MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng tốc vực dậy kinh tế TP HCM (*): Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công

TP HCM đang gặp khó khi triển khai quá nhiều dự án trọng điểm cùng lúc, dàn trải trong bối cảnh nguồn lực có hạn.

Khi con số tăng trưởng kinh tế quý I/2023 của TP HCM gây bất ngờ cho chính quyền lẫn các chuyên gia, nhà quan sát với 0,7% thì tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng khiến thành phố "đau đầu" không kém.

Đặc thù nguồn vốn đầu tư công ?!

Theo số liệu từ UBND TP HCM, đến ngày 24-3, vốn đầu tư công chỉ mới giải ngân 952 tỉ đồng, đạt 2% tổng số vốn được giao là hơn 43.440 tỉ đồng. Một số chuyên gia nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế TP HCM (GRDP) quý I giảm sâu hơn dự báo là do thành phố bỏ qua "vũ khí quan trọng nhất" là đầu tư công. Tuy nhiên, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố, cho rằng nhận định trên chưa chính xác.

Theo ông Phúc, thành phố đã thành lập 3 tổ công tác và tất cả ban điều hành dự án đều có báo cáo tiến độ chi tiết từng tháng, từng tuần. Lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành họp, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên tục. "TP HCM vẫn đang đẩy nhanh giải quyết các khó khăn, vướng mắc để giải ngân nguồn vốn đầu tư công được sớm hơn, chứ không phải đang bỏ rơi "vũ khí" - ông Phúc nói.

Phân tích từ góc độ đặc thù các nguồn vốn, ông Phúc cho biết trong năm 2023, đơn vị được giao nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là 31.000 tỉ đồng, riêng dự án đường Vành đai 3 là 23.000 tỉ đồng, chiếm 80%. Đặc điểm của nguồn vốn này là giải ngân rơi vào quý III, IV. Số vốn còn lại cũng tương tự, như: 600 tỉ đồng là vốn ODA sau khi điều chỉnh các thủ tục thì thời điểm giải ngân rơi vào quý II năm nay; 2.000 tỉ đồng cho 46 dự án giải phóng mặt bằng có thời điểm giải ngân cũng rơi vào quý II, III, cao điểm là quý IV; 4.000 tỉ đồng cho 30 dự án xây lắp, ngoài 3 dự án khởi công mới thì phải mất 3 tháng để làm các thủ tục nên khối lượng giải ngân sẽ tăng dần lên từ quý II… "Tổng thể kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công quý II là 40%, quý III là 75% và quý IV là 90%-95%" - ông Phúc nói.

Riêng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại dự án đường Vành đai 3, ông Phúc cho biết từ quý II/2023, dự án bước sang giai đoạn cực kỳ quan trọng. Đó là triển khai khởi công các gói thầu phần xây lắp và hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023. "Từ nay đến ngày 31-12 phải giải ngân cho hết số tiền 23.000 tỉ đồng. Hiện tiến độ đang được kiểm soát theo đúng chỉ đạo. 

Các đơn vị đang hoàn tất thiết kế, dự toán… để trình Sở Giao thông Vận tải và các sở, ban, ngành liên quan để trước ngày 30-4 dự toán, hồ sơ đấu thầu được phê duyệt. Dự kiến trong tháng 5 và 6, dự án bước vào giai đoạn đấu thầu chọn ra nhà thầu xây lắp và tư vấn. Chủ đầu tư bảo đảm cuối năm các gói thầu sẽ được hoàn thành như kế hoạch. Các địa phương có dự án đi qua cũng hoàn thành việc công bố dự thảo, phương án bồi thường" - ông Phúc thông tin thêm.

Dù vậy, ông Phúc cũng cho rằng cần đẩy nhanh công tác phối hợp, rút ngắn các thủ tục để nguồn vốn đầu tư công đưa vào thị trường sớm nhất có thể.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cũng nhấn mạnh: "Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công không thể chia đều trong 12 tháng. Bởi vì rất nhiều hoạt động giải ngân có thể tập trung vào từng thời điểm tùy theo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công".

Dẫn thực tế từ địa phương, ông Tùng cho hay TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch tập trung giải ngân vốn đầu tư công vào tháng 9 và tháng 10-2023. Kế hoạch được xây dựng từ thực tiễn dựa trên việc nghiên cứu hết sức chi tiết các dự án đầu tư trên địa bàn. 

"TP Thủ Đức nhận thấy nếu TP HCM có bảng giải ngân tổng và bám sát theo kế hoạch từng tháng thì tiến độ giải ngân sẽ thuận lợi. Tất nhiên, tiến độ giải ngân cũng phụ thuộc rất lớn vào việc hoàn tất các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng" - ông Tùng nói.

Tháo điểm nghẽn quy trình, thủ tục

Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế, mấu chốt cần làm lúc này vẫn là triển khai những chính sách để tháo gỡ điểm nghẽn về đầu tư công nhằm giúp thị trường hấp thụ vốn, gỡ vướng về thủ tục hành chính, đất đai, xây dựng… để nhanh chóng vực dậy kinh tế TP HCM. TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố là rất lớn, cũng như kích cầu đầu tư công sẽ góp phần vực dậy kinh tế đầu tàu cả nước. Dù vậy, để triển khai được cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các sở, ban ngành liên quan với các giải pháp cụ thể, rõ ràng, quy định thời gian hoàn thành từng đầu việc bằng tiêu chí, chỉ tiêu, định mức… 

"Một lợi thế của đầu tư công là tiền không thiếu nhưng liên quan quy trình, thủ tục phê duyệt còn chậm và phức tạp. Do đó, cần sự vào cuộc bằng thái độ quyết tâm, những khó khăn nào trong tầm tay của TP HCM thì phải mạnh mẽ tháo gỡ, còn vướng mắc cao hơn cần phối hợp với Bộ Xây dựng để xử lý nhanh chóng. Như đầu tư công về cơ sở hạ tầng hiện có thể có khó khăn như thiếu vật liệu xây dựng trên các công trình trọng điểm, khó khăn đến đâu phải gỡ đến đó" - TS Cấn Văn Lực nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho kinh tế TP HCM đã được ông kiến nghị. Quan trọng lúc này là thành phố triển khai tháo gỡ các khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp ra sao để thúc đẩy kinh tế của thành phố. Chuyên gia này cũng nhiều lần đề nghị trung ương nên mạnh dạn cho phép TP HCM áp dụng biện pháp kích cầu đầu tư như sau giai đoạn khủng hoảng ở những lĩnh vực có thể sử dụng nguồn vốn hợp tác công - tư (PPP).

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của TP HCM theo phương thức PPP cũng là một trong những giải pháp được ông Huỳnh Phước Nghĩa, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, đề cập khi trao đổi về giải pháp thúc đẩy đầu tư công cho thành phố.

Theo chuyên gia này, ngoài những khó khăn liên quan quy trình, thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính… không chỉ thành phố và các địa phương khác cũng đều gặp tình trạng tương tự, TP HCM còn gặp khó khi quá nhiều dự án trọng điểm cùng triển khai một lúc, dàn trải trong bối cảnh nguồn lực có hạn. 

"Thành phố có thể nghiên cứu để ưu tiên một số dự án, công trình trọng điểm cần triển khai và hoàn thành trước, như dự án về dịch vụ hạ tầng, logistics, công trình giao thông, mở rộng cảng… để dành nguồn lực phù hợp với mục tiêu hoàn thành nhanh nhất theo đúng tiến độ. Chẳng hạn, những dự án hạ tầng trọng yếu là động lực tăng trưởng của thành phố ở các cửa ngõ kết nối với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh ĐBSCL là cần triển khai đúng hạn, góp phần kích cầu kinh tế của TP HCM và cả vùng" - ông Nghĩa phân tích.

Trong khi đó, ông Greg Testerman, Chủ tịch AmCham Việt Nam, góp ý để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, TP HCM cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông bởi đây là một hạn chế đáng kể của thành phố, đặc biệt là đối với sản xuất và du lịch.

Theo AmCham Việt Nam, ùn tắc giao thông trong và xung quanh TP HCM ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, các kế hoạch đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở miền Nam cần được triển khai và đẩy nhanh như một phần của hành lang chuỗi cung ứng tổng thể miền Nam để thúc đẩy kết nối các khu kinh tế. 

"Trải dài từ Bình Dương và Đồng Nai ở phía Bắc đến Bà Rịa - Vũng Tàu ở phía Nam, các khu công nghiệp cần được tiếp cận dễ dàng thông qua những đường cao tốc không ùn tắc, đến sân bay Long Thành mới, cảng Cát Lái và cảng biển Trung tâm Logistics Cái Mép. Điều này là rất cần thiết để giảm bớt sự ùn tắc của TP HCM và tạo cơ hội tăng sản lượng công nghiệp trên khắp miền Nam" - Chủ tịch AmCham nêu kiến nghị. 

Kiến nghị phân cấp, phân quyền nhiều hơn

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho rằng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, của quận, rất cần sự hỗ trợ của sở, ngành thành phố. Một dự án đầu tư khi thực hiện phải qua nhiều khâu, chủ đầu tư chỉ làm một số bước nhất định; còn phê duyệt có khi phải điều chỉnh, thẩm định nên rất cần sự ủng hộ của sở, ngành.

Theo ông Nhựt, trước đây quận, huyện có thẩm quyền phê duyệt các dự án trường học nhưng hiện nay đã thuộc về sở, ngành thành phố. Điều này làm cho quận khó chủ động trong công tác triển khai. Do đó, ông Nhựt kiến nghị TP HCM phân cấp, ủy quyền lại cho quận, huyện được phê duyệt dự án nhóm C ở lĩnh vực đầu tư trường học để đẩy nhanh tiến độ dự án vốn đầu tư công.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-4

Theo PHAN ANH - THÁI PHƯƠNG - THANH NHÂN

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên