MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng ngành nông nghiệp là điểm sáng của kinh tế Việt Nam

Trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế 9 tháng 2018, ngành nông nghiệp là một điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam.

Tăng trưởng khả quan

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng đầu năm 2018 mặc dù phải đối mặt với 14 loại hình thiên tai, thiệt hại về kinh tế hơn 2.356 tỷ đồng nhưng khu vực nông lâm và thuỷ sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012 – 2018. Giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, khu vực sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng 2,78%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2012-2018. Thủy sản cũng đạt kết quả tốt với mức tăng 6,37%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua. Khu vực sản xuất lâm nghiệp tăng 5,9%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của ngành nông nghiệp ước đạt 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 73% kế hoạch năm và vượt 1,3% mục tiêu quý III đã đề ra. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2017 là gạo, rau quả, sản phẩm từ cao su, cà phê…Xuất khẩu thủy sản, lâm sản chính và chăn nuôi đều tăng. Các thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh là Indonesia, Malaysia, Philippines, Nga, Trung Quốc…

Tăng trưởng ngành nông nghiệp là điểm sáng của kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản trong 9 tháng đã vượt kế hoạch đề ra.


“Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản trong 9 tháng đã vượt kế hoạch đề ra, triển vọng xuất khẩu trong 3 tháng cuối năm cũng khả quan. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có điểm bất lợi nhưng cũng có điểm thuận lợi cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi thị trường tiêu thụ nông sản vào Trung Quốc tiếp tục được mở rộng do nguồn cung thiếu hụt” – ông Thiếu nói.Đánh giá về mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 40 tỷ USD trở lên trong cả năm nay, ông Phạm Công Thiếu, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, hoàn toàn có thể đạt được.

Tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng

Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tăng trưởng ngành nông nghiệp trong 9 tháng năm 2018 là một minh chứng cho quá trình tái cơ cấu trong nông nghiệp hiệu quả. Các ngành hàng về thủy sản, cây ăn quả, lâm sản đóng góp rất đáng kể cho xuất khẩu. Trong khi đó, việc điều chỉnh lại cơ cấu lúa gạo, xuất khẩu lúa gạo chất lượng cao và có giá trị cao hơn là một trong những thành công mở đầu cho việc điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

“Tái cơ cấu nông nghiệp được đặt vấn đề rất cụ thể, mục tiêu không đi vào những vấn đề vĩ mô như tăng GDP, tăng kim ngạch xuất khẩu hay tỷ trọng nông nghiệp mà đi thẳng vào những việc đang còn bức xúc của ngành nông nghiệp, đó là năng suất sản xuất, tích tụ ruộng đất, tăng cường các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực…” - TS Đặng Kim Sơn cho biết.

Cần tập trung vào phát triển khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng chính sách tạo điều kiện cho một nền sản xuất quy mô lớn thì tái cơ cấu nông nghiệp mới phát triển bền vững, TS Đặng Kim Sơn phân tích thêm.


Tăng trưởng ngành nông nghiệp là điểm sáng của kinh tế Việt Nam - Ảnh 2.

Tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng.


Ông Phạm Công Thiếu cho rằng, kết quả tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong thời gian gần đây và trong năm 2018 cho thấy tái cơ cấu đã có những chuyển biến rất tích cực. Tổ chức điều hành và sản xuất trong ngành nông nghiệp đã cho thấy thay đổi.

“Đặc biệt, tái cơ cấu trong sản xuất chọn cây trồng và vật nuôi là chủ lực có thế mạnh của Việt Nam, không đi theo hướng phát triển dàn trải. Hướng đầu tư sản xuất các sản phẩm như rau quả, điều, lúa gạo, sản phẩm gỗ… tăng giá trị cho xuất khẩu nông sản từ đó thu hút thêm đầu tư vào nông nghiệp” – ông Thiếu nói.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Thiếu, ngành nông nghiệp cũng đang gặp thách thức không nhỏ. Đó là xuất khẩu nông lâm và thủy sản đối mặt với rào cản về thương mại ngày càng phức tạp, cạnh tranh gay gắt.

Trong nội tại ngành nông nghiệp, có 4 thách thức về chính sách cần giải quyết: Một là, cấu trúc lại thị trường, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, cung ứng đầu vào, chế biến sau thu hoạch… tăng hiệu quả để thu hút được đầu tư vào nông nghiệp.

Hai là, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng đầu tư công để duy trì hạ tầng hiện có và xây dựng hạ tầng mới là thủy lợi, giao thông và xử lý bảo quản, chế biến sau thu hoạch và người nông dân thay đổi tư duy nâng cao năng suất, thân thiện với môi trường, đòi hỏi có sự liên kết giữa đơn vị nghiên cứu – doanh nghiệp và nhà nông.

Ba là, quản lý tài nguyên bền vững, có chính sách về tích tụ đất đai, tạo các vùng sản xuất lớn.

Bốn là, những tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp. Việt Nam là một trong những nước chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu và ngành nông nghiệp càng đứng trước những nguy cơ cao hơn./.

Theo Hoài Lam

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên