Tăng trưởng tín dụng bị siết chặt, ngân hàng vẫn tự tin lãi cao?
Việc chọn kịch bản tăng trưởng tín dụng chỉ 8% cho năm nay cho thấy sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước, dù nhiều phân tích của các tổ chức tài chính chỉ ra mức tăng trưởng tín dụng có thể đạt mức trên 12%...
- 23-03-2021Hạn mức tăng trưởng tín dụng đã lỗi thời
- 21-03-2021Ngân hàng “lách” tăng trưởng tín dụng
- 16-03-2021Trong tháng này công bố kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm
Bất chấp những khó khăn do sự tái bùng phát của dịch Covid-19, nhiều chỉ số về kinh tế vĩ mô trong hai tháng đầu năm 2021 vẫn có những tín hiệu khởi sắc. Theo đó, lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong quý I ước tăng trưởng "ngoạn mục" bất chấp tăng trưởng tín dụng bị siết chặt ở mức thấp 8%.
TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG 2021: CHỌN KỊCH BẢN NÀO?
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng ứng với tình hình diễn biến Covid-19. Kịch bản 1, tăng trưởng tín dụng 12-13%, tối đa có thể lên 14% nếu dịch Covid-19 dừng trong quý 1 và tiêm chủng vaccine đại trà. Kịch bản 2, mức tăng trưởng tín dụng là 10-12% trong trường hợp Covid-19 kéo dài đến tháng 6/2021 và Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine. Và kịch bản 3 là Covid-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7-8%.
Tuy nhiên, theo một quan chức của NHNN, kịch bản 3 - với mức tăng trưởng tín dụng bị siết ở mức tối đa 8% - là kịch bản vừa được lựa chọn trong bối cảnh hiện tại
Việc chọn mức tăng trưởng tín dụng 8% cho năm nay cho thấy sự thận trọng của NHNN, dù nhiều phân tích của các tổ chức tài chính chỉ ra mức tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức trên 12% bởi nền kinh tế vẫn đang cần chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng hậu Covid-19.
Không chỉ đưa ra các kịch bản tăng trưởng tín dụng thấp, tương tự như năm ngoái, NHNN nước tiếp tục thay đổi trong việc cấp hạn mức tín dụng trong năm 2021. Theo đó, hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho từng ngân hàng riêng biệt, không cố định mà sẽ xem xét thay đổi thay từng đợt khi cần thiết, dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của từng ngân hàng.
Trước đó, ngay trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, một số ngân hàng thương mại được NHNN cấp tín dụng ở mức 3-4%. Tuy nhiên, với sự tái bùng phát Covid-19 ở giai đoạn trước và sau Tết, nhiều dự báo tăng trưởng tín dụng trong quý I/2021 khó tăng cao.
Và đúng như dự báo, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ước trong quý I ở mức 1,7% (thời điểm trung tuần tháng 3/2021 mới tăng được 1,2%), riêng khu vực TPHCM con số này là 1,8%.
Với từng ngân hàng, mức tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa. Cụ thể, ACB ước tăng trưởng tín dụng ở mức 3,5%, tăng 1,2 điểm % so với cùng kỳ 2020; VPBank ước 3,9%, tăng 1,3 điểm %. Tại các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước như BIDV và VietinBank, tăng trưởng tín dụng quý 1 dự kiến đạt lần lượt là 2,7% và 2,6%,trong khi cùng kỳ năm ngoái cả hai ngân hàng này đều âm, tương ứng là -1% và -1,2%.
Trước tình hình thực tế này, mới đây NHNN đã cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 - đợt 1 - cho một số ngân hàng thương mại. So với năm ngoái, mặt bằng "room" tín dụng được cấp năm nay thấp hơn.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước như Agribank, BIDV, VietinBank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng khoảng 6,5-7,5%, riêng Vietcombank là 10,5%. Một số ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tư nhân như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%.
Việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đợt 1 cho một số ngân hàng nói trên thể hiện sự thận trọng của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ quốc gia tại thời điểm này. Và NHNN sẽ xem xét nới "room" lần 2, lần 3 cho từng tổ chức tín dụng trong nửa cuối năm 2021, tùy theo tình hình thực tế và điều kiện cụ thể.
VẪN TỰ TIN LÃI CAO?
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng quý I đạt thấp, lợi nhuận quý I của ngành ngân hàng lại được dự báo ở mức "ngoạn mục". Trong Báo cáo mới nhất, Khối phân tích và tư vấn đầu tư của Công ty chứng khoán SSI đã dự báo ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác trong quý I/2021, nhờ tỷ suất lợi nhuận tương đối hấp dẫn và triển vọng tín dụng được cải thiện.
Cơ sở để đưa ra dự báo trên là hầu hết ngân hàng đã đẩy nhanh xóa nợ xấu và tăng cường trích lập dự phòng bao nợ xấu trong 3 tháng cuối năm 2020. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu trung bình ngành ngân hàng đạt mức cao nhất trong ba năm qua.
Tại ngày 31/12/2020, LLCR (Tỷ lệ cho vay khả thi) trung bình của các ngân hàng đạt mức cao nhất trong ba năm qua. SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của nhóm ngân hàng được nghiên cứu sẽ tăng khoảng 55% -65% so với cùng kỳ.
Chi tiết hơn, nhóm các ngân hàng TMCP dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) khoảng 45% -55% so với cùng kỳ. Còn nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nhiều khả năng sẽ đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục hơn, tăng khoảng 75-85% so với cùng kỳ năm trước do đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề.
Cũng theo ước tính của SSI, ba tháng đầu năm 2021 sẽ là đỉnh cao của tăng trưởng so với cùng kỳ, vì các ngân hàng đã ghi nhận nhiều thu nhập bất thường (kinh doanh ngoại hối, kinh doanh trái phiếu....) trong 9 tháng cuối năm 2020. Trong khi đó, thu nhập phí ở hầu hết ngân hàng, ngoại trừ Techcombank, BIDV và VIB, đều thấp.
Điển hình là VietinBank. Lãi trước thuế quý I của ngân hàng này ước đạt 7.000-8.000 tỷ đồng, chưa gồm phí trả trước từ hợp đồng bancassurance độc quyền với Manulife. Con số này tăng đột biến so với những năm gần đây. Hai năm 2019 và 2020, lợi nhuận quý I của VietinBank chỉ xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.
Với các ngân hàng khác, dù chưa công bố con số lợi nhuận ước tính quý I, nhưng đa số đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021 ở mức khá cao. Cụ thể, MBB đặt kế hoạch LNTT tăng 25 - 30% so với năm 2020, tương đương đạt hơn 14.600 tỷ đồng; với OCB, mục tiêu LNTT năm 2021 tăng khoảng 15%, đạt 5.560 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa tổ chức vào ngày 24/03 tại TPHCM, MSB công bố LNTT quý I ước đạt 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Ngân hàng này cũng đưa ra kế hoạch LNTT cả năm nay ước đạt 3.280 tỷ đồng, tăng 30%.
Chưa công bố con số ước tính, nhưng BIDV đặt mục tiêu LNTT năm 2021 ở mức 13.000 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với 2020. Đặc biệt, với triển vọng lạc quan trong năm 2021, SHB đặt kế hoạch tăng trưởng LNTT lên đến 70%, tương ứng lãi trước thuế hơn 5.500 tỷ đồng; VIB cũng công bố kế hoạch LNTT năm nay ở mức hơn 7.500 tỷ đồng, tăng 29,4% so với 2020…
Cùng với đó là kế hoạch cổ tức đi kèm. Nhiều mã cổ phiếu bật tăng nhờ hưởng lợi từ thông tin chia cổ tức như VIB dự chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40%, MSB chia tối thiểu 15%, OCB cũng dự kiến khoảng 25%, SHB dự chia 20,5%...
Với nhiều thông tin lạc quan về triển vọng của nhóm ngân hàng trong năm 2021, và dựa trên mục tiêu lợi nhuận các ngân hàng đặt ra trong năm 2021, ước tính cả năm 2021, LNTT ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng 24% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng lợi nhuận này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng, theo SSI, ở mức 15% so với cùng kỳ.
Kỳ vọng về lợi nhuận ngân hàng cũng được phản ánh vào giá cổ phiếu ngành này trong các phiên gần đây. Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng cao và vượt đỉnh kỷ lục trong tháng 3. Tuy nhiên, với việc siết hạn mức tín dụng của NHNN ở kịch bản 3, tối đa 8%, có xem xét nới lỏng hay thu hẹp "room" theo từng giai đoạn với từng ngân hàng, cũng khiến nhóm cổ phiếu "vua" này "hắt hơi mạnh".
Vneconomy