tiếp tục phân loại, làm việc với từng đơn vị, lấy mốc là ngày 30/6 để đánh giá và sẽ xử lý các nhà thầu làm việc không hiệu quả.
Từ ngày 15/6, khoảng 1 triệu m3 cát từ miền Tây sẽ được đưa về các công trường của dự án Vành đai 3 để giải quyết thách thức lớn nhất, ảnh hưởng đến tiến độ chung dự án. Theo ông Phúc, các nhà thầu sẽ thanh toán cát theo giá thị trường và TP sẽ xem xét bù giá theo quy định.
Đặc biệt, trong triển khai dự án Vành đai 3 TP.HCM, có một yếu tố trong giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ. Toàn dự án chỉ còn vướng giải phóng mặt bằng khoảng 1,2% nhưng đa số các trường hợp chưa giải quyết nằm ở các vị trí quan trọng, tiếp cận công trường. Việc này đang được TP Thủ Đức giải quyết rốt ráo trong tháng 6.
Ông Lương Minh Phúc cho biết thêm: “Tháng 6 có những điểm cũng như những deadline là vật liệu cho Vành đai 3, hai là giải phóng mặt bằng ở các địa phương. Đó là những khó khăn, yêu cầu phải vượt qua. Ban Giao thông vẫn đánh giá là quyết tâm giữ mục tiêu này”.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết, ngoài khó khăn chung thì phía Ban Hạ tầng cũng có ảnh hưởng về vấn đề “khan cát”.
Năm 2024, Ban Hạ tầng được giao gần 13.000 tỷ đồng nhưng có hai dự án lớn là bờ Bắc kênh Đôi và rạch Xuyên Tâm có vốn đền bù giải phóng mặt bằng đến 8.900 tỷ đồng (chiếm gần 70% tổng vốn được giao). Trong đó, dự án rạch Xuyên Tâm ở quận Gò Vấp khá thuận lợi nhưng tại quận Bình Thạnh (chiếm phần lớn vốn) vẫn đang tắc.
“Ban bồi thường của quận Bình Thạnh khẳng định đến cuối tháng 6 này vẫn chưa duyệt được phương án bồi thường. Do đó về nguyên tắc 5.400 tỷ đồng của Xuyên Tâm đứng yên một chỗ không thể giải ngân. Và nếu không giải ngân được thì Ban khó hoàn thành nhiệm vụ của năm 2024” - ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng nói.
Phải tự ái khi giải ngân thấp
Theo kế hoạch giải ngân các đơn vị đã xây dựng thì tổng số vốn dự kiến giải ngân đến hết niên độ năm 2024 (31/1/2025) là 96,9% kế hoạch vốn được giao, tương ứng với 76.801 tỷ đồng/79.263 tỷ đồng.
Qua rà soát tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của từng đơn vị, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM phân tích, dự kiến TP chắc chắn sẽ giải ngân được hơn 41.400 tỷ đồng (tỷ lệ 52%).
Còn lại có 150 dự án với tổng số vốn hơn 25.400 tỷ đồng (chiếm 32% tổng vốn) có khó khăn vướng mắc nhưng có khả năng giải ngân trong năm nay trong trường hợp tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục liên quan. 43 dự án với tổng số vốn hơn 3.100 tỷ đồng (3,9%) có khó khăn vướng mắc được xác định là không có khả năng giải ngân được.
Ngoài ra, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng số vốn giao là 6.814 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng số vốn giao cũng gặp các vướng mắc liên quan thẩm quyền thuộc Chính phủ và các cơ quan trung ương và chưa biết ra sao.
Sốt ruột trước các con số giải ngân quá thấp, tại buổi họp về tình hình kinh tế-xã hội mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ngành đơn vị có liên quan cần phải đặt ra các giải pháp và có khối lượng thực tế ngay trong tháng 6.
Phân tích một số nguyên nhân, ông Phan Văn Mãi cho rằng, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt. Ví dụ như Vành đai 3 TP.HCM năm trước phải trả lại 7.000 - 8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Vành đai 2 chuẩn bị dự án không tập trung, dẫn đến đi tới không được, quay lại sửa nên tốn nhiều thời gian và hiện đang có nguy cơ khối lượng giải ngân phải chuyển sang năm sau.
Một dự án khác cũng bị chậm tiến độ là bờ Bắc kênh Đôi (Quận 8) mà theo ông Phan Văn Mãi, chủ đầu tư và địa phương chưa thực sự rốt ráo. Ông Mãi đặt vấn đề, nếu cứ theo quy trình là điều chỉnh quy hoạch 3 tháng, phê duyệt dự án 3 tháng, lấy ý kiến người dân 6 tháng là quá chậm và gợi ý "nếu như chúng ta đi vận động người dân đồng ý bằng văn bản thì không cần phải chờ 6 tháng." TP có kinh nghiệm trong triển khai dự án Vành đai 3 TP.HCM và cần phải chủ động áp dụng trong các dự án khác chứ nếu không công tác giải ngân đầu tư công sẽ trì trệ từ tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác…
Ông Phan Văn Mãi cũng một lần nữa yêu cầu, chủ đầu tư phải làm việc với các nhà thầu, rà soát lại dự án nào, nhà thầu nào trên thực tế không có tiến triển thì phải xử lý. Trong tháng 6/2024, Văn phòng UBND TP.HCM và các chủ đầu tư phải đi kiểm tra một số dự án và phải xử lý một số nhà thầu chây ì.
Theo ông Phan Văn Mãi, qua kế hoạch thì công tác giải ngân đầu tư công của TP rất ổn, phân nhóm, chỉ ra các vấn đề, tiến độ giải ngân đề ra kèm theo một số điều kiện, nhưng một số điều kiện không được giải quyết nên cuối cùng là không giải ngân được.
“Chúng ta cần công trình hoàn thành, cần tiền đi vào nền kinh tế để tạo ra tăng trưởng chứ không cần con số đẹp. Cho nên chúng ta phải tập trung làm với tinh thần trách nhiệm cao, phải tự ái, phải làm. Đâu cần phải để ai đi kiểm tra, xử lý kỷ luật thì mới làm. Đừng để đến cái đó. Còn nếu như không tập trung thì chắc cũng phải làm thế, tháng 6 này TP sẽ kiểm tra một số chủ đầu tư, dự án” - ông Phan Văn Mãi nói.
Năm 2024, TP.HCM được giao giải ngân đầu tư công với con số kỷ lục là 79.000 tỷ đồng. Với tiến độ như hiện nay thì mục tiêu giải ngân trên 95% là không thể. Tuy nhiên, TP vẫn đang tập trung cao độ để tăng tốc và xác định các trọng tâm, trọng điểm, bắt đúng nguyên nhân để đề ra giải pháp chính xác, hiệu quả, tạo chuyển biến ngay trong tháng 6 này. Bởi, chỉ có đẩy mạnh giải ngân đầu tư công mới có thể dẫn dắt thị trường, bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác trong bối cảnh tiêu dùng tăng trưởng chậm, đầu tư tư nhân (FDI, ngoài nhà nước) chưa khởi sắc.
VOV