Tăng trưởng đến khó tin, mặt hàng "vua" của Việt Nam được Campuchia thích thú, tăng mua gấp 186 lần
Riêng tháng 7, xuất khẩu mặt hàng này đạt mức kỷ lục 280 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng), tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.
- 29-08-2024Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tiếp tục phá kỷ lục
- 27-08-2024Sau Thái Lan và Malaysia, sắp xuất hiện thêm một đối thủ sầu riêng của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, sản lượng 'khủng' 1,85 triệu tấn trong năm 2023
- 27-08-2024Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7 năm nay, xuất khẩu rau quả của nước ta thu về gần 3,9 tỷ USD, tăng mạnh 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng, chuối và thanh long là những sản phẩm chính đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm nay.
Để có kết quả này, có sự đóng góp không nhỏ của mặt hàng sầu riêng. Theo số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), lũy kế 7 tháng, tổng xuất khẩu sầu riêng đạt 1,6 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng sầu riêng chiếm tới 41% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 7, xuất khẩu sầu riêng đạt mức kỷ lục 280 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng), tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số 10 thị trường hàng đầu nhập khẩu sầu riêng Việt Nam nửa đầu năm, Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 1,22 tỷ USD, chiếm 92,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng 46%. Thị trường Thái Lan đứng thứ hai, với 47 triệu USD, tăng 95,5% so với nửa đầu năm 2023.
Đáng chú ý, thị trường Campuchia trong 7 tháng đầu năm đã tăng mạnh lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện, Campuchia đang là thị trường lớn thứ 9 nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Campuchia đã tăng 186 lần lượng sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam so với cùng kỳ năm ngoái, đạt giá trị 2,53 triệu USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Campuchia có nhiều du khách nước ngoài, trong đó có cả du khách Trung Quốc, nên có nhu cầu cao về tiêu thụ sầu riêng. Trong khi đó, nguồn cung trong nước không nhiều nên họ gia tăng nhập khẩu từ Việt Nam.
Ông cũng nhấn mạnh, với đà tăng trưởng hiện nay thì năm 2024 xuất khẩu sầu riêng cầm chắc 3 tỷ USD và khả năng có thể đạt tới 3,5 tỷ USD.
Vùng trồng sầu riêng lớn nhất Việt Nam hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên, tiếp đến là đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và một số ít ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Việt Nam có lợi thế nguồn cung sầu riêng quanh năm, trong khi hiện nay sầu riêng của các nước như Thái Lan, Malaysia đã cuối vụ.
Thái Lan hiện nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới Năm 2023, quốc gia này xuất khẩu đến 7 tỷ USD. Thái Lan cũng chính là đối thủ lớn nhất của Việt Nam về mặt hàng này.
Báo cáo về ngành hàng sầu riêng của chuyên gia kinh tế quốc tế Aat Pisanwanich, được The Nation dẫn lại cho thấy, sản lượng sầu riêng Thái Lan có nguy cơ giảm tới 53% trong 5 năm tới, xuống còn khoảng 640.000 tấn, nếu chính phủ nước này không sớm có các biện pháp đối phó biến đổi khí hậu. Chỉ riêng hạn hán năm nay đã khiến sản lượng sầu riêng Thái Lan ước tính giảm 42%, xuống còn khoảng 540.000 tấn. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế.
Đời sống & pháp luật